Các kịch bản của đồng USD và chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian khoảng 2 tuần gần đây sụt giảm khá mạnh. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến cổ phiếu ngành y tế,dầu khí ngân hàng (trên 3%).
Theo giải thích của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, sự đi xuống của thị trường chứng khoán Việt Nam 2 tuần qua có nguyên nhân trực tiếp từ việc đồng USD trên thị trường thế giới tăng quá mạnh.
Nhận định về các kịch bản của đồng USD và chứng khoán Việt Nam
Chỉ số đồng USD trên thị trường thế giới tăng lại lên ngưỡng 107 điểm, điều này phát tín hiệu cho thấy áp lực đồng USD tăng giá trong ngắn hạn.
Vài phiên gần đây, lực bán của nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Nhìn lại lịch sử, trong quý III, áp lực tỉ giá đã có lúc hạ nhiệt làm giảm lực bán của nhà đầu tư ngoại, nhưng giờ đây áp lực này đang trở lại, dòng vốn ngoại lại rút ra khá mạnh.
Diễn biến thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào biến động của đồng USD. Đồng USD được dự báo có thể sẽ tăng trong thời gian tới khi mà lạm phát được dự báo sẽ tăng trở lại. Áp lực của đồng USD trong ngắn hạn hiện đang khá lớn.
Ông Minh nhận định trong thời gian tới, có hai kịch bản liên quan đồng USD và chứng khoán Việt Nam như sau:
Kịch bản 1: Nếu đồng USD giảm giá, rất có khả năng cao áp lực tỷ giá cũng sẽ hạ nhiệt, từ đó làm giảm đi rủi ro trong ngắn hạn. Khả năng này khá cao bởi ngưỡng 107 điểm là ngưỡng cản khá mạnh của chỉ số đồng USD. Ngoài ra, nhìn vào diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm đang có dấu hiệu chững lại, hoàn toàn có lý do để tin đồng USD không tăng mạnh trong thời gian tới, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn.
Kịch bản 2: Nếu chỉ số đồng USD vẫn cứ tăng và vượt ngưỡng 107 điểm, có khả năng thị trường sẽ giảm sâu hơn. Tuy nhiên nếu áp lực tỉ giá quá căng, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp kịp thời và đã có nhiều thành công trong kiểm soát tỉ giá trong quá khứ. Dù vậy, nếu diễn biến chỉ số USD vượt 107 điểm, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng với khả năng này.
Còn theo quan điểm của ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng hai tuần qua chịu ảnh hưởng bởi những kỳ vọng vào chính sách khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại về kịch bản chính sách thuế quan của ông Trump sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Ngoài ra, trong tuyên bố mới nhất trước công chúng, chủ tịch Fed thể hiện quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn, có thể sẽ không có lần hạ lãi suất nào trong tháng 12, vì vậy tâm lý thị trường lo lắng.
Tuy nhiên, nhìn vào dài hạn, ông Hiếu cho rằng vẫn còn nhiều lực đỡ quan trọng cho thị trường chứng khoán. Giám đốc phân tích KIS Việt Nam nhấn mạnh việc ông Trump tăng thuế với hàng nhập khẩu áp dụng với tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên việc thuế áp với hàng Trung Quốc cao hơn sẽ khiến cho dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam nhiều hơn, Việt Nam vì vậy sẽ hưởng lợi.
Ngoài ra, ông Hiếu nhấn mạnh, chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục, vì vậy sẽ có dòng vốn rẻ tìm đến các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam.
Kịch bản ngắn và trung hạn của chứng khoán Việt Nam
Còn theo phân tích của Dragon Capital mới đây, với quan điểm chính sách của ông Donald Trump, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ đương đầu với biến động gia tăng.
Các công ty thuộc nhóm ngành xuất khẩu có mức độ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách sắp tới của Tổng thống Trump chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong VN-Index nên rủi ro từ nhóm này sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến toàn thị trường. Tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn duy trì sự tích cực, bởi nhiều người có cái nhìn lạc quan về việc đắc cử của ông Trump.
Tuy nhiên trong trung hạn, sự biến động của thị trường có thể tiếp diễn ở giai đoạn chính quyền mới của ông Trump đi vào hoạt động. Các chuyên gia Dragon Capital chia thành hai kịch bản:
Kịch bản bảo hộ thương mại: Trong trường hợp các chính sách bảo hộ được triển khai, hoạt động thương mại sẽ chậm lại, gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp. Trong trường hợp này, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể giảm từ mức hiện tại 16% - 18% xuống còn 5% - 9%, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng ở quy mô rộng hơn.
Kịch bản tích cực hơn: Khả năng cao là chỉ một số quốc gia hoặc sản phẩm sẽ chịu mức thuế mới, tạo cơ hội cho Việt Nam nhờ chênh lệch thuế quan với Trung Quốc. Những trở ngại thương mại gia tăng đối với Trung Quốc (hiện chiếm 32% sản lượng ngành sản xuất toàn cầu) có thể giúp Việt Nam mở rộng thị phần trong sản xuất và xuất khẩu, như đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ trước của ông Trump.
Xu hướng này có thể thúc đẩy nỗ lực nội địa hóa của các nhà sản xuất trong nước, củng cố nền kinh tế thực và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam khi quá trình chuyển dịch diễn ra.
Theo số liệu của Dragon Capital, ba năm trước khi COVID-19 bùng phát, dưới thời ông Donald Trump, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng, lên đến 19,1%.
Tuy nhiên, các chính sách và phát ngôn khó đoán của ông Trump đã làm gia tăng độ biến động cho thị trường. Dù vậy, VN-Index vẫn ghi nhận mức lợi nhuận kép hàng năm khoảng 15% trong giai đoạn này, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp do chịu tác động chiết khấu từ sự biến động thị trường. Chuyên gia Dragon Capital tuy nhiên vẫn cảnh báo về khả năng rút vốn của nhà đầu tư ngoại khi mà đồng USD mạnh lên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-kich-ban-cua-dong-usd-va-chung-khoan-viet-nam-post820002.html