4 tỷ phú Ấn Độ rơi vào cảnh trắng tay và tù tội

Từ ông trùm kim cương cho tới doanh nhân công nghệ, các tỷ phú Ấn Độ dưới đây rơi vào cảnh khuynh gia bại sản, vào tù ra tội...

Từng sở hữu tài sản hàng tỷ USD và có cuộc sống xa hoa, 4 doanh nhân dưới đây phút chốc mất tất cả, thậm chí mất cả sự tự do.

NIRAV MODI

Ông Nirav Modi tại văn phòng của mình ở Lower Parel, Mumbai, Ấn Độ vào tháng 8/2016 - Ảnh: Getty Images

Năm 2017, ông trùm trang sức Ấn Độ Nirav Modi, chủ sở hữu hãng kim hoàn Firestar Diamond, sở hữu tài sản 1,8 tỷ USD, theo thống kê của Forbes. Ông cũng có thương hiệu riêng mang tên mình với các cửa hàng trải khắp từ Mumbai cho tới Hồng Kông, London, New York.

Tuy nhiên, sau khi bị cáo buộc thực hiện một trong những vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất Ấn Độ, tỷ phú này giờ đây gần như trắng tay. Ông bị cáo buộc lừa Ngân hàng Quốc gia Punjab (PNB) hàng triệu USD, phá hủy bằng chứng và giả mạo nhân chứng.

Sau khi bị phát giác, năm 2018, ông Modi trốn tới London, xin tị nạn với lý do "bị đàn áp chính trị" và sống trong một căn hộ có giá thuê 23.000 USD/tháng. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khởi động một cuộc truy lùng quy mô lớn, buộc nhà chức trách Anh phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) truy bắt tỷ phú này. Từ năm 2019, tỷ phú trang sức bị bắt và giam giữ tại nhà tù HMP Wandsworth tại London, Anh.

Chính phủ Ấn Độ muốn dẫn độ ông Modi về nước, nhưng các luật sư của ông chống lại yêu cầu này với lý do sức khỏe tâm thần của tỷ phú không ổn định. Tháng 8/2021, tỷ phú này giành được quyền chống dẫn độ khi nhóm luật sư lập luận rằng ông có thể sẽ tự sát.

MEHUL CHOKSI

Ông Mehul Choksi, chủ tịch tập đoàn Gitanjani - Ảnh: Instagram

Ttháng 5/2021, tỷ phú Mehul Choksi, ông chủ tập đoàn bán lẻ trang sức Gitanjani bị bắt tại Dominica với cáo buộc tham gia vụ lừa đảo PNB cùng với Nirav Modi – cháu trai của mình. Tuy nhiên, việc bắt giữ được thực hiện trên cơ sở ông nhập cảnh trái phép vào Dominica – nơi ông nhập quốc tịch từ năm 2017.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh India Today TV, ông Choksi cho biết thực chất ông đã bị các cơ quan chức năng của Ấn Độ bắt cóc, tra tấn và buộc phải tới Dominica dù không muốn, để được ngồi tù ở đây.

Cuối cùng, tỷ phú này được tại ngoại sau 50 ngày. Sau đó, ông cho biết đang cân nhắc trở lại Ấn Độ để chứng minh mình vô tộ, nhưng vẫn “lo ngại về sự an toàn” của bản thân, truyền thông Ấn Độ cho biết.

RAMALINGA RAJU

Ramalinga Raju - Ảnh: Twitter

Ramalinga Raju, người sáng lập hãng dịch vụ máy tính Satyam Computer Services, trở nên nổi tiếng sau khi công ty ký hợp đồng trị giá hàng triệu USD năm 2007, trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên tài trợ và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin chính thức cho giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2010 và 2014.

Năm 2009, ông Raju thừa nhận đã làm sai lệch bảng cân đối kế toán của công ty số tiền 1,5 tỷ USD và từ chức. Trong bức thư dài 5 trang gửi ban giám đốc của Satyam vào tháng 1 năm đó, ông cho biết mình đã cố ý làm tăng số dư tiền mặt và tài khoản ngân hàng của công ty. Đây là những hành động đầu tiên nhằm che đậy cho hoạt động kinh doanh ngày càng đi xuống của công ty.

“Việc này giống như ngồi trên lưng hổ nhưng biết làm sao để xuống mà không bị ăn thịt”, ông Raju viết trong thư.

Ngày 9/4/2015, ông bị tuyên án tù 7 năm và phải nộp khoản phạt khổng lồ. Tuy nhiên, ông được tại ngoại chỉ một tháng sau đó trong một phiên tòa đặc biệt ở Hyderabad, bang Telangana, Ấn Độ. Theo The Hindu, ông được tại ngoại bởi tòa án cho rằng quá trình xét xử có thể kéo dài.

SUBRATA ROY

Chủ tịch tập đoàn Sahara Subrata Roy bị ném mực vào người khi đến Tòa án Tối cao ở New Delhi năm 2014 - Ảnh: Reuters

Ông Subrata Roy, chủ tịch tập đoàn đa ngành Sahara, từng là doanh nhân nổi tiếng với câu chuyện làm giàu từ tay trắng. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, ông đã xây dựng một đế chế tài chính, cơ sở hạ tầng và nhà ở khổng lồ. Tuy nhiên, năm 2014, cơ quan quản lý thị trường của Ấn Độ cáo buộc ông lừa đảo các nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) cũng cáo buộc ông vi phạm luật chứng khoán.

Theo tờ India Today, ông Roy bị phạt tù 2 năm trước khi được đặc xá vào năm 2016. Tháng 11/2020, SEBI yêu cầu Tòa án tối cao Ấn Độ buộc doanh nhân này phải nộp khoản tiền 8,43 tỷ USD – khoản nợ chưa thanh toán, nếu không sẽ phải trở lại nhà tù.

Dù bị bắt giam và gây nhiều tranh cãi, ông Roy hiện vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ. Hồi tháng 6, truyền thông Ấn Độ cho biết một bộ phim về cuộc đời ông sẽ được thực hiện. Ngoài ra, ông cũng có mặt trong chương trình nổi tiếng của Netflix, “Bad Boy Billionaires: India” phát hành năm 2020. Thời điểm đó, tập đoàn Sahara ra thông cáo nói rằng chương trình này “không chính xác và gây hiểu lầm”.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/4-ty-phu-an-do-roi-vao-canh-trang-tay-va-tu-toi.html