5 cơ chế đặc thù đột phá tăng trưởng cho TP. Buôn Ma Thuột
Tại kỳ họp thứ 4, lần đầu tiên, Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
Hiện các dự án đầu tư mới tại Buôn Ma Thuột được áp dụng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 17%, chỉ giảm 3% so với mức thông thường (20%), chưa khuyến khích đầu tư. Theo dự thảo, doanh nghiệp đầu tư tại thành phố ở các lĩnh vực như: sản xuất, chế biến nông sản; y tế, giáo dục, du lịch... sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm một nửa số thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 9 năm tiếp theo.
Ngoài ưu đãi thuế, về tổng mức dư nợ vay, tỉnh Đắk Lắk được vay tối đa 40% số thu ngân sách. Phần dư nợ tăng thêm được dành để đầu tư các dự án tại Buôn Ma Thuột. Về chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi. Số chi tăng thêm được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi của thành phố. Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của Thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Ngoài 5 cơ chế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cho toàn diện, đầy đủ hơn. Đặc biệt về: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; văn hóa; du lịch… để TP. Buôn Ma Thuột phát triển vượt bậc sau khi Nghị quyết này đi vào cuộc sống vào đầu năm 2023. Đây là tiền đề thu hút đầu tư; nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!
Thực hiện : Kim Liên Việt Bảo