45 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2021) : Nhân duyên đưa tôi đến với báo Giác Ngộ
Tôi đến với báo Giáo Ngộ với tư cách là cộng tác viên viết bài và độc giả thường xuyên của báo khá muộn, ngoài 40 tuổi.
Từ sâu thẳm tâm hồn...
Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng được cha mẹ cho đi tham quan các đình, chùa, những di tích, thắng cảnh… ở địa phương. Lên đại học, học cao học tôi cũng được học về đạo Phật nhưng sự hiểu biết của tôi về Phật pháp còn hạn chế, ở dạng sơ khai.
ThS.Nguyễn Quế Kỳ
Ra trường, tôi bị xoáy vào công việc, cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền. Hết soạn bài, chấm bài, hội họp, sổ sách, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, giáo dục những học sinh chưa ngoan, công việc gia đình… chiếm hết thời gian của tôi. Nhưng phong trào từ thiện ở cơ quan, địa phương, tôi luôn đi đầu.
Vào các ngày lễ, dịp Tết tôi vẫn cùng gia đình đi thắp hương tại các đình chùa để cầu an, cầu sức khỏe… Ngôi chùa mà chúng tôi thường ghé thăm rất gần: chùa Chí Linh ở huyện Yên Thành, rồi những ngôi chùa ở xa như chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), chùa Bái Đính (Ninh Bình)… Chất Phật dần dần ngấm trong tôi bởi sự thâm diệu, không khô khan, khó hiểu, không giáo điều, mà rất thực tế, giúp tôi ngộ ra những chân lí trong cuộc sống, thấm thía hơn lời Phật dạy…Và đó cũng là nhân duyên đưa tôi đến với báo Giác Ngộ.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về tờ báo, là nội dung khá phong phú, không có hiện tượng câu khách, những tin giật gân, hoặc lặp lại thông tin từ các tờ báo khác, các nguồn, kênh thông tin khác. Báo giữ được bản sắc riêng của mình là phụng sự cho những người con Phật, cho người dân, giúp con người vươn tới tầm cao trí tuệ, làm phong phú đời sống tâm hồn, kích hoạt con người hướng tới Chân-Thiện-Mĩ, biết sợ những sai lầm, tích cực làm điều thiện…
Trang trí, hình thức trình bày từ tiêu đề bài báo đến tranh ảnh minh họa hợp lí, ngày càng hiện đại, tác động đến trực quan người đọc tự nhiên, dễ đi vào lòng người.
Đặc biệt, tôi rất khâm phục đội ngũ tòa soạn bởi trí thức trên nhiều lĩnh vực, sự uyên thâm, chuyên sâu về kiến thức Phật giáo, sự tận tâm trong công việc. Tôi từ đọc để tìm kiếm thông tin, vận dụng vào bài viết đến mê say khi nào không hay.
Những bài viết, bài dịch Được sanh hay bị sanh của Sakya Sông Lam, Thoát khỏi sợ hãi của Phillip Mofitt, do Nhuận Bảo dịch,… tôi đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại và ngộ ra rằng: lâu nay mình đã trở thành người con của Phật - mình tự nguyện, tiên phong trong các phong trào từ thiện ở trường, ở địa phương, mình đã truyền cảm hứng vượt khó đề họ thoát khổ, thoát nghèo. Vì sao mình lại sợ hãi và có những cách để vượt thoát khỏi sợ hãi nhưng chưa khái quát thành tầm triết lí. Hóa ra lòng từ bi của tôi đã hình thành ngay từ nhỏ,…
Tôi ấn tượng với biên tập viên, thầy Quảng Tánh. Thầy hướng dẫn, góp ý tôi viết cho phù hợp với tờ báo của Phật giáo từ suy nghiệm lời Phật dạy, triết lí nhà Phật, vận dụng Phật pháp vào đời sống… Thầy sửa bài cho tôi một cách khoa học, đầy tính nhân văn, đúng tinh thần tờ báo.
Tôi còn nhớ như in, bài thứ hai của tôi được đăng báo Để sống khỏe mỗi ngày, thầy đã thêm đề mục, chia tách đoạn như buông bỏ tham sân si. Có những từ thầy thêm vào đã nâng hẳn giá trị bài báo lên như từ phụng sự, tọa thiền…
Chút tâm tình gửi gắm
Để báo ngày càng phát triển theo hướng hội nhập và hiện đại, theo tôi báo cần mạnh dạn mở rộng đề tài, lên án nghiêm khắc với những hành vi vi phạm Phật pháp bởi vì lên án cái xấu là để sửa sai, giúp người phục thiện, tự cải tạo mình, để người sau không đi vào vết xe đổ. Nhất là, báo luôn phải gìn giữ bản sắc Giác Ngộ, bởi đây là tờ báo của Phật giáo, với sứ mệnh thiêng liêng truyền bá Phật pháp, gieo cái tâm thiện lành đến mọi người, giúp mọi người có phương pháp thoát khổ.
Độc giả tìm đến với tờ báo là thấy có-bóng-dáng-mình-ở-trong-đó mà tu tập, tịnh tâm,… để sống có trách nhiệm hơn với chính mình, với gia đình, quê hương, đất nước. Bởi vì, xét đến cùng trong mỗi chúng ta ai cũng có chất Phật, lòng từ bi, thương người như thể thương thân, sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình… Người dân không phân biệt giai tầng, địa vị xã hội nườm nượp đến chùa vào những ngày rảnh, nhất là dịp lễ, thắp hương, cúng bái, cầu nguyện, gột rửa tâm hồn, mong sớm được thấy Phật, để sống an yên, hạnh phúc là minh chứng tiêu biểu cho điều đó.
Báo cần phát huy trí tuệ tập thể, quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cộng tác viên như định hướng nội dung, cách viết, cách khai thác và xử lí thông tin; là lời động viên đúng lúc… để họ hào hứng viết, cống hiến cho báo… Và cuối cùng, tôi cũng kiến nghị, để chuyển tải nội dung thông tin, vun trồng cái tâm thiện lành cho người…, báo cần khai thác tốt hơn sức mạnh của ngôn ngữ, việc sử dụng các biện pháp tu từ, khai thác hiệu quả tính nhạc trong từng câu, đoạn văn…
Tôi luôn đặt trọn niềm tin với báo Giác Ngộ. Với trí tuệ uyên thâm, lòng quyết tâm, lương tâm trách nhiệm từ ban biên tập đến đội ngũ phóng viên, những người con Phật, chắc chắn đưa tờ báo ngày càng phát triển, tạo hiệu ứng tốt đối với toàn xã hội, neo đậu vững chắc trong lòng độc giả.
>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ
ThS.Nguyễn Quế Kỳ
(Trường THPT Bắc Yên Thành, tỉnh Nghệ An)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//bandoctoasoan/2020/12/22/33c6cb/