Đập thủy điện lớn nhất Việt Nam: Là niềm tự hào của trí tuệ Việt, đi vào lịch sử vì loạt kỷ lục có 1-0-2

Không chỉ lớn nhất Việt Nam, công trình thủy điện này còn lớn nhất Đông Nam Á. Thế nhưng nơi đây vẫn giữ được không gian thiên nhiên tuyệt đẹp xung quanh, trở thành địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn.

Năm 2005, một dự án trọng điểm Quốc gia, công trình thế kỷ được khởi công xây dựng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đến ngày 23/12/2012, công trình này chính thức khánh thành, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nó chính là nhà máy thủy điện Sơn La.

Thủy điện Sơn La có đập bê tông dài 961 m, cao 138 m, rộng 102 m, ngăn sông Đà để tạo thành hồ chứa 9,3 tỷ m3 nước; công suất 2.400 MW. Thời điểm xây dựng, công trình thủy điện này sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn hiện đại nhất, giúp cho thi công nhanh hơn, rẻ hơn với công nghệ đổ bê tông truyền thống. Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công. Các chuyên gia nước ngoài chỉ có vai trò giám sát trong quá trình xây dựng. Thủy điện Sơn La có tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng và luôn có vị trí vô cùng đặc biệt với những kỷ lục “độc nhất vô nhị”.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Nhà máy thủy điện công suất lớn nhất

Thủy điện Sơn La nằm vị trí thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà. Nó có công suất lớn nhất với công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW). Điện lượng trung bình năm là 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình 1,267 tỷ kWh). Với công suất trên, Thủy điện Sơn La là nhà máy có công suất lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà (Thủy điện Hòa Bình: 1.920 MW; Thủy điện Lai Châu: 1.200MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Khối lượng công việc thi công nhiều nhất

Thủy điện Sơn La có khối lượng công việc thi công nhiều nhất trong khu vực, cũng là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất bao quanh thân đập chính để đảm bảo an toàn công trình.

Ảnh: CTTĐ Sơn La

Ảnh: CTTĐ Sơn La

Tiến độ thi công “về đích” nhanh nhất

Theo Nghị quyết của Quốc hội, nhà máy thủy điện Sơn La phát điện tổ máy 1 vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ Nhà máy vào năm 2015, được hiệu chỉnh phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành công trình vào năm 2012. Tuy nhiên nhà máy này đã cán đích trước thời hạn 3 năm.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Lực lượng thi công đông nhất

Nhà máy thủy điện Sơn La có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư; Tổ hợp nhà thầu xây lắp do Tổng công ty Sông Đà, nay là Tập đoàn Sông Đà – làm tổng thầu; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) là các nhà thầu phụ. Những nhà thầu trên đã tìm những đơn vị thi công thủy điện năng lực tốt, giàu kinh nghiệm.

Ở công trường xây dựng thủy điện Sơn La vào thời kỳ cao điểm có khoảng hơn 12.000 công nhân thường xuyên làm việc.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Công trình có dự án di dân đông nhất

Để có chỗ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, hàng vạn hộ dân ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời đến nơi ở mới. Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, tổng số dân phải di chuyển là 20.260 hộ, 95.733 khẩu, trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.436 hộ, 17.805 khẩu và tỉnh Lai Châu 3.324 hộ, 16.419 khẩu. Tính đến năm 2009, cả 3 tỉnh đã di chuyển được 18.157 hộ. Như vậy, số dân phải di chuyển đến năm 2010 là 2.103 hộ, trong đó Sơn La 1.012 hộ và Điện Biên 1.091 hộ, còn Lai Châu đã hoàn thành xong việc di dân.

Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/dap-thuy-dien-lon-nhat-viet-nam-la-niem-tu-hao-cua-tri-tue-viet-di-vao-lich-su-vi-loat-ky-luc-co-1-0-2/20240911081500846