5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu canxi ở phụ nữ
Thiếu canxi là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ, dẫn đến xương yếu, tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương và các bệnh tim mạch...
Phụ nữ, đặc biệt là sau mãn kinh, cần đủ canxi để duy trì sức khỏe của xương. Chế độ ăn ít thực phẩm giàu canxi và vitamin D làm trầm trọng thêm vấn đề này. Việc bổ sung và theo dõi lượng canxi thường xuyên là điều cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe lâu dài ở phu nữ.
1. Dấu hiệu thiếu canxi ở phụ nữ
- Đau bụng tiền kinh nguyệt
Phụ nữ bị thiếu canxi thường xuất hiện những cơn đau, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt. Hạ canxi máu có thể dẫn đến các triệu chứng PMS (tiền kinh nguyệt) nghiêm trọng, gây rối loạn nội tiết tố... Do đó, bổ sung canxi có thể giúp kiểm soát các triệu chứng này.
- Đau răng
Canxi rất quan trọng đối với xương và răng. Nếu mức canxi giảm xuống, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy răng đau nhức và có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao hơn, ngay cả khi đã giữ vệ sinh răng miệng tốt.
- Co thắt cơ bắp
Canxi là một yếu tố quan trọng cho chức năng hoạt động của cơ, chủ yếu là co bóp và thư giãn cơ. Do đó, thiếu canxi có thể dẫn đến yếu cơ, bao gồm co giật, chuột rút và co thắt cơ ở phụ nữ… Tình trạng này gây đau và khó chịu.
- Móng tay dễ gãy
Móng tay giòn là dấu hiệu của lượng canxi trong cơ thể thấp. Canxi rất quan trọng đối với sức khỏe móng tay, nếu thiếu chúng trở nên yếu, nhợt nhạt và dễ bị tổn thương.
Vì vậy, hãy chú ý tới tất cả những thay đổi này và bắt đầu bổ sung các thực phẩm hoặc chất bổ sung giàu canxi vào chế độ ăn uống.
- Mệt mỏi
Lượng canxi thấp dẫn đến mức năng lượng thấp ngay cả sau khi ngủ đủ giấc. Canxi chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng. Nếu lượng canxi trong cơ thể thấp, có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài.
2. Các biến chứng có thể phát sinh do thiếu canxi
Thiếu canxi ở phụ nữ có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, trong đó mối quan tâm lớn nhất là loãng xương (đó là tình trạng đặc trưng bởi xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương). Điều này đặc biệt phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh do nồng độ estrogen giảm.
Các biến chứng khác bao gồm giảm mật độ xương, tăng khả năng bị đau xương, chuột rút cơ và có khả năng phát triển bệnh còi xương trong những trường hợp nghiêm trọng.
Thiếu canxi cũng có thể làm giảm sức khỏe răng miệng, dẫn đến răng giòn và tăng nguy cơ sâu răng. Ngoài ra, nồng độ canxi thấp có thể góp phần gây ra các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp.
Đảm bảo lượng canxi đầy đủ là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể của xương và tim mạch.
3. Thiếu canxi tác động tới tim mạch như thế nào?
Thiếu canxi có thể có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch. Mức canxi đầy đủ là điều cần thiết cho chức năng tim co bóp thích hợp, vì canxi đóng vai trò quan trọng trong sự co cơ, bao gồm cả cơ tim.
Sự thiếu hụt canxi có thể dẫn đến các vấn đề như nhịp tim không đều, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nồng độ canxi thấp cũng có thể dẫn đến huyết áp tăng cao, do vai trò của canxi trong quá trình co và giãn mạch máu.
Đảm bảo đủ lượng canxi thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung, cùng với lượng vitamin D đầy đủ để hỗ trợ hấp thụ canxi là điều quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể tối ưu.
4. Nguyên nhân gây thiếu canxi ở phụ nữ
Thiếu canxi ở phụ nữ có thể do một số yếu tố gây ra, bao gồm ăn không đủ lượng thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ sữa và rau xanh...
Các nguyên nhân khác bao gồm thiếu vitamin D, làm giảm khả năng hấp thụ canxi; thay đổi nội tiết tố như trong thời kỳ mãn kinh và các tình trạng bệnh lý như suy tuyến cận giáp hoặc bệnh thận mạn tính.
Các yếu tố về lối sống, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều caffeine hoặc rượu, sử dụng kéo dài một số loại thuốc (ví dụ: Corticosteroid), cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Ngoài ra, mang thai và cho con bú làm tăng nhu cầu canxi, có khả năng dẫn đến thiếu hụt nếu lượng tiêu thụ không được tăng lên đầy đủ.
5. Nguồn thực phẩm cung cấp canxi
Thực phẩm giàu canxi rất cần thiết cho xương và răng chắc khỏe. Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai và sữa chua là những nguồn được biết đến nhiều nhất.
Đối với những người tránh dùng sữa (hoặc không thể dùng sữa), các loại sữa có nguồn gốc thực vật tăng cường canxi (sữa hạnh nhân, đậu nành hoặc gạo) và nước trái cây là những lựa chọn thay thế tốt.
Các loại rau lá xanh như cải xoăn, bông cải xanh, cải chip… cũng là nguồn cung cấp canxi cho cơ thể.
Các nguồn khác bao gồm đậu phụ, hạnh nhân và hạt vừng; các loại cá có xương ăn được như cá mòi, cá hồi đóng hộp cũng cung cấp một lượng canxi đáng kể.
Ngoài ra, ngũ cốc và bánh mì tăng cường có thể giúp đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày, góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể của xương.
Chỉ dùng thuốc bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ, để tránh dùng thừa gây hại...