45 triệu người Mỹ sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch xóa nợ sinh viên
Trang web hỗ trợ sinh viên của Mỹ (studentAid.org) đã bị treo do lượng truy cập tăng đột biến sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ xóa các khoản vay sinh viên
Hôm 24/8, Tổng thống Joe Biden thông báo chính phủ Mỹ sẽ xóa 10.000 USD tiền nợ cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm đối với cá nhân, dưới 250.000 USD/năm đối với các cặp vợ chồng khai thuế chung hoặc chủ hộ gia đình.
Những sinh viên vay tiền học đại học theo chương trình hỗ trợ tài chính Pell Grant sẽ được xóa khoản vay trị giá 20.000 USD nếu đáp ứng ngưỡng thu nhập trên. Kế hoạch này không bao gồm các khoản vay tư nhân.
Ngoài ra, Chính quyền ông Biden cũng sẽ giãn nợ sinh viên cho đến hết ngày 31/12 năm nay và có thể đây sẽ là lần giãn nợ cuối cùng. Trước đó, các khoản nợ dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 31/8.
StudentAid.org là nơi người đi vay xác định xem họ có đủ điều kiện hưởng chính sách xóa nợ mà ông Biden vừa công bố hay không. Trang web đã bị treo do lượng truy cập tăng đột biến sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Nhiều người dùng đã phải ở chế độ chờ trước khi truy cập được vào trang web.
Theo ông Biden, động thái nhằm giúp cho “những gia đình cần được xóa nợ nhất, tức là những người lao động và tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch. Thu nhập của họ chưa tới 125.000 USD/năm”. Ông nhấn mạnh rằng “90% những người này thậm chí không kiếm nổi 75.000 USD/năm”.
Những con số
Theo Forbes, khoảng 45 triệu người Mỹ có khoản vay sinh viên liên bang sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch này.
Theo dữ liệu liên bang, tính đến cuối tháng 6, có 14,6 triệu người đi vay nợ dưới 10.000 USD, chiếm 32% tổng số người đi vay. Kế hoạch này ngay lập tức sẽ xóa nợ cho họ, nếu thu nhập của họ dưới ngưỡng được công bố.
Chính sách này cũng sẽ xóa ít nhất một nửa khoản vay sinh viên cho 20,5% số người vay nợ từ 10.000 - 20.000 USD, và một phần đáng kể trong số 21.4% những người vay nợ từ 20.000 - 40.000 USD.
Nhà Trắng cho biết, trên 60% những người đi vay đã nhận được trợ cấp Pell Grant và đủ điều kiện để được xóa khoản hợn 20.000 USD.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ không giúp ích nhiều cho những người mắc số nợ lớn. Khoảng 38% trong tổng số nợ 1,62 nghìn tỷ USD chưa được thanh toán thuộc về những người có khoản vay trên 100.000 USD, dù họ chỉ chiếm 7,5% tổng số người đi vay.
Mặc dù giới hạn thu nhập ở mức 125.000 USD, nhưng nghiên cứu cho thấy kế hoạch của Nhà Trắng dường như vẫn “thiên vị” những người Mỹ có thu nhập cao hơn. Theo phân tích chương trình cứu trợ 10.000 USD được Mô hình Ngân sách Penn Wharton công bố hôm 23/8, 69,79% tổng số nợ sẽ được xóa cho 60% người Mỹ có thu nhập cao nhất. Trong khi đó, những cá nhân kiếm được từ 82.400 - 141.096 USD sẽ chỉ được xóa khoảng 28,1% số nợ.
Theo ước tính của Mô hình Ngân sách Penn Wharton, kế hoạch xóa nợ trị giá 10.000 USD sẽ khiến chính phủ Mỹ tiêu tốn 311 tỷ USD vào năm 2022, nhưng giới hạn thu nhập 125.000 USD sẽ chỉ giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm được 12,6 tỷ USD, một con số tương đối khiêm tốn.
Biện pháp cứu trợ mà Tổng thống Biden vừa công bố đã nhận về nhiều chỉ trích, chủ yếu do chi phí quá lớn của chương trình và tác động tiềm tàng của nó đối với lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong 40 năm.
Một số nhà phê bình như Lãnh đạo thiểu số trong Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho rằng nó không giúp ích gì cho những người lao động cổ xanh chưa bao giờ được đi học đại học.
Trong một tuyên bố hôm 24/8, ông McConnell cho rằng sáng kiến này “quá là không công bằng” và là “một cái tát vào mặt những gia đình đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt lo cho con cái đi học đại học, những sinh viên cày cuốc để trả hết nợ sau khi tốt nghiệp, và những người phải lựa chọn những nghề nghiệp nhất định hay tình nguyện phục vụ trong quân ngũ để tránh mắc nợ”.
Nguyễn Tuyết (Theo Forbes, CNN, CNBC, The Hill)