5 chiến đấu cơ tồi tệ nhất của Mỹ: Những 'lon thiếc' biết bay
Bên cạnh những dòng chiến đấu cơ 'huyền thoại', không quân Mỹ còn có cả những dự án máy bay đáng quên, thậm chí chúng còn bị gọi là 'lon thiếc' biết bay.
Theo cây bút Robert Farley của tờ National Interest, lực lượng không quân Mỹ đã gặp khá nhiều may mắn trong các dự án thiết kế chiến đấu cơ của họ, phần lớn nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trong giai đoạn trước và sau Thế chiến thứ 2.
Với việc có nhiều công ty tham gia vào các gói thầu chế tạo máy bay của Lầu Năm Góc nên hầu hết các thiết kế kém đều bị loại bỏ ngay ở vòng thẩm định đầu tiên. Tuy nhiên, không phải máy bay nào được lựa chọn cũng thành công trở thành những “huyền thoại” như P-51 Mustang, F6F Hellcat hoặc F-15 Eagle. Và dưới đây là danh sách 5 chiến đấu cơ tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Brewster F2A Buffalo
Hầu hết vấn đề của Brewster F2A Buffalo đều nằm ở việc công nghệ nó được tích hợp lỗi thời hơn các dòng chiến đấu cơ khác cùng thời dù hãng Brewster hoàn toàn có thể đưa ra một thiết kế khác tốt hơn cho Buffalo trong cuối những năm 1930.
Điều này khiến Buffalo không thể sánh được với các dòng chiến đấu cơ mà nó sẽ đối đầu trên mặt trận Thái Bình Dương.
Phải nói thêm rằng F2A Buffalo là mẫu tiêm kích một cánh đầu tiên của hải quân Mỹ, được thiết kế để hoạt động trên các tàu sân bay, nhưng những gì Buffalo mang lại không được như những gì người Mỹ kỳ vọng.
Buffalo chịu thiệt hại nặng trong giai đoạn đầu của Thế chiến thứ 2 khi máy bay của người Nhật Bản tỏ ra hiệu quả hơn trong không chiến trên biển.
Thiếu sức mạnh, trang bị vũ khí ít ỏi, tốc độ bay chậm và trần bay kém khiến Buffalo yếu thế trước máy bay Nhật Bản. Buffalo chịu thiệt hại nặng trong giai đoạn đầu của Thế chiến thứ 2 và sau đó được rút về làm máy bay huấn luyện.
Trong giai đoạn từ năm 1938 đến 1941 chỉ có 509 chiếc F2A Buffalo được chế tạo.
Vought F7U Cutlass
F7U Cutlass là một trong những dòng tiêm kích phản lực trên hạm đầu tiên của hải quân Mỹ, tuy nhiên nó lại không đạt được mấy thành công bởi những hạn chế về mặt công nghệ vào thời điểm đó. Thậm chí F7U Cutlass còn bị các phi công gọi giễu là “Gutless Cutlass” (thanh đoản kiếm vô dụng).
Chuyến bay đầu tiên của Cutlass được thực hiện vào ngày 29/9/1948, và nó chỉ hoạt động trên các tàu sân bay Mỹ chỉ trong thời gian ngắn.
Trong giai đoạn cuối những năm 1948, công nghệ phát triển chiến đấu cơ phản lực của quân đội Mỹ chỉ mới ở giai đoạn đầu, không phải dự án nào cũng thành công. Việc phát triển một tiêm kích phản lực dành cho không quân đã khá khó khăn chứ chưa kể đến một máy bay hoạt động trên tàu sân bay đi kèm một loạt yêu cầu kỹ thuật đặc biệt. Trong khi đó lớp tàu sân bay Essex được sử dụng để triển khai Cutlass cũng không được thiết kế để mang theo hay hỗ trợ phóng một máy bay phản lực.
Theo nhiều chuyên gia hàng không, thiết kế cánh đuôi ngắn chính là hạn chế lớn nhất của Cutlass, đi kèm với đó cặp động cơ phản lực Westinghouse J46-WE-8B có hiệu suất kém. Bên cạnh đó nhiều bộ phận khác máy bay cũng chưa được thẩm định đúng mức khi hải quân Mỹ quá vội vàng trong việc biên chế Cutlass.
"Cutlass có thể trở thành một máy bay tốt nếu thay đổi một chút. Họ chỉ cần làm một cái đuôi thông thường, tăng gấp 3 lực đẩy, càng hạ cánh ở mũi cắt đi một nửa, làm lại hệ thống kiểm soát bay hoàn toàn”, John Moore – một cựu phi công từ lái Cutlass chia sẻ.
