5 điều phụ huynh nên thảo luận với giáo viên trước thềm năm học mới
Trước thềm năm học mới, để có một năm học thành công, phụ huynh nên trao đổi và thảo luận với giáo viên chủ nhiệm của con mình một số vấn đề như: giới tính, sở thích hay hoàn cảnh gia đình...
Trước thềm năm học mới, phụ huynh cần làm gì?
Mỗi một năm học mới đều mang lại một sự khởi đầu mới cho học sinh. Việc giáo viên thấu hiểu về học sinh của mình sẽ mang lại cho các em cơ hội phát triển trong học tập. Vì vậy, việc trao đổi giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm trước thềm năm học mới là điều cần thiết.
Kellie Barragan - giáo viên mầm non ở California, Mỹ với 12 năm kinh nghiệm nói rằng, nếu học sinh đang gặp khó khăn, gia đình có thể gửi tin nhắn đơn giản gửi gắm cô giáo.
"Phụ huynh không cần phải giải thích chi tiết và không cần phải chia sẻ về tất cả mọi thứ đang xảy ra trong gia đình mình. Bởi học sinh cần được bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, giáo viên cần nắm bắt sơ qua tình hình để có thể chăm sóc học sinh tốt hơn trong việc học hành cũng như sức khỏe tinh thần", Kellie Barragan nói.
Ngoài ra, theo giáo viên Kellie Barragan, nếu không có sự trao đổi của phụ huynh hoặc gia đình không điền thông tin vào bản khảo sát theo mẫu yêu cầu thì thông tin duy nhất về học sinh của mình mà cô biết được là họ tên, ngày tháng năm sinh và giới tính.
Dưới đây là một số điều theo tờ HuffPost màgiáo viên Mỹ sẽ muốn biết về học sinh của mình trước thềm năm học mới:
1. Bản sắc giới tính, chủng tộc và dân tộc
Nhận dạng giới tính hiện là một chủ đề tế nhị ở một số bang của nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu phụ huynh xác định rằng con mình có giới tính khác với giới tính đã ghi trong giấy tờ thì cần phải trao đổi với giáo viên về vấn đề này trước thềm năm học mới. Bởi điều này sẽ giúp con bạn được học tập trong một môi trường thân thiện mà không có sự nghi ngờ hay kỳ thị nào.
"Biết được giới tính, dân tộc hoặc chủng tộc của học sinh giúp nhà trường tạo ra các lớp học cân bằng để học sinh cảm thấy an toàn và được đồng cảm khi có những người bạn cùng lớp có hoàn cảnh tương tự mình", cô Kellie Barragan cho biết.
2. Cơ cấu gia đình
Sẽ rất hữu ích nếu phụ huynh cho giáo viên biết về cơ cấu gia đình. Bởi việc hiểu về số lượng các thành viên trong gia đình của học sinh, ngoài bố mẹ thì thông tin về ông bà, bố/mẹ nuôi hay bất kỳ ai khác sẽ giúp giáo viên hiểu thêm về hoàn cảnh sống của các em.
3. Vấn đề về quyền nuôi con
Nếu bạn đang chuẩn bị ly hôn, giáo viên của con không nhất thiết phải là người đầu tiên bạn nên tâm sự về điều này. Nhưng điều quan trọng là bạn phải bảo đảm rằng giáo viên chủ nhiệm biết được chuyện gì đang xảy ra trong gia đình học sinh của mình.
Giáo viên Kellie Barragan nhớ về một tình huống mà cô đã gặp phải. Đó là sự việc bố của một học sinh đã đến đón con về sớm, sau đó mẹ của đứa trẻ này cũng đến đón con lúc tan học và hỏi đứa trẻ đã được ai đón.
"Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ mặt của bà mẹ ấy. Tôi không hề hay biết bố mẹ của em học sinh đó đã ly hôn và người mẹ thì cấm người bố không được gặp con chung. Tuy nhiên, người bố vẫn được coi là người giám hộ của học sinh nên ông ấy có thể đón con gái của mình", Kellie Barragan chia sẻ.
Theo cô Kellie Barragan, tình huống trên là một ví dụ cho thấy việc trao đổi thông tin về quyền nuôi con đối với những gia đình có bố mẹ ly hôn cho giáo viên là điều cần thiết. Bởi biết được tình hình gia đình của học sinh sẽ giúp cô giáo biết cách cư xử sao cho phù hợp và dễ dàng nắm bắt cũng như quan tâm đến tâm lý của những học sinh này hơn.
4. Tính cách học sinh
Mặc dù không bắt buộc phải chia sẻ, nhưng việc giáo viên biết được tính cách hay những gì học sinh không thích sẽ vô cùng hữu ích trong quá trình dạy dỗ các em ở trên trường.
"Hiện tại tôi đang dạy ở một ngôi trường có nhiều học sinh đã trải qua những biến cố tâm lý và bị tổn thương trong quá khứ. Tôi sẽ vô tình khiến học sinh của mình trở nên xúc động nếu không biết được những gì đã xảy ra với các em, thậm chí khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn", thầy giáo Tarbet cho hay.
Ngày càng có nhiều giáo viên được đào tạo về khả năng ứng phó với những học sinh bị tổn thương về tâm lý để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa giáo viên và học trò.
Thầy Tarbet cho rằng, hiểu được nguyên nhân của những tổn thương mà các học sinh đã trải qua và có được phương pháp cư xử phù hợp sẽ giúp học sinh phát triển bản thân cũng như thúc đẩy các em ngày một tiến bộ trong học tập.
5. Sở thích và năng khiếu
Bên cạnh hoàn cảnh gia đình, sức khỏe tâm lý... thì một điều cũng không kém phần quan trọng mà giáo viên nên biết về học sinh của mình đó là đam mê và năng khiếu của các em.
Chẳng hạn như giáo viên cần biết về học sinh của mình có đam mê với côn trùng, khủng long hay không gian vũ trụ.
Cô giáo Kellie Barragan khuyến khích phụ huynh nên điền đầy đủ thông tin về sở thích của con mình trong tờ khảo sát được đưa ra đầu năm học. Việc biết được năng khiếu của bất kỳ học sinh nào, nhất là những học sinh đang gặp khó khăn hoặc có tính cách nhút nhát sẽ giúp giáo viên thúc đẩy các em phát huy và tỏa sáng với tư cách là một "chuyên gia". Đồng thời, hiểu được thế mạnh của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách làm các em tự tin hơn trong suốt năm học của mình.
Nguồn: HuffPost