45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 17/2 (1979 - 2024): Phát huy tình hữu nghị truyền thống, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, quan hệ hai nước Việt Nam- Trung Quốc được khôi phục nhanh chóng, về tổng thể cơ bản phát triển toàn diện theo xu thế ngày càng ổn định, tích cực. Khuôn khổ quan hệ hai nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện với phương châm 16 chữ 'Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai' (năm 1999) và tinh thần 'bốn tốt' là 'Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt' (năm 2002). Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008, đến nay quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện.
Bước vào thời kỳ mới, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt là sau chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (30/10- 1/11/2022) và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân (12/12 - 13/12/2023) đã tăng cường định hướng chiến lược, tiếp thêm động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho quan hệ Việt - Trung.
Hợp tác giữa hai đảng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ tin cậy giữa hai nước, góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và bảo đảm chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định. Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Đại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành hai nước không ngừng được tăng cường.
Quan hệ giữa các địa phương được gắn kết với các cơ chế, như: Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc); Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Côn Minh (Trung Quốc)... Giao lưu, trao đổi giữa các đoàn thể quần chúng ngày càng mở rộng, góp phần tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy hợp tác có lợi, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước.
Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 1991, kim ngạch thương mại hai bên chỉ là 32 triệu USD, năm 2022, chỉ số này đã lên tới gần 180 tỉ USD. Tính đến năm 2023, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 2,92 tỉ USD, chiếm 14,5% tổng lượng vốn đầu tư.
Những năm gần đây, hợp tác giáo dục- đào tạo hai nước phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2022, hai nước ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa. Theo đó, hằng năm Trung Quốc duy trì tổng số 150 suất học bổng toàn phần đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc và Việt Nam duy trì tổng số 15 suất học bổng toàn phần dành cho Trung Quốc đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa hai bên cũng được đẩy mạnh. Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 200 đoàn đại biểu văn hóa sang Trung Quốc biểu diễn, khảo sát, học hỏi; Trung Quốc cũng cử hàng trăm đoàn giao lưu văn hóa hữu nghị với Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam và Việt Nam cũng là 1 trong 5 thị trường nước ngoài lớn nhất gửi khách tới Trung Quốc.
Sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền ngày 30/12/1999. Tháng 2/2009, hai nước hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền. Năm 2000, hai nước ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, có hiệu lực từ năm 2004.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và 3 cơ chế đàm phán; từ đó, góp phần tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Những năm qua, hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Những thành quả trong quan hệ Việt -Trung đặc biệt trong hơn 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần tiếp tục được kế thừa, bảo vệ và phát huy.
BTV (tổng hợp)