5 câu hỏi lớn quanh vụ đào thoát của cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn
Bị quản chế tại Nhật Bản, cựu Chủ tịch tập đoàn ô tô Nissan, Carlos Ghosn đã thực hiện một cuộc đào thoát ngoạn mục chẳng khác gì một điệp vụ trong phim James Bond 007.
Cuộc tẩu thoát khiến giới truyền thông cả thế giới ngỡ ngàng, còn nhà chức trách Nhật Bản thì đau đầu xử lý vụ việc. Làm thế nào cựu Chủ tịch Nissan, người đang bị quản chế và bị cảnh sát giám sát hàng ngày trong thời gian chờ ra tòa, lại biến mất dễ dàng khỏi Tokyo và đường hoàng xuất hiện tại Beirut, Lebanon? Đó chỉ là một trong nhiều câu hỏi quan trọng liên quan đến cuộc đào thoát và số phận của Carlos Ghosn.
Cuộc tẩu thoát diễn ra thế nào?
Khi những thông tin chi tiết về vụ việc dần dần hé lộ, cuộc trốn chạy của ông Ghosn có thể được xếp vào một trong những vụ đào thoát ngoạn mục nhất mọi thời đại. Nhưng chính xác là làm thế nào một trong những gương mặt dễ bị nhận ra nhất tại Nhật Bản, của một nhân vật mà nhất cử nhất động đều bị theo dõi, và cả ba tấm hộ chiếu của ông ta đều nằm trong tay các luật sư, lại có thể chuồn êm khỏi trung tâm Tokyo tới Beirut?
Những phỏng đoán trong giới ngoại giao và tư pháp đã vẽ lên một bức tranh về cách thức cuộc đào thoát được tổ chức. Một trong các giả thuyết cho rằng ông Ghosn đã rời khỏi ngôi nhà bị quản chế ở Tokyo trong một chiếc hộp đàn.
Tuy nhiên, phỏng đoán này đã bị những người thân cận với ông bác bỏ. Những người hiểu biết vụ việc nói với tờ Financial Times rằng ông ta đã thuê các nhân viên an ninh tư nhân trợ giúp trốn thoát khỏi sự canh gác của cảnh sát - khi ông không phải đeo vòng theo dõi điện tử - và tìm cách đến được sân bay quốc tế ở Osaka trước khi lên máy bay riêng rời khỏi Nhật.
Các chuyên gia an ninh cho rằng không có khả năng ông Ghosn dấn thân vào một đường thoát liều lĩnh như vậy nếu không có hộ chiếu giả và nhận được sự hỗ trợ đáng kể một cách có tổ chức, được lên kế hoạch cẩn thận ở mọi bước đi.
Sau khi ông trốn thoát, hàng loạt quan chức chính phủ và giới ngoại giao ở Nhật Bản, Lebanon và Pháp đã “chết lặng” vì kinh ngạc. Tuy vậy, hầu như không có khả năng Ghosn có thể thực hiện cuộc tẩu thoát một mình, và điều này đặt ra câu hỏi liệu ông ta có nhận được sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp từ chính phủ nào hay không.
Ông Junichiro Hironaka, người đứng đầu nhóm pháp lý của ông Ghosn tại Nhật Bản, cho biết chuyến bay của ông tới Lebanon, đã diễn ra hoàn toàn bất ngờ. “Cả một tổ chức rất lớn chắn chắn đã tham gia vào vụ việc này”, ông Hironaka nói.
Một quan chức Lebanon đã xác nhận một thông tin từ truyền thông địa phương rằng ông Ghosn vào nước này bằng hộ chiếu Pháp. Trong khi đó, Cơ quan An ninh Lebanon cho biết họ không có lý do gì để tiến hành thủ tục tố tụng chống lại ông.
Nhật Bản phản ứng ra sao?
Phản ứng chính thức của Nhật Bản đối với chuyến bay tẩu thoát của ông Ghosn là im lặng. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra chỉ một tuần sau chuyến thăm Beirut của Ngoại trưởng Nhật Keisuke Suzuki. Các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng khả năng ông Ghoshn tới Lebanon đã không được đề cập trong cuộc gặp của Ngoại trưởng Suzuki với giới chức Lebanon.
Trong khi đó, một số người ở Nhật Bản đã đặt câu hỏi rằng các công tố viên nước này sẽ xử lý ra sao khi nghi phạm quan trọng nhất trong hồ sơ của họ giờ đây sẽ rất khó bị đưa ra tòa. Về lý thuyết, họ sẽ tức giận vì cuộc tẩu thoát của ông Ghosn chẳng khác nào một cú tát vào danh dự. Nhưng về riêng tư, các công tố viên có thể cảm thấy họ đã tránh được "một trận đánh lớn" có nguy cơ gây tổn hại niềm tự hào của họ vì một phiên tòa xét xử kéo dài và bị cả thế giới "xăm xoi".
Theo Financial Times, tâm lý này xuất phát từ việc, dưới áp lực lớn phải xử lý 99% số hồ sơ, các công tố viên Nhật Bản có xu hướng xử lý các vụ án mà họ biết có thể thắng: trong nhiều trường hợp, họ chỉ có thể thoải mái tới tòa khi đã nhận được lời thú tội từ nghi phạm.
