4 tiền tố đo lường mới giúp cân đo những vật cực nặng và cực nhẹ trong vũ trụ
Các nhà khoa học tuyên bố hành tinh nơi chúng ta đang sinh sống nặng khoảng sáu ronnagram.
Ngày 18/11, các nhà khoa học quốc tế tham gia Đại hội lần thứ 27 về Cân nặng và Đo lường, được tổ chức tại Cung điện Versailles (Pháp), đã bỏ phiếu để bổ sung các tiền tố “ronna” và “quetta” mới vào Hệ thống Đơn vị Quốc tế (SI). Hai tiền tố trên cũng là đơn vị lớn nhất trong hệ thống SI.
Nếu như một kilogram bằng 1.000 gram, thì một ronnagram tương đương với 1 gram kèm theo 27 con số 0 ở đằng sau (1 gram lũy thừa 27) và một quettagram bằng 1 gram kèm theo 30 con số 0 (1 gram lũy thừa 30). Hai tiền tố trên có thể được áp dụng cho bất kỳ đơn vị cơ sở nào trong hệ SI. Ví dụ, một ronnameter bằng một mét lũy thừa 27, và quetavolt là một vôn lũy thừa 30.
Các tiền tố mới này được đề xuất bởi Tiến sĩ Richard Brown tại Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Vương quốc Anh, lấy ý tưởng từ nhu cầu của ngành công nghệ trong lưu trữ dữ liệu, vốn đã sử dụng các tiền tố cao nhất trước đó là yottabyte và zettabyte.
Ông Brown nói với hãng AFP: “Xét về việc thể hiện dữ liệu tính bằng yottabyte, là tiền tố cao nhất hiện nay, chúng tôi đang ở rất gần điểm giới hạn. Theo ông, hệ thống SI trong 20 - 25 năm tới sẽ phải đối mặt với một thách thức mới. Vì vào thời điểm đó, không còn chữ cái nào trong bảng chữ cái chưa được sử dụng để làm đơn vị.
Các đơn vị mới giúp mô tả các đối tượng cực lớn dễ dàng hơn. Ông Brown cho biết về khối lượng, Trái đất nặng xấp xỉ sáu ronnagram còn sao Mộc nặng khoảng hai quettagram.
Hội nghị vừa diễn ra tại Pháp này cũng đã thông qua hai tiền tố mới để mô tả những thứ nhỏ nhất trong vũ trụ. “Ronto” mô tả một đơn vị theo lũy thừa âm 27, trong khi “quecto” mô tả một đơn vị theo lũy thừa âm 30. Điều này có nghĩa là một quectogram bằng 0,000000000000000000000000000001 gram.
Những phép đo cực nhỏ như vậy rất hữu ích cho khoa học lượng tử, vật lý phân tử.