408 hồ chứa hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn sửa chữa nâng cấp

Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão không chỉ làm bộc lộ rõ nét hơn các tồn tại về công trình cũng như công tác vận hành mà còn làm tăng thách thức đối với quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN

Tại Hội nghị Quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 13/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc vận hành hồ chứa thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, không chỉ cho tưới tiêu cây trồng, không chỉ làm nhiệm vụ tích nước và xả nước mà còn cho phát triển kinh tế - xã hội. Các hồ chứa tích nước đảm bảo cho sản xuất nhưng cũng phải vận hành an toàn, nhất là các hồ có chức năng cắt lũ. Từ bão số 3 cho thấy, vận hành hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa liên vùng đặt ra vấn đề làm thế nào vận hành hiệu quả để đảm bảo nước trong hồ chứa thủy lợi là nguồn tài nguyên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hệ thống hồ thủy lợi lớn nhưng nhiều hồ đã tồn tại 100 năm, 50 năm… nhưng chưa có quy định lúc nào dừng khai thác. Hiện hồ chứa có dung tích thật và dung tích thiết kế khác nhau nhiều. Có nhiều hồ chứa sau khảo sát dung tích tăng lên gấp đôi, nhưng cũng có hồ còn một nửa. Bên cạnh đó, việc cảnh báo sớm, cảnh báo xa còn yếu và điều này cần được đầu tư bằng khoa học công nghệ. Đây là những câu chuyện lớn trong quản lý và vận hành hồ chứa thủy lợi.

Theo Cục Thủy lợi, hiện cả nước đã xây dựng được 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi; trong đó có 592 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.723 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182 km, tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3.

Trong tổng số trên, cả nước có 4 hồ đặc biệt quan trọng (Cửa Đạt 1,065 tỷ m3, Ngàn Trươi 775,7 triệu m3, Tả Trạch 420 triệu m3, Dầu Tiếng 1,580 tỷ m3), 896 hồ lớn, 1.540 hồ vừa và 4.283 hồ nhỏ. Cũng trong số trên chỉ có 213 hồ chứa có cửa van.

Các hồ chứa thủy lợi có dung tích phòng lũ lớn như: Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng... Vì vậy, các hồ chứa đóng vai trò quan trọng trong việc cắt, giảm lũ cho hạ du, điển hình như các trận lũ do ảnh hưởng của bão số 3, bão số 4. Bên cạnh đó, các hồ chứa thủy lợi hiện nay còn có nhiệm vụ phục vụ khai thác đa mục tiêu: cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…

Tuy các hồ chứa đóng nhiều vai trò quan trọng nhưng ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi cho biết, việc lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước - giải pháp quan trọng để theo dõi, đánh giá mức độ an toàn công trình hiện còn rất hạn chế: 5 hồ đã được lắp đặt nhưng chưa hoàn thiện, hoặc hư hỏng cần nâng cấp (Cửa Đạt, Tả Trạch, Cấm Sơn, Kim Sơn, Dầu Tiếng); 5 hồ đã thực hiện (Ngàn Trươi, Ia Mơr, Núi Cốc, Cầu Mới, Sông Ray); 1 hồ đang thực hiện (Đại Lải); 2 hồ chưa thực hiện (Bàu Nhum, Suối Giai). Các tồn tại này cần được khắc phục thời gian tới.

Một số hồ chứa có quy trình vận hành được ban hành đã lâu, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn như: hô Suối Giai, hồ Cửa Đạt.

Với các hồ chứa mà đập tạo hồ là đập đất do địa phương quản lý trước lũ năm 2024, cả nước còn khoảng 340 hồ chứa bị hư hỏng nặng. Sau mưa lũ vừa qua, phát sinh thêm 68 hồ, chưa kể các hồ hư hỏng trước lũ phát sinh thêm hư hỏng. 408 hồ chứa bị hư hỏng nặng này chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp.

Ông Nguyễn Đăng Hà cũng cho biết, về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành. Việc vận hành theo quy trình vận hành hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (mưa dự báo), số liệu trạm đo mưa trên lưu vực hồ còn hạn chế. Thực trạng này cần được khắc phục bằng các giải pháp như: huy động tư vấn tính toán nhanh các kịch bản vận hành trên cơ sở mưa thực đo và dự báo như đang thực hiện với các hồ Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Trả Trạch, Dầu Tiếng, Ia Mơr; xây dựng phần mềm dự báo lũ cho phép tính nhanh các kịch bản vận hành, xây dựng đủ các trạm đo mưa tự động trên lưu vực...

Hiện nay, cơ bản các hồ chứa mà tràn xả lũ có cửa van điều tiết lũ đã được xây dựng quy trình vận hành. Tuy nhiên, thực tiễn vận hành thời gian qua, nhất là sau bão số 3 và số 4 bộc lộ một số tồn tại. Đó là một số quy hoạch được phê duyệt đến nay đã hơn 10 năm chưa được rà soát, điều chỉnh, bổ sung; quy trình vận hành chưa quy định rõ thẩm quyền ra lệnh vận hành công trình trong tình huống khẩn cấp (hồ Cửa Đạt). Các hồ chứa mà lòng hồ có hoạt động dân sinh, hạ du bị ngập thì việc vận hành theo quy trình sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện mới có 17% số hồ đã được lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, thiết bị giám sát vận hành hồ chứa như: thiết bị đo mưa tự động trên lưu vực, thiết bị đo lưu lưu lượng, mực nước hồ; camera giám sát vận hành công trình, phần mềm hỗ trợ điều hành hồ chứa... Trong khi đây là các thiết bị hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, vận hành hồ theo quản lý vận hành được duyệt và theo diễn biến thực tế.

Hồ Dầu Tiếng. Ảnh minh họa: Thanh Tân/TTXVN

Hồ Dầu Tiếng. Ảnh minh họa: Thanh Tân/TTXVN

Theo thống kê, hiện mới có 17% số hồ được xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó: Có 401/896 hồ lớn, 3/4 hồ quan trọng đặc biệt được xây dựng phương án (hồ Tả Trạch chưa được xây dựng); 5% số hồ được xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du. Với các hồ chứa, đặc biệt hồ lớn, hạ du đông dân cư nếu không được xây dựng phương án, khi có tình huống sẽ rất bị động trong công tác ứng phó.

Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão không chỉ làm bộc lộ rõ nét hơn các tồn tại về công trình cũng như công tác vận hành mà còn làm tăng thách thức đối với quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, ông Nguyễn Đăng Hà cho hay.

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục Trưởng Cục Thủy lợi, qua cơn bão số 3, vấn đề cần đặt ra là cần năng cao năng lực dự báo, độ chính xác trong dự báo. Từ đó đưa ra được các kịch bản vận hành; xả lũ nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hạn chế ngập lụt cho hạ du mà vẫn giữ được lượng nước trong hồ để đảm bảo nhu cầu cho sản xuất khi vào mùa khô.

Cùng với đó là rà soát lại các quy trình vận hành, tiêu chuẩn quy chuẩn trong thiết kế xây dựng các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lâu năm. Đánh giá lại dung tích các hồ chứa này để xác định quy mô, nhiệm vụ công trình trước các tình huống cực đoan của thời tiết. Các hồ chứa cũng phải đảm bảo đa mục tiêu, nhất là đảm bảo cho sản xuất, dân sinh và an toàn.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/408-ho-chua-hu-hong-nang-chua-duoc-bo-tri-nguon-von-sua-chua-nang-cap-20241113164941783.htm