Tuy nhiên, họ đã không có được một lời nhận tội nào từ ông Ghosn. Ngược lại, các công tố viên đang đối mặt với kế hoạch “tấn công” ngược từ nhóm luật sư của Carlos Ghosn, đặc biệt là cáo buộc cho rằng bên công tố đã dựng lên vụ việc với động cơ chính trị đằng sau.
Ông Ghosn có thể đi lại và làm việc hay không?
Trong một tuyên bố ngắn ngọn hôm 31/12/2019, ông Ghosn dường như đã lập tức khởi động việc định hình lại hình ảnh của mình bên ngoài Nhật Bản, phớt lờ những phẫn nộ về vụ việc cũng như phiên tòa mà giờ đây nhiều khả năng ông sẽ thoát được.
Theo lời Ghosn, ông ta không phải là người chạy trốn khỏi công lý, mà khỏi “một hệ thống bất công” – đúng kiểu ngôn ngữ được tính toán nhằm bảo đảm cho ông một sự phục hồi danh dự nhanh chóng. Dư luận đang tự hỏi liệu doanh nhân từng được mệnh danh là “Người Davos” có thể thực hiện một cuộc trở lại bất ngờ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ trong tháng tới hay không?
Câu trả lời có lẽ là "Không". Các bạn bè của ông Ghosn nói rằng nhiều khả năng ông sẽ bám trụ ở Lebanon trong những tháng tới. Nhưng các lệnh hạn chế đi lại có thể sẽ không giữ chân được ông hoàn toàn ở đó, bởi Nhật Bản chỉ mới ký hiệp ước dẫn độ với Hàn Quốc và Mỹ.
Hiện tại, ông Hassan Diab, thủ tướng mới được chỉ định của Lebanon, đang cố gắng thành lập nội các nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất nước này trong nhiều thập kỷ. Một số nhà quan sát ở Beirut suy đoán rằng ông Ghosh, nhân vật được ca ngợi vì hiểu biết kinh doanh ở Lebanon, có thể được mời tham gia.
Tuy nhiên, triển vọng công việc của ông Ghosn ở Mỹ chắc chắn sẽ rất khó khăn. Hồi tháng 9/2019, ông đã đồng ý trả 1 triệu USD để giải quyết các cáo buộc gian lận của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho rằng ông che giấu hơn 140 triệu USD trong các gói thanh toán. Ông Ghosn không thừa nhận cũng không phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào do SEC đưa ra, nhưng thỏa thuận dàn xếp với SEC cấm ông đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong bất cứ công ty Mỹ nào trong vòng một thập kỷ.
Ba nhà sản xuất ô tô trong liên minh - Renault, Nissan và Mitsubishi - cũng bắt đầu các các cuộc điều tra riêng nhằm vào hoạt động của Carlos Ghosn. Còn cuộc điều tra của Pháp về việc tài trợ cho một bữa tiệc xa hoa tại lâu đài Versailles và các khoản thanh toán từ một công ty Hà Lan do ông Ghosn điều hành cũng đang chờ xử lý.
Phiên tòa xét xử tại Nhật Bản sẽ đi về đâu?
Theo Financial Times, vụ đào thoát của ông Ghosn nhiều khả năng sẽ làm đảo lộn toàn bộ quá trình tố tụng xung quanh 4 cáo buộc mà cựu Chủ tịch Nissan đối mặt, và đều phủ nhận. Hai trong số các cáo buộc này liên quan đến việc báo cáo sai lệch trên 80 triệu USD trong các báo cáo tài chính của Nissan.
Phiên tòa xét xử này cũng liên quan đến việc Nissan bị cáo buộc báo cáo sai số tiền mà công ty đã trả cho cựu Chủ tịch 65 tuổi và liên quan đến ông Greg Kelly - người bị cáo buộc thông đồng với Carlos Ghosn để thực hiện các hành vi này. Ông Kelly hiện vẫn ở Tokyo chờ xét xử. Tuy nhiên, chuyến bay tới Lebanon của ông Ghosn đang đặt ra câu hỏi về việc phiên tòa xét xử sắp tới sẽ diễn ra như thế nào khi bị cáo quan trọng nhất không có mặt.
Ngoài ra, Carlos Ghosn cũng đối mặt với một phiên xét xử riêng rẽ vì tội lạm dụng tín nhiệm. Nếu ông ta không xuất hiện trong ngày đầu tiên của phiên tòa dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4/2020, các thủ tục tòa án có thể sẽ bị hoãn lại.
Điều gì chờ đợi Carlos Ghosn ở Lebanon?
Nhiều người trong giới tinh hoa ở Lebanon đồng cảm với ông Ghosn và chỉ trích hệ thống hình phạt khắc nghiệt ở Nhật Bản. "Người đàn ông này nên được cho thời gian để chứng minh sự vô tội của ông ấy nếu vụ việc đúng là như vậy”, một chủ ngân hàng ở Beirut phát biểu.
Tuy vậy, khi lựa chọn đến Lebanon, ông Ghosn sẽ không ở trong “một thiên đường” để lánh nạn. Nơi ông đến là một quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và chính trị; các cuộc biểu tình chống tham nhũng rầm rộ nhằm vào giới tinh hoa chính trị đã dẫn đến sự sụp đổ của một chính phủ.
Nhiều người dân Lebanon ngày càng hoài nghi hơn về các triệu phú và không coi một kẻ trốn chạy là anh hùng quốc gia. "Tôi không biết ông ta liệu có làm được điều gì tốt đẹp cho Lebanon hay không", một doanh nhân Lebanon bày tỏ.