Tình sâu, nghĩa lớn với dân tộc Việt Nam
Tối 16/11, tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức các hoạt động kết nối với điểm cầu truyền hình Cà Mau, Hải Phòng, chuyển tải chương trình cầu truyền hình 'Tập kết ra bắc-tình sâu nghĩa nặng'.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Theo Hiệp định Geneva năm 1954 về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam, vĩ tuyến 17 được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời; quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía bắc, quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía nam vĩ tuyến 17 và thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không quá 300 ngày. Sau hai năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Thực hiện Hiệp định Geneva, Trung ương Đảng quyết định tổ chức cuộc chuyển quân, chuyển dân lịch sử. Với khát vọng hòa bình, lòng yêu nước, tinh thần "khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau'', các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam tạm chia tay gia đình, vợ con, người thân cùng hàng chục nghìn học sinh miền nam tập kết, hành trình ra bắc.
Chương trình cầu truyền hình “Tập kết ra bắc-tình sâu nghĩa nặng” kết nối Cà Mau, Thanh Hóa, Hải Phòng, các miền văn hóa, tái hiện bối cảnh lịch sử của sự kiện tập kết ra bắc, nêu bật những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc chuyển quân, dân và quân dân cả nước tin tưởng, phấn khởi, triển khai thực hiện kế hoạch tập kết.
Tại các vùng tập kết 80 ngày ở Hàm Tân-Xuyên Mộc; 100 ngày ở Cao Lãnh-Đồng Tháp Mười; 200 ngày ở Cà Mau và 300 ngày ở Quy Nhơn, Bình Định; đồng bào, đồng chí, người thân bịn rịn chia tay nhau, hẹn hai năm sau gặp lại cùng lời nhắn gửi “đi vinh quang, ở anh dũng” và mang theo nắm đất, cây dừa, cây vú sữa miền nam để trồng trên đất bắc.
Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng cùng nhân dân miền bắc đã chủ động, sớm hoàn tất công tác chuẩn bị, tưng bừng, hồ hởi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, gia đình miền nam tập kết ra bắc. Được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, có khoảng 130 nghìn người và hàng trăm tấn vật chất được chuyên chở bằng phương tiện thủy hiện đại từ miền nam ra miền bắc.
Gửi thư động viên đồng bào miền nam tập kết ra bắc, Bác Hồ viết: “Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền bắc. Nam bắc vẫn là một nhà”.
Chương trình truyền hình “Tập kết ra bắc-tình sâu nghĩa nặng” được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa nêu bật sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Bác Hồ, của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân miền bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, gia đình miền Nam tập kết ra bắc; khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, truyền tải những câu chuyện, kỷ niệm qua các nhân chứng lịch sử; tái hiện những tháng ngày học tập, lao động, sản xuất, chung tay xây dựng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ miền bắc xã hội chủ nghĩa, phát triển hậu phương lớn, chi viện, sức người sức của cho chiến trường miền Nam.
Cũng từ miền bắc, những cán bộ, chiến sĩ miền nam xung kích mở tuyến vận tải trên biển, vượt đường Trường Sơn trên bộ; học sinh miền Nam trưởng thành trên đất bắc, xếp bút nghiên, gửi lại hồ sơ, kỷ vật, xung phong đi B cùng nhiều văn nghệ sĩ trở về chiến trường miền nam.
Trong hơn 55 nghìn kỷ vật được Trung tâm lưu trữ quốc gia III gửi về 63 tỉnh, thành phố, có hàng chục nghìn kỷ vật chưa đến với các gia đình, có thể không còn gặp chủ nhân, người thân nhưng những tấm gương hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã để lại “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.
Đế quốc xâm lược, chính quyền tay sai công khai vi phạm nội dung Hiệp định Geneve về tôn trọng quyền tự quyết, thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước của dân tộc Việt Nam; hẹn ước 2 năm đã kéo dài tới 21 năm nhưng miền nam - thành đồng Tổ quốc đã góp phần cùng quân, dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Đất nước thống nhất, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam trở về quê hương hay sinh sống trên đất bắc luôn khắc cốt, ghi tâm lòng dân, nghĩa Đảng, “xin đem tâm huyết đêm ngày trả ơn”, chung tay, góp sức xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, khẳng định vị thế Việt Nam trên thế giới cùng bản lĩnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia-Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược con người rất phù hợp, đưa một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo, bồi dưỡng thành đội ngũ nòng cốt cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước sau ngày giải phóng.
Thực tiễn trưởng thành, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng của học sinh miền Nam ở Trung ương và tất cả các tỉnh, thành phố phía nam là một bằng chứng hùng hồn cho chiến lược con người thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Những hạt giống đỏ” được ươm trồng từ các trường học sinh miền Nam ngày nào, nay đã trở thành lực lượng cán bộ nòng cốt trong quản lý, khoa học-kỹ thuật, xứng đáng với niềm tin yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân.
Cầu truyền hình “Tập kết ra bắc-tình sâu nghĩa nặng” được dàn dựng công phu, đưa người xem ngược thời gian, cùng ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, kết nối các vùng, miền văn hóa.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, âm thanh, ánh sáng hiện đại, tái hiện các hoạt cảnh sinh động kết hợp trình chiếu phóng sự, phim tư liệu; chương trình nghệ thuật sân khấu hóa khai thác nguồn thi ca, âm nhạc do chính học sinh miền nam sáng tác trong thực tiễn cuộc sống, học tập, công tác, chiến đấu, mãi trường tồn theo năm tháng, thời gian; kết nối nguồn tư liệu, câu chuyện của các nhân vật lịch sử với thế hệ đương đại, khơi dậy lòng tự hào, nhân thêm truyền thống yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, làm rạng danh Việt Nam và hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tinh-sau-nghia-lon-voi-dan-toc-viet-nam-post845300.html