5 cường quốc cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân

Trong một động thái đáng chú ý, 5 cường quốc hạt nhân là Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân (VKHN) và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong một tuyên bố chung vừa được Nhà Trắng công bố.

Theo Reuters, trong tuyên bố chung, 5 cường quốc hạt nhân cũng là các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhất trí cho rằng “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra". Tuyên bố cũng viết: “Việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng, đến khi nào chúng ta còn tồn tại, VKHN phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này”.

 5 cường quốc hạt nhân cam kết cùng hành động để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Getty

5 cường quốc hạt nhân cam kết cùng hành động để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Getty

Tuyên bố trên được công bố trước thềm một hội nghị của LHQ nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến VKHN (NPT). Các hội nghị rà soát được tổ chức 5 năm một lần kể từ năm 1975, gần đây nhất vào năm 2015. Các hội nghị này tạo diễn đàn để các quốc gia sở hữu VKHN thảo luận với các quốc gia không sở hữu VKHN. Cho đến nay, có khoảng 190 nước đã ký NPT.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân, duy trì và tuân thủ các thỏa thuận, cam kết không phổ biến, giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí song phương và đa phương. Trong tuyên bố, 5 nước cho biết sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của NPT, bao gồm các điều khoản nghĩa vụ liên quan. Các nước này cũng sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia khác nhằm xây dựng một môi trường an toàn, có lợi hơn cho việc giải trừ quân bị. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một thế giới không có VKHN trên nguyên tắc an ninh của tất cả các quốc gia không bị tổn hại. Lãnh đạo 5 quốc gia sở hữu VKHN cũng đã nhất trí tránh đối đầu quân sự, tăng cường lòng tin và ổn định chiến lược, ngăn chặn chạy đua vũ trang; thúc đẩy đối thoại vì lợi ích an ninh của tất cả các bên.

Động thái của 5 quốc gia hạt nhân hàng đầu xuất hiện trong bối cảnh giữa các nước này đang tồn tại những bất đồng lớn như giữa Trung Quốc, Nga và phương Tây. Mâu thuẫn Nga-Mỹ lên đến đỉnh điểm liên quan tới tình hình biên giới Nga-Ukraine. Sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình cũng làm dấy lên lo ngại căng thẳng với Washington có thể dẫn đến xung đột. Bỏ qua những khác biệt và mâu thuẫn, các nước này đã cùng nhất trí rằng “tránh chiến tranh giữa các quốc gia có VKHN và giảm thiểu rủi ro chiến lược là trách nhiệm hàng đầu”.

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng tuyên bố của 5 cường quốc hạt nhân trên thế giới sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định tuyên bố này giúp tăng cường tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc, thay cạnh tranh bằng hợp tác và giảm nguy cơ xung đột hạt nhân.

Ngày 4-1, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid đã hoan nghênh tuyên bố chung của 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ về vấn đề hạt nhân. Trao đổi với hãng tin Sputnik, ông Paulina Kubiak, người phát ngôn của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, cho biết: “Chủ tịch Abdulla Shahid hoan nghênh tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân, những quốc gia thành viên thường trực của HĐBA. Các cam kết theo nghĩa vụ của NPT, bao gồm nghĩa vụ theo Điều VI và mong muốn tăng cường sự hiểu biết, cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả. Đây là thông điệp đúng đắn đối với thế giới trong bối cảnh chúng ta bắt đầu năm mới”.

5 cường quốc hạt nhân ra tuyên bố chung trong bối cảnh các nước Nhóm P5+1 đang tìm cách đạt thỏa thuận với Iran về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Mỹ thời gian qua đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc và Nga tham gia một hiệp định kiểm soát vũ khí mới.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm ước tính Trung Quốc sở hữu khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với 5.550 đầu đạn của Mỹ và 6.255 của Nga. Bắc Kinh áp dụng học thuyết "răn đe tối thiểu", nghĩa là chỉ duy trì số đầu đạn ít nhất để bảo đảm khả năng đáp trả một cuộc tấn công, cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất áp dụng chính sách "không khai hỏa trước" với VKHN. Tuy nhiên, vào tháng 11-2021, Lầu Năm Góc ước tính Bắc Kinh có thể sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và lên đến 1.000 đầu đạn vào năm 2030.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/5-cuong-quoc-cam-ket-khong-pho-bien-vu-khi-hat-nhan-682446