5 câu hỏi về thủ tục

Ngày 2.10 (giờ địa phương), Dân biểu từ Florida Matt Gaetz, người xung đột với Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy trong nhiều tháng, đã đưa ra một 'kiến nghị bãi nhiệm', nhằm phát động một cuộc bỏ phiếu phế truất ông McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện. Vậy tại sao một nghị sĩ lại có thể kiến nghị để Quốc hội bỏ phiếu phế truất Chủ tịch, thủ tục đó sẽ diễn ra như thế nào và nếu thành công thì điều gì sẽ xảy ra?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

Vào tháng 9.2015, một phóng viên đã hỏi ông Kevin McCarthy, khi đó còn là lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện: “Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, ông sẽ khác như thế nào so với ông Boehner?”. Ông McCarthy mỉm cười khi đứng cạnh vị Chủ tịch Hạ viện sắp mãn nhiệm John Boehner, người vừa từ chức để tránh đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm, và nói đùa rằng ông thuộc một thế hệ khác và sẽ không có làn da rám nắng như vậy.

Tám năm sau, McCarthy nhận ra rằng có rất ít sự khác biệt giữa họ, bởi cả ông và ông John Boehner đều phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của chính đảng Cộng hòa trong Hạ viện chống lại vị trí chủ tịch của mình.

Theo Reuters, ngày 2.10 (giờ địa phương), ông Matt Gaetz, người đã xung đột với ông McCarthy trong nhiều tháng, đã đưa ra một "kiến nghị bãi nhiệm", nhằm phát động một cuộc bỏ phiếu phế truất ông McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Tuyên bố trên đã được ông Gaetz đưa ra trước đó vào ngày 1.10 sau khi ông McCarthy được cho là đã dàn xếp với phe Cộng hòa về vấn đề ngân sách để tránh cho Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào cuối ngày 30.9.

Dân biểu Gaetz là nhân vật hàng đầu trong "House Freedom Caucus", một nhóm nhỏ quy tụ hơn 20 nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ. Họ cũng chính là những người đã đẩy chính phủ Mỹ đến bờ vực đóng cửa khi không đồng ý thông qua dự luật ngân sách liên bang mới nếu không có những khoản cắt giảm chi tiêu sâu.

Nhóm này đã rất tức giận khi ông McCarthy đạt được thỏa thuận về ngân sách tạm thời với các thành viên đảng Dân chủ vào cuối ngày 30.9 để giúp chính phủ liên bang Mỹ duy trì hoạt động thêm 45 ngày nữa với mức chi tiêu hiện tại bằng cách ngấm ngầm đưa ra một thỏa thuận phụ về ngân sách liên quan đến việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Gạt bỏ mối đe dọa, ông McCarthy nói với các phóng viên hôm 30.9: “Nếu ai đó muốn loại bỏ tôi vì những nỗ lực của tôi cho việc chung, thì đó là vấn đề cá nhân của họ và họ cứ tiếp tục”. Ông McCarthy cũng cho biết ông “không có thỏa thuận phụ” nào về Ukraine và lưu ý rằng ông chưa từng nói chuyện với Tổng thống Biden.

1. Kiến nghị bãi nhiệm là gì?

Các quy tắc của Hạ viện Mỹ cho phép bất kỳ nhà lập pháp nào - thuộc Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa - đều có quyền đưa ra “kiến nghị bãi nhiệm”, buộc Chủ tịch Hạ viện từ chức. Đây về cơ bản là một nỗ lực nhằm lật đổ Chủ tịch khỏi vị trí lãnh đạo thông qua một nghị quyết đặc quyền.

Đây là một thủ tục rất hiếm khi được sử dụng. Trong suốt một thế kỷ qua, thủ tục này mới chỉ được sử dụng hai lần, nhưng trong những năm gần đây, phe bảo thủ đã sử dụng kiến nghị này như một vũ khí chống lại các nhà lãnh đạo của họ ở Hạ viện.

2. Tại sao một nghị sĩ có thể thúc đẩy quy trình bãi nhiệm?

Vào tháng 1.2023, Quốc hội Mỹ đã trải quả một cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện cam go nhất lịch sử với 15 vòng bỏ phiếu. Ông McCarthy khi đó là lãnh đạo phe đa số của Cộng hòa tại Hạ viện và tham gia ứng cử chức Chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, Dân biểu Gaetz là một trong hơn 10 đảng viên Cộng hòa cực hữu đã liên tục bỏ phiếu chống lại ông McCarthy trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch Hạ viện. Ông McCarthy cuối cùng đã giành được chiến thắng sau 15 vòng bỏ phiếu.

