5 'đáp án' cho phát triển liên vùng
Đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường sắt TP HCM - Cần Thơ, các dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Quốc lộ 50... sẽ tạo chuyển biến lớn về phát triển kinh tế - xã hội
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM báo cáo UBND TP HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương lên 8 làn xe cùng 2 làn khẩn cấp.
Lợi thế mặt bằng
Về tiến độ dự kiến, Sở GTVT TP HCM đề xuất tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư năm 2024. Dự án được đề xuất khởi công năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2027. Về quy mô, tuyến chính cao tốc TP HCM - Trung Lương được mở rộng lên 8 làn và 2 làn khẩn cấp. Các tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm mở rộng lên 6 làn và 2 làn hỗn hợp...
Một trong những thuận lợi khi mở rộng tuyến cao tốc này là chỉ cần bố trí vốn thực hiện thi công, công tác mặt bằng do trước đây đã triển khai nên có sẵn.
Đánh giá về sự cần thiết đầu tư, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho hay cao tốc TP HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây hơn 12 năm với 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp. Hiện lượng xe rất lớn, tuyến đường không đáp ứng được sự gia tăng phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân. Cao tốc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, cuối tuần.
"Việc sớm nghiên cứu mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết và cấp bách. Dự án góp phần hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác những cao tốc, vành đai đang triển khai" - giám đốc Sở GTVT cho hay.
Để phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 1, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 40 km đưa vào sử dụng từ năm 2010. Mỗi ngày có khoảng 52.800 lượt xe đi qua và tuyến đường cao tốc này tới nay đã vượt công suất thiết kế.
Vai trò chiến lược trong kết nối vùng
Từ tháng 2-2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cùng 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết ban hành kế hoạch triển khai dự án đường Vành đai 4. Theo đó, các địa phương phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án trong năm 2023, khởi công dịp lễ 30-4-2025, thông xe kỹ thuật cuối năm 2027.
Nhận định về vai trò của đường Vành đai 4, tại buổi ký kết, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay dự án có tổng chiều dài 197,6 km, điểm đầu tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP HCM. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP HCM. Tuyến đường đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối khu đô thị cảng Hiệp Phước với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với dự án này, UBND TP HCM vừa có công văn khẩn gửi Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
Đây là tuyến đường sắt có tổng chiều dài trên 174 km, bắt đầu từ ga An Bình (Bình Dương) đến ga Cần Thơ (TP Cần Thơ), tổng mức đầu tư dự kiến 9 tỉ USD. Để hạn chế chia cắt các khu đô thị 2 bên, bảo đảm việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, UBND TP HCM đề xuất hướng tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố gồm các đoạn đi trên cao khoảng 11,94 km kết hợp các đoạn đi trên mặt đất khoảng 24,34 km.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng vùng ĐBSCL hiện kết nối với vùng Đông Nam Bộ dựa vào tuyến Quốc lộ 1A, trong khi đó, giao thông thủy vẫn chưa được khai thác tối đa. Đầu tư nội vùng đã khá tốt nhưng cần phải tập trung vào cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc và các tuyến đường khác để biến TP Cần Thơ thành khu vực chiến lược của vùng... Đặc biệt, ngoài hoàn thành các tuyến đường cao tốc thì phải tập trung xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đây là yếu tố quyết định về giao thông, giúp phát triển cả vùng ĐBSCL. Bởi mối quan hệ kinh tế giữa ĐBSCL và Đông Nam Bộ là mối quan hệ khăng khít và dựa vào nhau để cùng phát triển.
Mở không gian phát triển
Một dự án quan trọng khác là tuyến Vành đai 3 dài 76 km đi qua TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, đang được các địa phương triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Dự án khi hoàn thành vào năm 2025 hứa hẹn mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định đường Vành đai 3 TP HCM kết nối các đô thị vệ tinh và các đô thị các tỉnh phía Đông - Tây - Nam - Bắc của thành phố, kết nối TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An. Đây là tuyến giao thông mà tất cả xe muốn đi và đến TP HCM đều có thể đi qua, là tuyến đường tránh để các xe lớn không đi vào thành phố, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giúp việc lưu thông đến Vũng Tàu, Mộc Bài, Bình Phước hay về ĐBSCL đều nhanh và thuận lợi.
"Về xã hội thì tuyến đường này điều tiết được mật độ phân bố dân cư, giãn dân cư từ đô thị trung tâm TP HCM ra bên ngoài, tạo sự kết nối với những đô thị vệ tinh có sẵn như Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch và có thể thêm một số đô thị khác trong vùng đô thị TP HCM" - ông Chính cho hay.
Sau Vành đai 3, tháng 12-2022, TP HCM đã khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), với chiều dài gần 7 km nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Nam thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư 1.498 tỉ đồng. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), nhận định khi hoàn thành sẽ giúp kết nối TP HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây cũng như tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến vành đai 3. Dự án đang ở bước đầu giai đoạn khảo sát địa chất và được các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12-2024.
"Theo đánh giá của các chuyên gia, những dự án không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn tạo cơ hội để mỗi tỉnh, thành thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tốt hơn.
Lợi thế cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ doanh nghiệp vận tải, chuyên chở hàng nông sản từ Cần Thơ lên TP HCM - cho biết khi chưa có tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, phương tiện phải mất 2-3 giờ mới qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Từ ngày có cao tốc, tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 giảm hẳn, rút ngắn thời gian di chuyển và giảm chi phí logistics.
"TP HCM là nơi tiêu thụ lượng nông sản rất lớn, do đó nhu cầu đi lại giữa ĐBSCL với TP HCM rất cao. Thời buổi cạnh tranh, doanh nghiệp nào tính toán chi phí vận chuyển rẻ hơn đôi chút là có lợi thế thu hút khách hàng. Chúng tôi không mong gì hơn là nhà nước đầu tư nhiều tuyến đường kết nối giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL với TP HCM để việc đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương" - ông Tuấn bày tỏ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/5-dap-an-cho-phat-trien-lien-vung-2023050319550456.htm