42 ngày chiến đấu với tử thần cứu sống trẻ sơ sinh tám giờ tuổi

Lên bàn phẫu thuật chỉ mới chỉ tám giờ tuổi, một bé sơ sinh đã trải qua năm giờ phẫu thuật tim căng thẳng và 42 ngày hồi sức đầy nguy kịch do tăng áp lực động mạch phổi, phù toàn thân để thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đây là một ca bệnh đặc biệt nhất tại Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương khi là ca nhỏ tuổi nhất sử dụng ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể.

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhi.

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhi.

NDĐT – Lên bàn phẫu thuật chỉ mới chỉ tám giờ tuổi, một bé sơ sinh đã trải qua năm giờ phẫu thuật tim căng thẳng và 42 ngày hồi sức đầy nguy kịch do tăng áp lực động mạch phổi, phù toàn thân để thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đây là một ca bệnh đặc biệt nhất tại Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương khi là ca nhỏ tuổi nhất sử dụng ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể.

42 ngày cân não trước một ca tim nhi phức tạp

42 ngày sau khi bé Nguyễn Minh H. (sinh ngày 13-5, địa chỉ Nam Từ Liêm, Hà Nội) hồi phục sức khỏe, TS, BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương mới có thể thở phào nhẹ nhõm. “Đây là ca thứ hai chúng tôi phẫu thuật sửa chữa tổn thương tim khi trẻ mới chào đời tám giờ tuổi, nhưng đây là ca đầu tiên chúng tôi sửa chữa tổn thương do tứ chứng Fallot với những diễn biến sau mổ vô cùng phức tạp. Hồi sức sau mổ là cả một cuộc cân não với chúng tôi”, BS Trường nói.

Bệnh nhi H. được chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương mắc bệnh tim bẩm sinh. Ngày 13-5, trẻ được chào đời tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và chỉ ngay sau sinh hai giờ đồng hồ, trẻ được vận chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc này, trẻ đang trong tình trạng nguy kịch, cần thở máy, liên tục xuất hiện các cơn tím, SpO2: 50-55%, liên tục tụt huyết áp và mạch chậm.

Các bác sĩ thường xuyên phải cấp cứu tình trạng ngừng tuần hoàn. Trẻ phải sử dụng phối hợp nhiều thuốc vận mạch liều cao nhưng tình trạng không cải thiện.

TS Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Điều trị tích cực tim mạch ngoại khoa, Trung tâm Tim mạch Trẻ em cho biết, ngoài hẹp nặng đường ra thất phải, bệnh nhi này còn rơi vào tình trạng ống động mạch đã bị đóng nên đây là căn nguyên làm tình trạng bệnh nặng lên. Với diễn biến của trẻ không giống với những trường hợp được chẩn đoán là tứ chứng Fallot thông thường, Ban lãnh đạo Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành hội chẩn cấp cứu cho bệnh nhân, và ngay sau đó quyết định mổ cấp cứu nhằm sửa chữa và đưa giải phẫu của bệnh nhân trở về bình thường.

Bệnh nhi đã được cứu sống ngoạn mục.

Bệnh nhi đã được cứu sống ngoạn mục.

“Bệnh nhi được chẩn đoán của tình trạng tăng áp động mạch phổi vô căn từ thời kỳ bào thai hiếm gặp. Chúng tôi đã hội chẩn và đưa ra dự đoán quá trình phẫu thuật cũng như hồi sức sau phẫu thuật đặc biệt phức tạp”, BS Trường cho hay.

23 giờ ngày 13-5, bệnh nhi được đưa vào phòng mổ. Quá trình gây mê đầy thách thức vì không thể tìm được đường đưa các máy để theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhi. Gần bốn giờ sau, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 14-5, bệnh nhi bắt đầu được rạch da tiến hành cuộc đại phẫu. Trải qua 5 giờ phẫu thuật liên tục, với nhiều diễn biến phức tạp trong mổ, bệnh nhân đã được TS Nguyễn Lý Thịnh Trường trực tiếp phẫu thuật sửa chữa để tim có thể hoạt động giống với tim bình thường.

“Chúng tôi gần như kiệt sức vì mệt do diễn biến của bệnh nhi không ổn định sau mổ, xấu dần đi theo từng giờ từng phút do tình trạng tăng áp lực động mạch phổi. Chúng tôi thực hiện hồi sức tích cực với bệnh nhi, cho thở máy với khí NO để giảm áp lực động mạch phổi nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, TS Cao Việt Tùng phải quyết định sử dụng ECMO hỗ trợ cho tuần hoàn và hô hấp. Nếu không có ECMO cho bệnh nhi sơ sinh, ca này chắc không thể cứu nổi”, BS Trường chia sẻ.

Trong quá trình chạy ECMO, bệnh nhi cũng gặp những diễn biến bất thường vì dù đã sử dụng ECMO trong 4-5 giờ, huyết áp của bệnh nhân vẫn rất thấp. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp sau phẫu thuật tim, các bác sĩ đã nghĩ đến hội chứng liệt mạch. Khi được sử dụng thuốc vận mạch, bệnh nhi không đáp ứng. Loại thuốc đặc biệt nhất để xử lý triệu chứng này lại không có tại Việt Nam. "Chúng tôi đã cố gắng sử dụng thuốc khác thay thế phổ biến hơn để làm co mạch tốt hơn. Rất may là bệnh nhi đáp ứng dần lên", TS Cao Việt Tùng cho biết.

Sau bốn ngày liên tục sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO, nhưng vẫn phải để hở ngực do tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ.

Tám ngày sau phẫu thuật, trẻ được đóng ngực và được tiếp tục hồi sức trong 18 ngày sau đó do tình trạng suy thận, suy tim... Sau quá trình hồi sức tích cực và trải qua rất nhiều khó khăn vất vả, cháu bé đã được rút máy thở, tự thở tốt với tình trạng ổn định và chuẩn bị được ra viện trong niềm vui mừng của gia đình và các bác sĩ. Kết quả siêu âm tim của cháu trước khi ra viện cho thấy tim của cháu H. hoạt động giống tim bình thường và áp lực động mạch phổi đã trở về bình thường.

Ca bệnh đặc biệt nhất từ trước đến nay

BS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết, tứ chứng Fallot là một khuyết tật nghiêm trọng của quả tim, xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra. Phần lớn các trường hợp mắc tổn thương tim bẩm sinh này sẽ cần phẫu thuật khi trẻ được 6-9 tháng tuổi, rất hiếm khi cần phải phẫu thuật từ trong thời kỳ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 5-7% sau khi ra đời thôi.

Tuy nhiên, trường hợp tứ chứng Fallot có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi (vô căn hoặc tăng áp động mạch phổi từ trong bào thai) từ ngay trong thời kỳ sơ sinh như trường hợp này rất hiếm gặp. Ngay cả với những điều kiện ở các nước tiên tiến phát triển, những ca này cũng đối mặt với nguy cơ tử vong, cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Và dù khi phẫu thuật thành công, tỷ lệ tử vong ở trẻ này cũng rất cao do quá trình hồi sức rất phức tạp và nặng nề, đòi hỏi các bác sĩ hồi sức cần có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành hồi sức tim mạch cũng như hồi sức sau mổ.

Để có thể tiến hành điều trị thành công cho bệnh tim bẩm sinh đặc biệt phức tạp này, đòi hỏi cần có một ê kíp đồng bộ bao gồm: nội khoa, phẫu thuật, gây mê và hồi sức đối với trẻ sơ sinh.

Gia đình bệnh nhi cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực hồi sinh cho con trai mình.

Gia đình bệnh nhi cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực hồi sinh cho con trai mình.

Mẹ bệnh nhi Chu Thị Thanh H cho biết, sau khi lập gia đình hai năm, em mới có được cậu con trai đầu lòng này. Ở tuần thai thứ 22, em đã biết con mình gặp bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp. Nhưng hai vợ chồng quyết định chờ đến ngày sinh con rồi mới tính đến chuyện sửa chữa tổn thương cho bệnh nhi. Nhưng không thể ngờ, bệnh lý tim của con trai mình lại phức tạp ngay sau khi chào đời. Nghẹn ngào khi nhớ lại thời gian hơn một tháng trước, H bảo, em không nghĩ cuộc đời em lại được bế cậu con trai khỏe mạnh ngày hôm nay bằng tất cả nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ. "Cuộc đời em như được hồi sinh thêm một lần nữa", H kể.

BS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết, hiện nay cứ 100 cháu ra đời có một cháu bị tim bẩm sinh, trong đó tứ chứng Fallot chiếm 14-15% của tổng số nhóm bệnh tim bẩm sinh. Số bệnh nhi sống sót sau mổ tại Trung tâm đạt 98% và trong số này có khoảng 10%-15% các cháu bé sẽ được mổ lại khi lớn lên. 85% các cháu có thể bảo tồn được van động mạch phổi sau mổ.

Đây là ca bệnh sơ sinh đầu tiên mắc bệnh lý hiếm gặp với tổn thương phức tạp đã được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị kịp thời và thành công ngay sau khi trẻ ra đời, mang lại cho trẻ một tương lai mới phát triển bình thường như bao em bé khác.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/44958002-42-ngay-chien-dau-voi-tu-than-cuu-song-tre-so-sinh-tam-gio-tuoi.html