40 năm 'phiêu' theo ước mơ từ trường cũ
Ở tuổi 59 - 60 như bây giờ, tôi đã học qua cả chục ngôi trường, từ lớp 'chim non' của các 'ma soeur' khu Hà Đông - Đà Lạt (Lâm Đồng) những năm 1967 - 1968 khi còn nhỏ xíu, đến những lớp bồi dưỡng chính trị, kinh tế, nghiệp vụ sau đại học ở TPHCM khi đã đi làm nhiều năm; nhưng thời gian học Trường PTTH Đức Trọng (1981 - 1984) làm tôi nhớ mãi.
*
* *
Tôi thuộc lứa học trò “bầm dập” vì chiến tranh, thời cuộc, nên 17 tuổi mới vào lớp 10 của Trường PTTH Đức Trọng, với giấy khai sinh nhỏ lại gần 2 tuổi. Hầu hết các bạn lớp 9 từ khu kinh tế mới (KTM) Tân Hội ra học cấp 3 đều quá tuổi, phải làm lại khai sinh như tôi. Có bạn vào lớp 10 tuổi đã gần bằng các thầy, cô trẻ mới ra trường. Hàng ngày, những bạn này phải vất vả với chiếc xe đạp đi suốt 6 - 7 cây số đường đất đỏ sình lầy từ nhà ở cuối xã Tân Hội ra ngã ba QL20. Sau đó, phải cạy hết đất ở bánh xe ra rồi đạp tiếp khoảng 8 cây số đường nhựa mới đến trường.
Tôi “sướng” hơn các bạn vì không có xe đạp nên không phải khiêng, vác suốt chặng đường lầy lội hay phải lo xe hư, tốn tiền sửa. Tôi đi bộ từ gà gáy canh một, canh hai (thời đó đa số gia đình ở vùng KTM không có đồng hồ) đến khoảng 5 giờ 30 - 6 giờ sáng thì tới trường. Trưa học xong, tôi kiếm chỗ vắng, có bóng cây, ngồi ăn suất khoai, bắp mang theo rồi lại cuốc bộ hơn 3 tiếng để về lại nhà. Nhiều hôm còn phải ghé cánh đồng Nam Sơn mót lúa, đến tối mịt mới về. Hơn 2 tuần đi bộ khoảng 330 cây số đó quả là sự thử thách ý chí, sức khỏe. Sau này, tôi không còn sợ hãi hay chùn bước trước khó khăn cũng nhờ 14 ngày “khổ luyện” đầu năm lớp 10 của Trường THPT Đức Trọng.
Thế nhưng vào cuối học kỳ 1, lớp 11, tôi đứng trước sự chọn lựa còn khó hơn đi bộ 330 cây số. Lúc này, ba má đã đổi một tạ đậu tương (đậu nành) cho Hợp tác xã mua bán để có chiếc xe đạp hiệu “Chiến Thắng” cho tôi đi học. Tôi luôn huýt sáo vì dù đạp xe ngược dốc, ngược gió phải căng hết sức lực, nhưng vẫn là “thượng lưu” so với cuốc bộ 24 cây số (cả đi lẫn về) bằng chân trần trên mặt đường nhựa nóng bỏng hàng ngày... Rồi một hôm, sau bữa cơm tối, ba gọi tôi ra sân uống trà - cốc nước trà đắng nhất mà tôi phải uống, cùng lời thủ thỉ của ba: “Con phải nghỉ học vì gia đình mình khó khăn quá. Ba sẽ lấy cái xe đạp của con để đi buôn bán nuôi các em con...”.
Hai cha con cùng cố lấy vị chát, đắng của lá trà rừng để nuốt nước mắt ngược vào trong. Đêm đó tôi mất ngủ, dậy chong đèn dầu le lói ngồi viết đơn xin nghỉ học. Từng chữ viết ra thật buồn, thế nhưng khi viết xong thì người nhẹ bỗng, coi như “hết nợ sách đèn”!
Hôm sau, tôi đạp xe đến trường gặp thầy chủ nhiệm Nguyễn Văn Hương (quê Nghệ An, sau này là Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng; thầy đã nghỉ hưu nhiều năm nay). Thầy đọc nội dung viết trên giấy học trò của tôi xong, trợn mắt, quát: “Mi đừng có tính chuyện lộn xộn, cuốc được bao nhiêu đất mà bày đặt nghỉ học? Vô lớp mau!”... Cả đêm tôi đã cố tìm từng chữ “lâm li bi đát” nhất, nên cứ tưởng thầy sẽ rơi lệ, chí ít là xúc động khi đọc nỗi niềm riêng của tôi. Ai ngờ thầy “cứng như thép”, quát thật to làm tôi sững sờ rồi líu ríu theo thầy vào lớp. Hơn 40 năm nay, tôi vẫn biết ơn lời quát dữ dằn đó. Nếu hôm đó thầy cũng mềm yếu như tôi, dễ dàng chấp nhận thực tại theo ý tôi thì tôi sẽ dừng lại ở đầu năm lớp 11, sẽ không có thời sinh viên và hơn 30 năm tung tăng khắp nơi với nghề viết báo.
