41 công nhân được cứu ra khỏi đường hầm sập thế nào?

41 công nhân bị kẹt trong đường hầm sập ở bang Uttarakhand (miền bắc Ấn Độ) được giải cứu thành công hôm 28-11, sau 17 ngày đội cứu hộ miệt mài làm việc.

Theo thông tin từ giới chức Ấn Độ, 41 công nhân bị kẹt trong đường hầm sập ở bang Uttarakhand (miền bắc Ấn Độ) đã được giải cứu thành công hôm 28-11, sau 17 ngày đội cứu hộ miệt mài làm việc, theo hãng tin AP.

Các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sập được kéo ra ngoài trên cáng có bánh xe, thông qua một ống thép rộng 90 cm song song với trục đường hầm.

Lực lượng cứu hộ nỗ lực, người dân cầu nguyện

Vụ lở đất sáng sớm 12-11 khiến một phần của đường hầm Silkyara dài 4,5 km mà các công nhân đang xây dựng gần thị trấn Uttarkashi (bang Uttarakhand) bị sập cách lối vào khoảng 200 m. Ngày đường hầm sập trùng với ngày diễn ra lễ hội ánh sáng của đạo Hindu, được gọi là Deepavali hoặc Diwali.

May mắn thay, không có ai bị thương nặng hoặc tử vong trong vụ đường hầm sập. Tuy nhiên, đội ngũ kỹ thuật phải đối mặt một thách thức ghê gớm, đó là phải xuyên qua các lớp đất, đá, kim loại dày 60 m để giải cứu các công nhân bị mắc kẹt khi đường hầm sập.

 Lực lượng cứu hộ tập trung tại lối vào Đường hầm Silkyara để giải cứu những công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sập ở bang Uttarakhand (Ấn Độ) ngày 28-11. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ tập trung tại lối vào Đường hầm Silkyara để giải cứu những công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sập ở bang Uttarakhand (Ấn Độ) ngày 28-11. Ảnh: AFP

Ban đầu, lực lượng cứu hộ cố gắng tiếp cận những công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sập bằng cách khoan xuyên qua đống đổ nát theo đường thẳng bằng máy xúc và máy khoan. Tuy nhiên, máy khoan bị hỏng nhiều lần, khiến nỗ lực cứu hộ các công nhân trong đường hầm sập gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng cứu hộ tiếp tục đào thông một đường ống nhỏ, sau đó họ đưa một chiếc máy ảnh nhỏ vào bên trong và biết được rằng những công nhân mắc kẹt trong đường hầm sập vẫn ổn. Họ cũng truyền khí oxy, nước và đồ ăn cho nhóm công nhân.

Ông Arnold Dix - Chủ tịch Hiệp hội Không gian và Đường hầm Quốc tế, người từng cố vấn cho đội cứu hộ - nói rằng tinh thần của các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sập là tích cực và ông nghe nói họ đã “chơi cricket (bóng gậy)” trong thời gian đợi giải cứu.

Tia hy vọng dần cạn khi chạm ngõ ngày thứ 13, thời điểm máy khoan đều bị hỏng, không thể sửa được, trong khi còn gần 20 m nữa mới đào xong đường thoát hiểm cho các công nhân trong đường hầm sập.

 Đồ họa miêu tả cách đưa 41 công nhân ra khỏi đường hầm sập ở Ấn Độ. Nguồn: AFP

Đồ họa miêu tả cách đưa 41 công nhân ra khỏi đường hầm sập ở Ấn Độ. Nguồn: AFP

Theo AP, lực lượng cứu hộ thì miệt mài làm việc, các quan chức thì sốt ruột đứng canh ngoài đường hầm sập, còn người dân địa phương thì cầu nguyện tại một ngôi đền Hindu nhỏ trong khu vực.

Ngày 27-11, một đội thợ mỏ được điều động tới đào bằng tay đoạn cuối cùng của lối thoát hiểm và thông ống thép qua. Tới 28-11, với kỹ thuật “đào hang chuột", đội thợ này đã đào xong lối thoát hiểm và lắp thành công ống thép. Tất cả 41 công đều được ra khỏi đường hầm sập trong chưa đầy 24 giờ sau đó thông qua đường ống thép.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Hoạt động cứu hộ được theo dõi sát sao ở đất nước hơn 1,4 tỉ dân. Trong khi cả nước theo dõi thử thách cứu hộ trên truyền hình trực tiếp, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu khu vực miền núi ở Uttarakhand có thể chịu được mức độ xây dựng đang diễn ra như hiện nay hay không.

Đường hầm mà các công nhân đang xây dựng được thiết kế nhằm kết nối các địa điểm hành hương và đền thờ khác nhau của đạo Hindu tại Ấn Độ.

Một số chuyên gia cho rằng dự án này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng vốn mong manh, nguy hiểm ở thượng nguồn dãy Himalaya, nơi có một số thị trấn được xây dựng trên các mảng đất lở.

Các quan chức chưa cho biết nguyên nhân gây ra vụ đường hầm sập. Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đã sử dụng các kỹ thuật phù hợp với môi trường để làm cho các đoạn đường không ổn định về mặt địa chất trở nên an toàn hơn.

Chính phủ cũng ra lệnh cho Cơ quan Đường cao tốc Quốc gia Ấn Độ kiểm tra 29 đường hầm đang được xây dựng trên khắp đất nước, theo hãng tin Al Jazeera.

Bang Uttarakhand cũng là nơi thường xuyên xảy ra lở đất và lũ quét, và tình trạng này đang dần trở nên đáng lo ngại hơn do biến đổi khí hậu.

Vào tháng 2, nhiều cư dân của thị trấn thánh Joshimath đã phải tạm thời di dời đi nơi khác do khu đất họ sống trở nên sụt lún, tạo nhiều vết nứt sâu trên trần, sàn và tường của hàng trăm ngôi nhà. Nhiều khách sạn cao tầng cũng bị đổ sập. Các chuyên gia cho rằng những sự kiện như vậy có thể tái diễn ở các thị trấn khác của Uttarakhand.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/41-cong-nhan-duoc-cuu-ra-khoi-duong-ham-sap-the-nao-post764238.html