5 giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn
Những manh mối ban đầu giúp các nhà khoa học đưa ra một số giả thuyết đáng chú ý về nguyên nhân gây ra làn sóng viêm gan bí ẩn, dù thủ phạm thật sự vẫn là ẩn số.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến ngày 13/5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 450 ca mắc viêm gan bí ẩn tại ít nhất 25 quốc gia. Tại Mỹ, một số chuyên gia gọi nó là “viêm gan X” vì không thể tìm ra nguyên nhân. Ít nhất 12 trẻ đã tử vong và hàng chục ca phải ghép gan.
Các ca bệnh sớm nhất vào năm 2021
Tiến sĩ Jay Butler, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những ca bệnh sớm nhất mà nước này ghi nhận là vào tháng 10/2021.
“Chúng tôi đã mở cuộc điều tra liên quan 9 trẻ em ở Alabama được xác định mắc viêm gan bí ẩn hoặc nhiễm adeno từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022”, ông Jay nói. Cả 9 trẻ đều có kết quả dương tính với virus adeno - loại phổ biến thường gây các triệu chứng giống cảm cúm, cảm lạnh nhẹ hoặc vấn đề dạ dày, ruột. Các bệnh nhi đến từ những khu vực khác nhau trong tiểu bang.
Trong khi đó, ngày 11/5, cơ quan y tế bang Arkansas, Mỹ, xác nhận một trẻ em tại đây đã mắc viêm gan không rõ nguyên nhân và khỏi bệnh trước khi dịch xuất hiện ở bang Alabama. Chỉ đến khi làn sóng viêm gan bắt đầu gây chú ý tại Mỹ và các nước khác, hồ sơ bệnh án của em bé này mới được chú ý.
Ông Jay nhấn mạnh tất cả trẻ mắc bệnh đều khỏe mạnh và không có bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Đến nay, thống kê mới nhất cho thấy Mỹ đã ghi nhận 115 trường hợp mắc hoặc nghi mắc tại 26 bang và Puerto Rico. 5 trẻ em đã chết vì căn bệnh này và 15 người phải ghép gan.
Thiếu dữ kiện để xác định nguyên nhân
PGS.TS Michelle M. Kelly, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Rhode Island, cho biết điều đáng lo nhất lúc này đó chính là thiếu dữ kiện để điều tra nguyên nhân gây bệnh. Song, nhìn chung, số ca mắc viêm gan ở Mỹ không có sự đột biến, không tăng so với những năm trước. Điều duy nhất khiến nó gây chú ý là các xét nghiệm không tìm thấy virus gây viêm gan thông thường như A, B, C, D, E.
Trả lời Healthline, bác sĩ nhi khoa Ilhan Shapiro tại AltaMed Health Services, lưu ý điều quan trọng nhất ở thời điểm này là phụ huynh cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu thấy dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ mắc viêm gan ở trẻ. Ông nói: “Chúng tôi đang chứng kiến những ‘đám lây nhiễm’ và không chỉ vậy, tỷ lệ trẻ cần ghép gan tăng nhanh trong thời gian ngắn, điều này rất đáng lo”.
Trong khuyến cáo mới ban hành ngày 11/5, CDC liệt kê các dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm gan bí ẩn gồm: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, phân màu sáng, đau khớp, vàng da.
Theo bác sĩ Shapiro, nguyên nhân phổ biến của viêm gan là thuốc, virus hoặc tiếp xúc một số hóa chất. Khi gan bị tổn thương, nó sẽ mất khả năng loại bỏ một số chất độc hại ra khỏi máu, bao gồm bilirubin. Kết quả là trẻ tích tụ quá nhiều chất này gây vàng da, vàng mắt. Đây cũng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất ở những người gặp vấn đề về gan. Ngoài ra, triệu chứng nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu cũng là do dư thừa bilirubin.
