4 trọng tâm Bộ Công Thương ưu tiên hợp tác với ITC
Chiều ngày 20/9/2022, tại Hà Nội Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân có buổi tiếp xã giao bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc Điều hành của ITC (Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC là cơ quan trực thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, trụ sở tại Geneva -Thụy Sĩ).
Dự buổi tiếp có bà Nicole Wyrsch, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, bà Sibylle Bachman – Phó Văn phòng Hợp tác Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ, đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Công Thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chúc mừng chuyến thăm, làm việc của bà Pamela Coke-Hamilton tại Việt Nam. Thứ trưởng bày tỏ về những đóng góp tích cực của ITC, cá nhân bà Pamela Coke-Hamilton trong việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam phát triển thương mại, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Về quan hệ hợp tác giữa ITC với Việt Nam và Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, cùng với quá trình mở cửa hội nhập của Việt Nam, đặc biệt là kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, ITC luôn là đối tác quan trọng đối với Bộ Công Thương trong việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển xuất khẩu để khai thác các tiềm năng, lợi thế của đất nước; nâng cao năng lực cho cán bộ làm chính sách và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNVVN) nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Đặc biệt, hiện nay, ITC đang là Cơ quan kỹ thuật được Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) lựa chọn để hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ. Đây là dự án vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Trao đổi tại buổi làm việc bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc Điều hành của ITC cho đưa ra chiến lược hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại điện tử, số hóa nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đồng thời, ITC hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, xanh hóa hoạt động doanh nghiệp. Theo đó, ITC hỗ trợ Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tại COP 26.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, đặc biệt là Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam; cá nhân bà Sibilly Bachman, ông Đỗ Quang Huy và các cán bộ của SECO vì sự đóng góp lớn đối với Bộ Công Thương thông qua Dự án này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, với gần 20 Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong 15 năm qua, chủ yếu làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Công Thương và ITC cần phải đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên để khai thác tối đa lợi thế, tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chiến tranh, dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; các xu hướng mới của toàn cầu như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; biến đổi khí hậu và thực thi cam kết về cắt giảm phát thải…Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết mục tiêu trung hòa các bon của Việt Nam vào năm 2050.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nêu những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương, tập trung kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật của ITC trong thời gian tới.
Một là, hỗ trợ Bộ Công Thương thực thi cam kết tại COP 26 về trung hòa các bon vào năm 2050, thực hiện phát triển thương mại bền vững. Cụ thể, hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng kèm theo lộ trình hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng yêu cầu về phát cacbon, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cacbon thấp, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Hai là, hỗ trợ Bộ trong xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia về hỗ trợ DNVVN Việt Nam trong chuyển đổi số, hoạt động xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế, thực thi có hiệu quả các FTA.
Ba là, hỗ trợ nâng cao năng lực về chính sách thương mại cho đội ngũ cán bộ làm chính sách của Bộ Công Thương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp trung (mid-managers). Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chính sách thương mại và xúc tiến thương mại – Dự án SwissTrade” do ITC là cơ quan kỹ thuật đã hỗ trợ Bộ xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược.
Bốn là, xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài với ITC trước những cơ hội hợp tác trong giai đoạn phát triển tới đây, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam/Bộ Công Thương thực hiện các nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề xuất phía ITC xem xét, phối hợp cùng với Bộ Công Thương xây dựng và ký biên bản ghi nhớ (MOU) về khung hợp hợp tác giữa hai cơ quan để làm căn cứ triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.