40 nhà khoa học Việt Nam và Nga cùng khảo sát Biển Đông bằng tàu Viện sĩ Oparin
Chiều tối 17/5 đã diễn ra Lễ đón tàu nghiên cứu khoa học Liên bang Nga mang tên 'Viện sĩ Oparin' cập cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tàu 'Viện sĩ Oparin' chuẩn bị thực hiện chuyến khảo sát lần thứ 8 trong thời gian 1 tháng tại vùng biển Việt Nam với sự tham gia của 40 nhà khoa học Việt Nam, Liên bang Nga.
Chuyến khảo sát thuộc “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Trước đó, tàu “Viện sĩ Oparin” đã 7 lần khảo sát tại Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc 2 Viện Hàn lâm quốc gia. Qua đó, đội ngũ các nhà khoa học về khoa học biển của Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm hơn qua những chuyến khảo sát và hợp tác khoa học. Các chuyến khảo sát cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai đất nước.
Trong lần nghiên cứu này, phía Việt Nam có sự tham gia của 19 nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị tiếp tục tăng cường sự hiện diện của lực lượng nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện để các nhà khoa học quốc tế tham gia khảo sát nghiên cứu trên Biển Đông.
“Đây là lần thứ 8 tổ chức chuyến khảo sát đa dạng sinh học, khoáng sản biển ở bãi cạn, đồi ngầm, ven đảo tại vùng biển phía Nam Việt Nam của tàu Viện sĩ Oparin. Chúng tôi rất vinh dự khi Nha Trang, Khánh Hòa được chọn là điểm cập bến của tàu nghiên cứu Viện sĩ Oparin”, ông Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh.
Tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm Khoa học Nga dài hơn 75m, trọng tải hơn 2.400 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Tàu này được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn ở vùng biển, thu mẫu ở vùng biển sâu.
Trước đó, tàu nghiên cứu biển "Viện sĩ Oparin" cùng các nhà khoa học hai nước đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát tại vùng biển Việt Nam. Các nhà khoa học đã tìm hiểu thành phần rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất trong vi sinh vật biển... khai thác ở độ sâu hàng trăm mét trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau; thu thập hàng trăm mẫu vật trên Biển Đông.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: “Viện Hải dương học chúng tôi vinh dự đã 4 lần được đón tàu Viện sĩ Oparin cập cảng, khởi đầu cho những khảo sát giữa 2 đơn vị. Đây là nhiệm vụ hợp tác quốc tế quan trọng, góp phần năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học biển. Chuyến khảo sát lần thứ 8 sẽ thắt chặt những hoạt động nghiên cứu khoa học chung giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nga cũng như các nhà khoa học thuộc 2 Viện Hàn lâm”./.