4 triệu người Việt Nam mắc hen phế quản

Hen phế quản là bệnh viêm đường thở mạn tính, gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến khoảng 3,9% dân số Việt Nam, tương đương 4 triệu người mắc bệnh và lấy đi sinh mạng của 3-4.000 người mỗi năm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Hoàng Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao, Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi lên cơn hen, người bệnh không thể hít đủ không khí để cung cấp ô xy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, bác sĩ Thủy cũng nhắc tới một thực trạng tại nước ta, đó là phần lớn bệnh nhân bị bỏ sót chẩn đoán do không biết bệnh, không chấp nhận chẩn đoán hoặc có thể bị chẩn đoán nhầm dẫn tới điều trị sai, gây ảnh hưởng tới sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc, mất thời gian cho bệnh nhân.

Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi người lớn. Thế nhưng, trên thực tế, việc chẩn đoán hen ở trẻ em nhiều khi bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này tất yếu đã hạn chế hiệu quả điều trị: Trẻ thường xuyên bị lên cơn hen, không thể vui chơi, gắng sức như bao trẻ khác, phải đi cấp cứu, nhập viện, thậm chí có thể tử vong. Do vậy, cha mẹ cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm); Ho, khò khè xảy ra khi trẻ vận động, khóc/cười mà không có triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp rõ ràng. Cũng cần cảnh giác với hen khi trẻ có các bệnh dị ứng khác (chàm, viêm mũi dị ứng), hay cha mẹ, anh chị em ruột của trẻ mắc bệnh hen.

Theo các chuyên gia, hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ. Triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi màu trong quánh và dính. Sau cơn hen thì hết các triệu chứng hoặc khi thở ra, có tiếng cò cử mà bản thân bệnh nhân và người khác cũng nghe thấy.

Điều trị hen phế quản là một quá trình liên tục, lâu dài, người bệnh chỉ nhập viện điều trị khi có cơn hen cấp, còn phần lớn thời gian là điều trị ngoại trú. Do đó, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại nhà có vai trò đặc biệt quan trọng. Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin, các thuốc chống viêm không steroid, beta blocker, các chất gây nghiện như cocain, heroin, rượu… vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.

Người bệnh phải luôn mang theo bình thuốc cắt cơn khó thở dù ở bất cứ đâu. Để đạt được hiệu quả điều trị, cần sử dụng đúng cách thuốc dự phòng và cắt cơn hen, người bệnh không tự ý ngừng thuốc, giảm liều, tăng liều. Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cơn hen, việc cần làm đầu tiên với người bệnh là tránh xa những yếu tố khởi phát như phấn hoa, lông thú vật, khói thuốc lá, mùi hóa chất… và tìm một nơi thoáng đãng để ngồi.

Bước tiếp theo là sử dụng thuốc để cắt cơn. Loại thuốc bệnh nhân thường được bác sĩ kê cho dùng để cắt cơn khó thở là những thuốc giãn phế quản, tác dụng nhanh như Ventolin hoặc Berodual.

Bác sĩ Hoàng Thủy nhấn mạnh, nếu không được điều trị liên tục, kịp thời, bệnh nhân hen phế quản có thể gặp phải tình trạng hen ác tính, đây là một tình trạng cấp cứu khẩn, lại không có khả năng đáp ứng với điều trị bằng thuốc giãn phế quản tích cực tại nhà. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn, nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong. Với trường hợp cấp cứu thành công thì sau cơn hen phế quản ác tính có thể để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh hen phế quản, cần tầm soát bệnh hen phế quản ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân cần dùng đúng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hô hấp để tránh dẫn đến hen ác tính.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc bệnh hen phế quản tuyệt đối ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá một cách thụ động. Khói thuốc lá khiến 35% bệnh nhân lên cơn hen phải nhập viện cấp cứu. Khói thuốc lá còn làm giảm đáp ứng với thuốc steroid và làm khó kiểm soát hen. Đây là một trong số ít các yếu tố nguy cơ mà bệnh nhân cần phải thay đổi được.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/4-trieu-nguoi-viet-nam-mac-hen-phe-quan-5700553.html