5 bài học từ Thế chiến 2 có thể giúp chính phủ Mỹ chống dịch COVID
80 năm trước, ngành công nghiệp Mỹ đã có một cuộc tổng động viên khổng lồ thời Thế chiến. Giờ đây nước Mỹ có thể lặp lại điều đó với cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Khi toàn thế giới đang phải căng sức đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra, một vấn đề cấp bách là sự thiếu hụt các thiết bị y tế, bao gồm mặt nạ chất lượng cao, bộ dụng cụ xét nghiệm và có lẽ là quan trọng nhất là máy thở. Dường như hàng ngàn sinh mạng sẽ được đảm bảo, nếu các nhà sản xuất có thể nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất các thiết bị như vậy, với sản lượng gấp 100 hoặc 1.000 lần, trong vòng vài tuần.
Nước Mỹ từng thực hiện được điều tương tự trên phạm vi toàn quốc cách đây 8 thập kỷ, trong thời kỳ tình trạng khẩn cấp của Chiến tranh thế giới thứ 2. Vào thời điểm đó, chính phủ cần tăng tốc triệt để sản lượng các mặt hàng như tàu chiến, xe tăng và máy bay ném bom. Với những hành động quyết liệt, bao gồm cả thiết lập quyền kiểm soát nhất định lên các tập đoàn sản xuất, nỗ lực này đã thành công rực rỡ.
Nhưng trong cuộc chiến chống COVID, Chính phủ Mỹ có thể áp dụng những bài học gì từ thời kỳ lịch sử đó? Theo tờ Politico, dưới đây là 5 chương trình huy động công nghiệp từ Thế chiến 2 có thể giúp truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách ngày nay.
1. Nếu chính phủ cần có nhanh máy móc, tốt hơn là cam kết mua chúng
Trong Thế chiến II, các nhà sản xuất những mặt hàng chủ chốt được chính phủ đảm bảo sẽ mua tất cả sản phẩm của họ, ngay cả khi cuối cùng thiết bị đó không cần thiết. Đó là câu trả lời cho kinh nghiệm từ Thế chiến I, khi một số nhà thầu bị tồn lại những hàng hóa chính phủ không cần đến vào lúc chiến tranh kết thúc.
Thời kỳ Thế chiến II, kỹ thuật “bán hàng đảm bảo” đã được sử dụng để đạt hiệu quả tốt trong sản xuất các công cụ, máy móc công nghiệp. Đây là lĩnh vực thiết yếu cung cấp máy khoan, máy tiện, máy mài và các thiết bị khác mà tất cả các nhà sản xuất cần để biến các mảnh kim loại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Để khuyến khích sản xuất tối đa các máy công cụ, Bộ phận Công cụ của Hội đồng Sản xuất Chiến tranh, một cơ quan điều phối dân sự khẩn cấp của chính phủ Mỹ, đã thiết lập "cơ chế đặt hàng theo nhóm", đảm bảo mua tối đa sản lượng.
Bài học cho năm 2020 là nếu chúng ta muốn có nhiều máy thở càng sớm càng tốt, chính phủ cần đảm bảo sẽ mua chúng.
2. Quy mô sản xuất sẽ tăng nhanh khi các công ty hợp tác với nhau
Trong Thế chiến II, các nhà sản xuất chuyên môn đã chia sẻ thiết kế và kỹ thuật với các công ty khác, để các mặt hàng then chốt có thể được sản xuất trên nhiều dây chuyền, cùng một lúc.
Điều này được thực hiện trên quy mô lớn trong ngành công nghiệp máy bay Mỹ. Chẳng hạn, nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu Pratt & Whitney đã chia sẻ các bản vẽ và kiến thức chuyên môn với hai nhà sản xuất ô tô Ford Motor Co. và General Motors để họ có thể sản xuất hàng loạt động cơ, theo thỏa thuận cấp phép với phí danh nghĩa.
Tương tự, Boeing đã hợp tác với các đối thủ cạnh tranh như Lockheed và Vega, vì vậy máy bay ném bom B-17 do Boeing thiết kế có thể được sản xuất tại các nhà máy đối thủ ở California, cũng như tại “đại bản doanh” Seattle. Những sắp xếp này được tạo điều kiện bởi Không quân Mỹ - giống như các tổ chức quân sự khác, từng là những nhà quản lý và điều phối viên hàng đầu của nền kinh tế chiến tranh.
Ngày nay, các cơ quan công quyền và lãnh đạo doanh nghiệp có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự, bằng cách sắp xếp để có được những phiên bản tốt nhất của các mặt hàng y tế quan trọng như bộ xét nghiệm, máy thở, thuốc và vắc-xin, được thực hiện bởi nhiều công ty thông qua những hợp đồng tình thế nhằm khắc phục sự chậm trễ liên quan đến quyền sở hữu công nghệ và lợi thế cạnh tranh.