Các giả thuyết
Virus adeno loại 41 đang là nghi phạm đáng chú ý nhất của bệnh viêm gan bí ẩn. Theo tài liệu của Đại học Stanford, adeno là nhóm virus phổ biến, có thể gây ra nhiều bệnh như cảm lạnh thông thường hoặc triệu chứng giống cúm, sốt, viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột cấp tính. Adeno có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, song, người mắc ít khi bị bệnh nghiêm trọng. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc bệnh hô hấp hoặc tim có nguy cơ cao bị bệnh nặng do nhiễm trùng adeno.
Trong khi đó, virus adeno 40, 41 thuộc nhóm 7, còn được gọi là virus adeno đường ruột vì chúng liên quan tình trạng viêm dạ dày ruột.
Adenovirus 41 chủ yếu lây qua đường phân, miệng và là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch. Nó cũng có thể là một trong những yếu tố (không phổ biến) dẫn tới bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về mối liên quan giữa virus và chứng viêm gan nói chung.
Theo CNN, các nhà nghiên cứu của Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh phát hiện trong số 72% trong số 126 trẻ bị viêm gan dương tính với virus adeno. Song, điều khiến các bác sĩ bối rối đó chính là họ tìm thấy virus adeno trong mẫu máu nhưng không phải tất cả mô gan của bệnh nhân ở Alabama đều có virus này. Một số người cho rằng có thể adeno xuất hiện biến chủng hoàn toàn mới và đã gây bệnh nặng cho trẻ em.
Giả thuyết thứ hai là không phải bản thân adeno 41 gây ra tổn thương gan, có lẽ hệ thống miễn dịch đã phản ứng quá mức khi cố gắng chống lại virus này và kết quả vô tình gây ảnh hưởng cho gan.
Tại Anh, các nhà điều tra cũng đưa ra giả thuyết thứ 3 đó là do một số phản ứng miễn dịch bất thường. Vì giãn cách xã hội, phải ở nhà quá lâu, trẻ không được tiếp xúc với các mầm bệnh tự nhiên nên không thể tự bảo vệ trước những virus vốn không nguy hiểm.
Giả thuyết thứ 4 là mối liên hệ giữa nCoV và adeno. Tại cuộc họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/5, nhà khoa học cấp cao Phillipa Easterbrook tiết lộ họ đã có một số tiến bộ quan trọng trong cuộc điều tra bệnh viêm gan bí ẩn khi xem xét thêm yếu tố nguy cơ như đồng nhiễm nCoV. các xét nghiệm mô gan không cho thấy cơ quan này bị viêm do virus adeno.
Thử nghiệm cũng cho thấy rằng khoảng 18% trường hợp có kết quả dương tính với nCoV. Theo đại diện của WHO, trọng tâm nghiên cứu tuần tới của cơ quan này là xem xét các xét nghiệm huyết thanh học nhằm tìm kiếm các ca từng mắc Covid-19 và đánh giá mức độ phơi nhiễm với nCoV.
Ngoài ra, một báo cáo của Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh (UKHSA) cho thấy “số lượng tương đối nhiều” trẻ em (70/93 trẻ trong khảo sát) sống chung hoặc tiếp xúc với chó trước khi bị ốm. Họ đặt giả thuyết thứ 5 là mối liên hệ giữa chó và những ca viêm gan bí ẩn. Song, nhiều học giả cho rằng cách giải thích này rất khó chấp nhận.
Các nhà điều tra cũng đang thử nghiệm các loại thuốc, chất độc hoặc yếu tố môi trường để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Trong khi nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn chưa được tìm ra, các chuyên gia y tế cảnh báo phụ huynh chú ý đến những triệu chứng của bệnh viêm gan và không nên quá lo lắng, bởi tỷ lệ mắc còn rất thấp.
Virus adeno có thể lây truyền rất nhanh ở trẻ khi đến trường. Loại virus này thường không gây bệnh nặng và có thể chỉ giống cảm cúm, bệnh kéo dài vài ngày. Do đó, phụ huynh nên dạy thói quen rửa sạch tay đúng cách, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.