5 cô gái trẻ đẹp vận chuyển trái phép hơn 4.300 tỷ đồng ra nước ngoài có thể đối diện khung hình phạt nào?
Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hơn 4.300 tỷ đồng ra nước ngoài.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 5 người về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", quy định tại khoản 3 (Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 2015).
Các đối tượng gồm: Đào Thị Oanh (Giám đốc các Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ADIA, Công ty TNHH Hỗ trợ dịch vụ khu công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH East Global Việt và Công ty TNHH Tư vấn du học DO Việt Nam); Nguyễn Hồng Anh (Giám đốc Công ty Phương Diễm; Kế toán trưởng Công ty FuTu); Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Kế toán trưởng Công ty Phương Diễm); Vũ Thùy Linh (Giám đốc Công ty Alpha) và Mai Thị Thu Hà (Giám đốc Công ty Earth Vibes).
Theo cơ quan chức năng, Oanh và đồng phạm thành lập, điều hành hàng chục công ty, mở tài khoản ngân hàng để làm dịch vụ ra nước ngoài cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. Nhóm đối tượng lập các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống để làm thủ tục chuyển tiền điện tử qua ngân hàng theo hình thức tạm ứng thanh toán trước 50-70% giá trị hợp đồng.
Sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, Oanh và đồng bọn không làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, không khai báo thuế, cho giải thể công ty để che giấu hành vi phạm tội.
Với thủ đoạn trên, trong 2 năm 2021 và 2022, các bị can đã chuyển trái phép hơn 4.355 tỷ đồng ra nước ngoài.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên – Trưởng Văn phòng luật Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm, từ những thông tin ban đầu cho thấy hành vi của các đối tượng là có tổ chức, xảy ra trên nhiều địa bàn, với quy mô lớn, thủ đoạn phạm tội tinh vi nhằm che mắt cơ quan chức năng. Đây là vụ án phức tạp được Cơ quan CSĐT Bộ Công an đấu tranh, triệt phá.
Hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xâm phạm đến chính sách quản lí về ngoại thương của Nhà nước. Tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là hành vi đưa tiền tệ qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại với bất kì hình thức nào. Hành vi vận chuyển trái phép thể hiện sự trốn tránh sự kiểm soát của hải quan hoặc cơ quan quản lý cửa khẩu như không có giấy tờ hoặc có nhưng giấy tờ giả mạo, không khai báo hoặc có thể thuê, nhờ người khác vận chuyển, có thể thể vận chuyển qua đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không hoặc qua bưu điện, ngân hàng… Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, biết rõ hành vi vận chuyển tiền tệ là trái phép bị pháp luật cấm nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Với số tiền phạm tội lớn như vậy rất có thể các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1- 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm".