5 dự đoán của các điệp viên hàng đầu của Mỹ về thế giới sẽ như thế nào sau 20 năm nữa

Có một số câu hỏi mà Cộng đồng Tình báo Mỹ tự đặt ra khi chuẩn bị một trong những báo cáo an ninh quốc gia quan trọng và thú vị nhất, đề xuất những góc nhìn về thế giới trong 20 năm tới.

Người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: GI

Bài liên quan

Úc xem lại thỏa thuận cho thuê cảng gần căn cứ Mỹ, Trung Quốc cảnh báo

Trung Quốc trừng phạt nhà lãnh đạo tôn giáo của Mỹ

Trung Quốc 'mất châu Âu' khi chính sách ngoại giao cứng rắn phản tác dụng

Dân Philippines không muốn tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt với vắc xin của Trung Quốc

Được xuất bản bốn năm một lần kể từ năm 1997, Báo cáo Xu hướng Toàn cầu là bản đánh giá tổng thể của Cộng đồng Tình báo về các xu hướng địa chính trị. Bản báo cáo nhằm mục đích mô tả các kịch bản thực tế mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt trong 20 năm tới.

Mở đầu bản báo cáo là lời tái khẳng định rằng mục tiêu của Cộng đồng Tình báo không phải là nói cụ thể thế giới sẽ như thế nào vào năm 2040 mà là làm nổi bật các vấn đề và xu hướng có thể trở nên quan trọng và các chính quyền trong hiện tại cũng như trong tương lai có thể thấy hữu ích khi tạo ra các chiến lược an ninh quốc gia.

Việc công bố phiên bản này của báo cáo gần như trùng hợp với thời điểm ra mắt bản đánh giá mối đe dọa hàng năm của Cộng đồng Tình báo, trong đó Giám đốc Tình báo Quốc gia và những người đứng đầu CIA, NSA, FBI và Cơ quan Tình báo Quốc phòng đưa ra đánh giá về các mối đe dọa mà Mỹ đang hoặc sẽ phải đối mặt trong năm tới.

Các tác giả của bản báo cáo này đã kiểm tra và đánh giá lại các báo cáo trước đây và điều chỉnh cách tiếp cận của họ cho phù hợp đồng thời kết hợp các phương pháp thu thập và phân tích mới.

Điều thú vị là các tác giả cũng thu thập ý kiến và quan điểm từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế, bao gồm học sinh trung học Mỹ, các tổ chức xã hội dân sự châu Phi và các doanh nghiệp châu Á.

Dưới đây là bản tổng hợp 5 viễn cảnh được đưa ra trong bản báo cáo này.

Phục hưng các nền dân chủ

Trong kịch bản này, các nền dân chủ mở trên toàn thế giới đang chứng kiến sự hồi sinh do Mỹ và các đồng minh dẫn đầu.

Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự hợp tác gia tăng giữa khu vực công và tư nhân đang tạo điều kiện nền kinh tế toàn cầu phát triển, giúp nhiều người khỏi đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và khiến họ quan tâm hơn tới xã hội và cộng đồng.

Ngược lại, các xã hội có sự kiểm soát chuyên quyền đối với công dân của họ, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga, đang tụt hậu do khả năng đổi mới của họ bị đình trệ.

Thế giới chia rẽ

Trong một viễn cảnh rất ảm đạm, thế giới là một nơi vô định hướng, hỗn loạn và đầy biến động, khi các thể chế cũng như các chuẩn mực và quy tắc quốc tế đã sụp đổ và chỉ có một số quốc gia tiếp tục tuân thủ chúng.

Các quốc gia sản xuất dầu lớn như Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Angola, đang gặp phải tình trạng kinh tế đình trệ, gây ra sự chia rẽ xã hội và bất ổn chính trị. Sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc tiếp tục khi phương Tây tụt hậu.

Trong thế giới đầy biến động này, nhiều thách thức toàn cầu vẫn chưa được giải quyết.

Cùng tồn tại và cạnh tranh

Trong một kịch bản tương tự như hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới thông qua mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

Cạnh tranh giữa các cường quốc vẫn tiếp tục và vẫn tập trung vào ảnh hưởng địa chính trị, lợi thế chiến lược và ưu thế công nghệ, trong khi mỗi quốc gia thúc đẩy mô hình quản trị của mình: dân chủ tự do trong trường hợp của Mỹ và chủ nghĩa tư bản cộng sản trong trường hợp của Trung Quốc.

Bất chấp những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, một cuộc chiến tranh lớn sẽ khó xảy ra và các vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và thiếu nước, được quản lý thông qua hợp tác quốc tế và tiến bộ công nghệ.

Nhiều khối kinh tế riêng biệt

Trong tương lai u ám này, bối cảnh địa chính trị bị chia cắt thành nhiều khối kinh tế và an ninh với tầm quan trọng và sức mạnh khác nhau.

Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU tiếp tục là những người chơi chính, nhưng kèm theo đó là sự vươn lên của một số quốc gia trong các khu vực khác, có lẽ là Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và thậm chí là Nigeria. Các khối này tự cung tự cấp, với các chuỗi cung ứng được định hướng lại và tập trung vào khả năng phục hồi và bảo mật.

Các khu vực mạng có chủ quyền riêng biệt kiểm soát luồng thông tin và thương mại quốc tế đã bị gián đoạn. Các nước đang phát triển là những quan sát viên trung lập.

Bi kịch và đoàn kết

Kịch bản này hình dung hậu quả của tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.

Một liên minh toàn cầu do EU và Trung Quốc dẫn đầu đang làm việc với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức đa phương để thực hiện những thay đổi toàn diện nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nghèo đói.

Các nước giàu đang giúp các quốc gia mới nổi đối phó với khủng hoảng và chuyển đổi sang các nền kinh tế carbon thấp thông qua các chương trình viện trợ và chuyển giao công nghệ.

Dù cho nhiều kịch bản có phần u ám và bi quan, chúng lại giúp giải thích cho các yếu tố bên ngoài hiện tại hoặc sắp xảy ra, chẳng hạn như dân số thế giới ngày càng tăng hoặc sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sẽ dẫn đến các trường hợp khẩn cấp toàn cầu nếu không được giải quyết.

Ngược lại, "Cùng tồn tại và cạnh tranh" về cơ bản là một phiên bản tương lai khả dĩ nhất của thế giới hiện tại, mặc dù với một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn. Một "nền Dân chủ Phục hưng" là kết quả tốt hơn cho Mỹ và phương Tây, nhưng để đạt được hiệu quả, nó sẽ đòi hỏi sự đầu tư vào các thể chế và giá trị giúp phân biệt các xã hội đó với các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc và Nga.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/5-du-doan-cua-cac-diep-vien-hang-dau-cua-my-ve-the-gioi-se-nhu-the-nao-sau-20-nam-nua-post135861.html