3. Chính phủ có thể xây dựng, sở hữu các nhà máy mới, và để các công ty điều hành
Chiến tranh Thế giới thứ hai đã chứng kiến hoạt động xây dựng khẩn cấp các nhà máy sản xuất, phần lớn trong số đó được chi tiền và sở hữu bởi các cơ quan Chính phủ Mỹ nhưng được điều hành bởi các công ty tư nhân. Cơ chế chính cho việc mở rộng công suất công nghiệp lớn nhất trong Thế chiến II là nhà máy do chính phủ sở hữu và do nhà thầu điều hành hoạt động (gọi tắt là GOCO). Các xưởng đóng tàu nổi tiếng của Kaiser chính là các cơ sở GOCO; hầu hết các nhà máy sản xuất máy bay ném bom mới đều được điều hành bởi các hãng sản xuất máy bay tư nhân hàng đầu, bao gồm Douglas, Martin và North American. Dự án bom nguyên tử, cũng như chương trình thuốc nổ, nhờ vào các nhà máy GOCO được điều hành bởi một số nhà sản xuất hàng đầu gồm DuPont và Eastman Kodak.
Ngày nay, mô hình GOCO có thể hữu ích trong trường hợp các dây chuyền sản xuất mới mặt nạ phòng độc, vaccine hoặc các mặt hàng khác mà chính phủ nhận thấy lúc này cần thiết để xây dựng nhanh mà không cần chờ xem có vốn tư nhân đổ vào hay không.
4. Tạo ra các lựa chọn thay thế "gần nhà"
Những dữ liệu về Thế chiến II cho thấy, dù không dễ dàng nhưng vẫn có thể sản xuất ra các hàng hóa, thiết bị thay thế khẩn cấp nội địa khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Nước Mỹ buộc phải lao vào cuộc chạy đua thay thế hàng nhập khẩu bằng các nguồn nội địa mới, mà quan trọng nhất là cao su. Thời đó, giới chức Mỹ đã không lường trước được một thách thức lớn xảy ra khi chiến thắng của Nhật Bản vào đầu năm 1942 đã cắt đứt nguồn nhập khẩu cao su tự nhiên từ Indonesia. Điều này đe dọa làm tê liệt hoạt động sản xuất các mặt hàng như xe quân sự và máy bay, vốn cần cao su để sản xuất lốp.
Tuy nhiên, một nỗ lực lớn, nhanh chóng, sử dụng các nhà máy GOCO và kỹ thuật chuyên môn của các công ty dầu, hóa chất, lốp xe, đã cho phép Mỹ nhanh chóng xây dựng từ đầu một ngành công nghiệp cao su tổng hợp mới.
Ngày nay, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến việc mua sắm nhiều loại linh kiện thiết bị, dụng cụ y tế cho cuộc chiến chống COVID trở nên khó khăn hơn, nên các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp cần nhanh chóng lên kế hoạch và hợp tác, nhằm tìm kiếm và tài trợ cho các sản phẩm thay thế trong nước.
5. Tăng thuế doanh nghiệp có thể là một điều tốt
Chính quyền Mỹ đã ngăn chặn thành công vấn đề trục lợi và, có lẽ quan trọng hơn, không để công chúng phẫn nộ trước tình trạng thu lợi nhuận bất hợp pháp thời khủng hoảng, nhờ một loạt biện pháp kiểm soát đa chiều. Những biện pháp này bao gồm giới hạn trực tiếp về giá, thuế chiến tranh đặc biệt và nâng thuế suất thuế thu nhập cận biên rất cao đối với các nhà sản xuất thiết bị chiến tranh... Các khoản thuế cao đã "gánh" gần một nửa chi phí chiến tranh.
Nhờ chính phủ kiểm soát giá cả và lợi nhuận, tinh thần của công chúng vẫn đủ cao để người Mỹ duy trì một cuộc huy động sản xuất tràn đầy năng lượng trong nhiều năm chiến tranh.
Trong năm 2020, các loại thuế và chính sách kiểm soát có thể hạn chế tình trạng đầu cơ và trục lợi tương tự, thúc đẩy tinh thần cộng đồng. Và nếu các biện pháp kích thích khẩn cấp quá lớn dẫn đến kích hoạt lạm phát, thì thuế lũy tiến mạnh có thể là một cách công bằng để chế ngự giá cả leo thang, trong khi vẫn kiềm chế thâm hụt.
Tất nhiên, không có kỹ thuật nào từ 80 năm trước có thể áp dụng hoàn hảo cho tình hình hiện tại vào năm 2020. Có lẽ quan trọng nhất, là việc phải thúc đẩy khả năng huy động vật lực, nhân lực hiện tại nhanh hơn nữa. Trong Thế chiến 2, các nhà máy chiến tranh khổng lồ được sử dụng để tăng cường sản xuất cũng phải mất nhiều tháng để xây dựng. Còn ngày nay, có vẻ như chúng ta không có thời gian tính bằng tháng, mà là bằng tuần. Mặc dù thời gian biểu khác nhau, một số kỹ thuật nêu ở trên, có thể vẫn phù hợp để các nhà hoạch định chính sách ngày nay tham khảo.
Bằng cách sử dụng các giải pháp mới và sáng tạo, lấy cảm hứng từ sự hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử, chúng ta sẽ được vũ trang tốt hơn để chống lại những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.