5 bài học từ tờ The Economist trong việc thu hút độc giả trả phí

Hơn 1,2 triệu người hiện nay trả tiền đăng ký để đọc The Economist. Tạp chí này đã ghi nhận lợi nhuận hơn 60 triệu USD trong năm qua, với một phần doanh thu đáng kể đến từ những độc giả đăng ký trả phí.

Với tư cách là người nhận Giải thưởng Michael Elliott năm 2024 của Trung tâm Nhà báo Quốc tế (ICFJ) cho Nghệ thuật kể chuyện châu Phi, nhà báo Linda Ngari đã dành hai tuần làm việc tại The Economist để tìm hiểu về chiến lược chuyển đổi số thành công của tạp chí danh tiếng này, và xem liệu có bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho các tòa soạn ở quê hương Kenya của cô hay không.

Dưới đây là một số điều Ngari học được về cách The Economist duy trì nội dung hấp dẫn và bền vững:

 Ảnh minh họa: Unsplash

Ảnh minh họa: Unsplash

Các phóng viên có thể tham gia mọi chủ đề

Biên tập viên châu Phi Jonathan Rosenthal giải thích rằng The Economist là tiếng nói chung của các phóng viên trên khắp thế giới của tạp chí. Từ bài báo về biến đổi khí hậu đến chính trị hay sức khỏe, các phóng viên trên khắp thế giới đều có thể chia sẻ suy nghĩ của mình trong các cuộc họp chuyên môn biên tập.

Để đảm bảo tính nhất quán, ít nhất 5 biên tập viên sẽ đọc qua từng bài viết trước khi xuất bản, kiểm tra xem nó có thống nhất với phong cách của tòa soạn hay không.

Trước các cuộc họp chuyên môn, các phòng ban riêng lẻ họp riêng để chỉnh sửa ý tưởng cho bài viết trong tuần. Các thành viên của nhóm đồ họa đưa ra gợi ý về bìa tạp chí. Các nhóm nghiên cứu, nhà báo dữ liệu và người kiểm tra thực tế sẽ xem xét từng bài viết trước khi xuất bản.

Sự kết hợp đó giúp tòa soạn xác định được các nội dung quan trọng và giảm thiểu rủi ro thông tin sai lệch.

Đội ngũ biên tập và phóng viên đa dạng

Các phóng viên và biên tập viên của tờ The Economist có đủ mọi xuất thân, trong đó có nhiều người thậm chí không làm trong ngành báo chí.

Biên tập viên Richard Cockett trước đây là giảng viên đại học về lịch sử và chính trị tại Đại học London, và phóng viên Tamara Gilkes Borr người Mỹ từng là giáo viên trường công. Borr đã có thể dựa vào kinh nghiệm này để đưa tin về giáo dục, chẳng hạn như bài báo của cô về việc các bậc phụ huynh ở Mỹ muốn con mình có điện thoại di động ở trường để phòng trường hợp xảy ra xả súng.

Việc có các chuyên gia về từng chủ đề có thể cải thiện khả năng kể chuyện và trao đổi ý tưởng trong các cuộc họp biên tập, cuối cùng dẫn đến phạm vi đưa tin toàn diện hơn.

Giữ chân nhân tài

Nhân viên tại The Economist thường luân phiên giữa các vị trí biên tập viên và phóng viên, giữa các phòng ban và thậm chí là luân chuyển giữa các quốc gia.

Tòa soạn cũng cung cấp đào tạo thường xuyên, chẳng hạn như các cuộc hội thảo về AI, nhằm đảm bảo rằng nhân viên được đào tạo toàn diện nhất có thể và đảm bảo họ sẽ gắn bó lâu dài.

Hầu hết nhân viên đều đã làm việc tại tòa soạn ít nhất 10 năm.

Tái tạo, tái mục đích và tái chiến lược

The Economist cung cấp nội dung dưới dạng báo in và trên trang web. Tạp chí cũng phân phối hơn 20 thư tin hàng tuần, điều hành 5 kênh podcast và 2 ứng dụng tin tức. The Economist cũng có một nhóm sản xuất nội dung video dọc cho Instagram và TikTok.

Theo báo cáo thường niên của The Economist Group, 86% đăng ký mới của tạp chí chỉ là đăng ký số. "Sự chuyển đổi số của chúng tôi có nghĩa là chúng tôi có thể cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn, cho nhiều người hơn, thông qua nhiều kênh hơn bao giờ hết", báo cáo chỉ ra.

Công cuộc chuyển đổi số cũng dẫn đến sự chuyển dịch lớn doanh thu sang hình thức đăng ký trả tiền. "Chúng tôi từng dựa vào doanh thu quảng cáo từ tạp chí, nhưng giờ thì không", Ketna Patel , người đã làm việc cho The Economist từ năm 1996, cho biết. Năm ngoái, hình thức đăng ký số đã mang lại doanh thu hơn 250 triệu USD.

Những giải pháp cho các tòa soạn địa phương

Tuy nhiên, những bài học thành công từ The Economist không dễ áp dụng cho các tòa soạn địa phương, như ở châu Phi, khi mà việc thuyết phục mọi người chi tiền cho việc đọc báo và mua báo giờ đã trở thành một thách thức lớn trong kỷ nguyên số ở phần lớn các quốc gia đang phát triển.

Việc tường phí (paywall) có thể trở thành một nguồn doanh thu ổn định cho các tòa soạn ở châu Phi là điều không ai dám chắc, thậm chí có thể trở thành mối rủi ro lớn.

Tập đoàn truyền thông Nation Media Group (NMG) từng đặt tường phí cho trang tin The Nation ở Kenya vào năm 2021, The Citizen ở Tanzania và Daily Monitor ở Uganda vào năm 2023.

Tuy nhiên, chiến lược tường phí của NMG tại Kenya đã gặp một loạt trở ngại. Ví dụ, người dùng thường thoát ngay khi gặp tường phí, trong khi số ít người đăng ký đã sao chép và phân phối lại nội dung thông qua các trang web và nền tảng miễn phí khác.

Việc mất độc giả đã khiến NMG phải tạm dừng chiến lược tường phí vào tháng 6/2022 trong một khoảng thời gian trước khi khởi chạy lại sau đó. Chiến lược có vẻ hiệu quả là NMG đã cung cấp cho độc giả lựa chọn trả tiền hàng ngày để đọc báo (thay vì trả tiền theo tháng hoặc theo năm).

Kết quả là khoảng 80% người đăng ký của NMG đã chấp nhận khoản thanh toán nhỏ trên điện thoại thông minh để đọc báo hàng ngày, giống như bỏ một số tiền nhỏ mua báo in như trước đây.

Điều đó cho thấy rằng nội dung chất lượng và có chiến lược tính phí hợp lý có thể giúp thúc đẩy đăng ký trả phí đối với các tờ báo ở những quốc gia đang phát triển như Kenya.

Một bài học khác là thay vì cạnh tranh trong lĩnh vực tin nóng, The Economist thường xuất bản các bài phân tích chuyên sâu và giải thích về các vấn đề cấp bách. Tương tự như vậy, các tòa soạn châu Phi như News24 và NMG đã áp dụng mô hình "freemium", đặt các câu chuyện điều tra chuyên sâu của họ sau một bức tường phí, trong khi tin nóng về chủ đề này vẫn miễn phí.

Hoài Phương (theo IJNet)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/5-bai-hoc-tu-to-the-economist-trong-viec-thu-hut-doc-gia-tra-phi-post308356.html