Sau một loạt tai nạn cướp đi sinh mạng của hàng chục phi công và phi hành đoàn, hải quân Mỹ đã cắt giảm 2/3 đơn đặt hàng Cutlass từ hãng Chance Vought, chỉ có 320 máy bay được chế tạo.
McDonnell F3H Demon
F3H Demon là một dòng tiêm kích trên hạm khác của hải quân Mỹ trong giai đoạn đầu phát triển máy bay phản lực. Trong giai đoạn đầu phát triển thiết kế của Demon tỏ ra nổi trội hơn so với F7U Cutlass, thế nhưng giới hạn công nghệ tiếp tục trở thành nguyên nhân khiến hãng McDonnel không thể cho ra một mẫu máy bay như hải quân Mỹ mong muốn.
Một tiêm kích phản lực hoạt động trên tàu sân bay về cơ bản cần một hệ thống động cơ mạnh mẽ, đi kèm hệ thống điện tử đáng tin cậy, nhưng F3H Demon lại không có được điều này. Dù nó được trang bị đến hai động cơ phản lực nhưng hiệu suất hoạt động lại bị đánh giá kém, đi cùng với đó là hệ thống ghế phóng khẩn cấp hoạt động không ổn định
Tuy còn nhiều hạn chế nhưng hải quân Mỹ vẫn miễn cưỡng đưa vào trang bị F3H Demon khi nó tốt hơn hẳn các ứng cử viên còn lại và hoạt động như một tiêm kích đánh chặn cận âm. F3H Demon bị loại biên vào năm 1964 sau khi hải quân Mỹ đưa vào trang bị các mẫu máy bay tốt hơn và chỉ có 519 chiếc được chế tạo.
Convair F-102 Delta Dagger
F-102 Delta Dagger ban đầu được thiết kế bay tầm cao, đánh chặn với tốc độ cao để phá hủy các phi đội máy bay ném bom của Liên Xô mà theo dự kiến sẽ tấn công vào lục địa Mỹ trong trường hợp Chiến tranh Lạnh trở nên nóng.
Những người thiết kế đã tạo ra một máy bay cánh tam giác dựa trên động cơ turbojet có buồng đốt cháy tăng cường Pratt & Whitney J57-P-25 mạnh mẽ, một hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến và một khoang vũ khí bên trong. Tất cả những chỉ số ban đầu cho thấy chiếc máy bay sẽ có màn trình diễn ngoạn mục cho tới khi nó bay. Nguyên mẫu của nó thậm chí còn không thể vượt qua Mach 1.0.
F-102 được cấu hình lại cuối cùng có thể đạt tốc độ Mach 1,22 nhưng chiếc máy bay không bao giờ đáp ứng được mong đợi thực sự. Cuối cùng, nó được thiết hoàn thành thành cấu hình mang lại thành công nhiều hơn: F-106 Delta Dart. Chỉ có 1.000 chiếc F-102
Lockheed F-104 Starfighter
F-104 Starfighter là dự án tiêm kích đánh chặn khá thành công của không quân Mỹ trong giai đoạn đầu những năm 1960, cả nó và F-102 đều thuộc chương trình tiêm kích “Thế kỷ” - Century Series.
Century Series là cái tên phổ biến để chỉ chuỗi các máy bay chiến đấu được định danh từ F-100 tới F-106 (không có F-103) phục vụ tích cực trong không quân Mỹ và không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ từ những năm 1950 tới tận những năm 1980.
Mặc dù, F-104 không có tầm hoạt động và tải trọng để trở thành một tiêm kích đánh chặn hạng nặng nhưng nó vẫn có thể đảm đương vai trò của một chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Vấn đề chính của F-104 khi hoạt động trong không quân Mỹ chính là tỉ lệ tai nạn khủng khiếp của nó, cao hơn hẳn các máy bay khác trong cùng chương trình “Thế kỷ”. Các vụ tai nạn có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung thiết kế cánh có diện tích nhỏ đi kèm động cơ kém là nguyên nhân chính.
Những chiếc F-104 cuối cùng trong quân đội Mỹ được “nghỉ hưu” vào năm 1975, có 2,578 được hãng Lockheed chế tạo từ năm 1955.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/5-chien-dau-co-toi-te-nhat-cua-my-nhung-lon-thiec-biet-bay-ar654417.html