Học kỳ 1, lớp 12, thầy Hương tiếp tục làm chủ nhiệm lớp tôi. Tôi học môn Văn do thầy dạy thường lẹt đẹt điểm 5, may lắm mới được điểm 6, có lúc bài kiểm tra còn bị dưới trung bình. Thỉnh thoảng, tôi lại nghỉ học hoặc đi học trễ vì phải đi chặt mía, vác mía mướn để có thêm tiền ăn học. Thầy lại la rầy, nhưng tôi chỉ im lặng chứ không giãi bày. Một hôm, trong giờ giảng Văn, thầy nói 2 điều in luôn vào tim óc tôi. Thứ nhất là ở Hà Nội có Trường Viết văn Nguyễn Du... Tôi vừa lóe lên: “Mình sẽ nộp hồ sơ thi vào” để thỏa nguyện ước mơ viết văn từ nhỏ, thì thầy dập tắt hy vọng: “Nhưng muốn vào Trường Viết văn Nguyễn Du thì phải có vài tác phẩm đã được đăng báo”...
Thứ hai, thầy nói tiếp: “Đến bây giờ (tức năm 1983 - PV), Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm phản ánh trọn vẹn 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ...”. Tôi sáng mắt lên với điều thầy vừa nói và “liều lẩn” nghĩ bụng sau này mình sẽ viết cuốn sách đó. Tôi nung nấu ý định này suốt từ thời sinh viên và những năm mới ra trường lận đận. Sau khi viết tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện (tác phẩm được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 - 1991, được dịch ra tiếng Pháp, Nhật, Anh, Trung Quốc..., được giảng dạy trong nhiều trường đại học trong và ngoài nước), tôi càng quyết tâm với cuốn sách đặt tên là Thánh Thi.
*
**
Thánh Thi chưa được chào đời nên chưa biết sẽ mang số phận thế nào. Nhưng từ khi còn là học sinh lớp 12, tôi đã ấp ủ và ý tưởng cho đến lúc dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2023, đã tròn 40 năm. Trong 40 năm đằng đẵng theo đuổi ước mơ đó, tôi đã viết hàng trăm bài báo (trong đó có 24 bài, loạt bài được giải Nhất, Nhì báo chí quốc gia, báo chí TPHCM và nhiều giải thưởng của các Bộ, ngành...), hơn 50 truyện ngắn và 12 tiểu thuyết... (cũng được rất nhiều giải thưởng văn học). Nhưng Thánh Thi vẫn luôn đau đáu, hút tôi suy nghĩ và cập nhật thêm kiến thức về nó, cứ vài năm lại đem bản thảo ra đọc lại, sửa chữa tỉ mỉ từng câu, từng từ.
Tôi tận tụy, dốc sức, kiên trì với Thánh Thi (đến nước đổ bệnh vì nó) bởi mơ ước được đóng góp cho văn học một tác phẩm có tính khái quát, phản ánh sâu, rộng về lịch sử Việt Nam đương đại trong tương tác với những diễn biến lớn, nhỏ của thời cuộc, những quan hệ sinh động, phong phú và khắc nghiệt với các nước lớn, các nhân vật quyền uy, các hệ tư tưởng làm rung chuyển địa cầu... Tôi muốn hoàn thành Thánh Thi cũng vì lời hứa với chính mình: không phụ công lao của cha mẹ và quý thầy cô, nhất là thầy Nguyễn Văn Hương đã dạy dỗ, gieo mầm ước mơ và trang bị khiến thức nền cho tôi.
Xin cảm ơn Trường PTTH Đức Trọng đã cho tôi biết bao kỷ niệm về tuổi học trò, những rung động tình đầu ngây thơ, trong sáng ám ảnh suốt đời; những ước mơ thật “liều lẩn” và ý chí vượt khó. Hơn 40 năm qua, tôi luôn tự hào là “học trò Đức Trọng”. Tôi viết rất nhiều bài báo (có cả những loạt bài được giải Nhì báo chí quốc gia, giải Nhất báo chí TPHCM), tôi đều ký bút danh “Trọng Đức”, vừa để nhớ về trường cũ, quê hương mình, vừa tự nhắc nhở phải luôn giữ “Đức” trong nghề và nghiệp cầm bút; có cả nhân vật Trọng Hội (ghép từ chữ Đức Trọng - Tân Hội, nơi tôi đã lớn lên, trong bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa (NXB Công an nhân dân, năm 2022) đạt kỷ lục Việt Nam và nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng phim truyền hình cao quý.
Nhà báo Trọng Hội còn có mặt trong tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến (NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2016). Đây là tác phẩm mang chủ đề và khát vọng hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù, hướng đến tương lai. Năm 2022, loạt bút ký “Chốn lưu đày” nở hoa viết về sự hình thành, phát triển của khu KTM R’Chai sau này là xã nông thôn mới nâng cao Tân Hội (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) của tôi đã được giải thưởng “Búa liềm vàng”, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen...
Quê hương Đức Trọng và Trường PTTH Đức Trọng đã cho tôi ước mơ và “quả ngọt”. Một lời cảm ơn là quá ít ỏi so với những gì tôi đã được nhận. Xin kính chúc quý thầy, cô và học sinh của trường nhiều niềm vui, may mắn và hạnh phúc!
Sài Gòn 04/5/2023.