Trước đó, để có được sự ủng hộ của những nhân vật cánh hữu cứng rắn này, ông McCarthy đã đồng ý thay đổi quy tắc cho phép chỉ cần một nghị sĩ kiến nghị là đủ để khởi xướng quy trình bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện.

Những người ủng hộ quy định cho phép một nhà lập pháp duy nhất đệ trình kiến nghị nói rằng, điều này thúc đẩy trách nhiệm giải trình, lưu ý đến lịch sử lâu dài của nó tại Hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện đứng thứ hai (sau phó Tổng thống) trong thứ tự “kế vị” Tổng thống Mỹ trong trường hợp ghế Tổng thống bỏ trống. Từ trước đến nay chưa từng có Chủ tịch Hạ viện nào bị cách chức.

3. Thủ tục bãi nhiệm diễn ra như thế nào?

Bất kỳ một thành viên nào của Hạ viện, thuộc phe Dân chủ hay Cộng hòa, có thể đưa ra một nghị quyết kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Sau khi kiến nghị được đưa ra, nhà lập pháp có thể bước lên Hạ viện và yêu cầu bỏ phiếu. Yêu cầu này sẽ buộc các lãnh đạo Hạ viện phải lên lịch bỏ phiếu về nghị quyết trong vòng hai ngày làm việc của cơ quan lập pháp.

Để nghị quyết được thông qua thì sẽ cần có đa số quá bán Hạ viện, tức 218 ghế bỏ phiếu ủng hộ.

Mặc dù chưa bao giờ thành công, nhưng kiến nghị bãi nhiệm đã được sử dụng như một mối đe dọa chính trị đối với một số Chủ tịch Hạ viện trong suốt lịch sử, kể từ Chủ tịch Đảng Cộng hòa Joseph Cannon - người lần đầu tiên đưa ra nghị quyết chống lại chính mình vào năm 1910. Nỗ lực này đã thất bại khi các thành viên Đảng Cộng hòa của ông bỏ phiếu áp đảo để giữ ông làm người lãnh đạo của họ.

Năm 1997, Đảng Cộng hòa thất vọng với Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Newt Gingrich và đã cân nhắc việc cố gắng lật đổ ông, nhưng cuối cùng họ lại quyết định không hành động. Gần đây nhất, người tiền nhiệm của ông McCarthy là ông Boehner đã phải đệ đơn từ chức sau khi có những lời xì xầm trong đảng về việc sẽ bãi nhiệm ông.

4. Liệu kiến nghị bãi nhiệm có thể được thông qua không?

Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 221/212. Điều đó có nghĩa là chỉ cần 5 người bỏ phiếu chống là có thể đe dọa đến quyền lực của ông McCarthy nếu tất cả các đảng viên Đảng Dân chủ cũng bỏ phiếu chống lại ông.

Tuy nhiên, khả năng này rất khó có thể xảy ra. Bởi mặc dù tỏ ra khá ồn ào, nhưng phe chống đối ông McCarthy của ông Gaetz chỉ là một thiểu số trong Đảng Cộng hòa. Hầu hết những người còn lại đều ủng hộ ông McCarthy.

Một vấn đề khác với nỗ lực loại bỏ McCarthy là không có ứng cử viên nào đủ uy tín để thay thế ông.

Và cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, ông Gaetz sẽ cần sự ủng hộ của hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ để lật đổ ông McCarthy - và rất ít khả năng những người Dân chủ sẽ tham gia cùng ông. Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hakeem Jeffries cho biết trong cuộc họp báo hôm 30.9: “Chúng tôi không có ý định thảo luận về bất kỳ động thái nào liên quan đến kiến nghị bãi nhiệm”.

5. Nếu kiến nghị được thông qua, điều gì sẽ xảy ra?

Nếu nghị quyết bãi nhiệm được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một Chủ tịch Hạ viện bị lật đổ bởi một cá nhân nghị sĩ.

Theo quy định của Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện luôn phải “lưu giữ” một danh sách những nhân vật sẽ thay thế mình trong trường hợp chiếc ghế Chủ tịch bị bỏ trống. Danh sách này có thể được Chủ tịch Hạ viện chuẩn bị vào bất kỳ thời điểm nào, luôn được Thư ký Hạ viện lưu giữ. Thư ký Hạ viện là người sẽ công bố danh sách này trong trường hợp Chủ tịch Hạ viện bị phế truất.

Người đầu tiên trong danh sách đó sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hạ viện tạm quyền và công việc đầu tiên của nhân vật này sẽ là tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong Hạ viện để bầu ra Chủ tịch Hạ viện mới. Quá trình bỏ phiếu này có thể diễn ra rất nhiều lần để một ứng cử viên nhận được đa số phiếu tính trên tổng số những người có mặt. Ông McCarthy là người phải trải qua tới 15 vòng bỏ phiếu, nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/5-cau-hoi-ve-thu-tuc-i345323/