5 giai đoạn của giấc ngủ bạn cần biết
Biết được một chu kỳ của giấc ngủ sẽ khiến bạn có thể kiểm soát giấc ngủ của mình tốt hơn và luôn tỉnh táo khi thức dậy.
Thời lượng giấc ngủ là bao lâu sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh?
Thời lượng giấc ngủ khuyến nghị mỗi đêm của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, điển hình là tuổi tác. Chẳng hạn như:
Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ 16 tiếng mỗi ngày;
Trẻ em và thanh thiếu niên cần ngủ đủ 9 tiếng mỗi ngày;
Người trưởng thành cần ngủ đủ 7–8 tiếng mỗi ngày;
Phụ nữ đang mang thai cần ngủ nhiều hơn vài tiếng so với bình thường trong vòng 3 tháng đầu khi mang thai.
Những giai đoạn của giấc ngủ
Một giấc ngủ thông thường sẽ trải qua 5 giai đoạn: Ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ.
Các giai đoạn của giấc ngủ lại được chia thành 2 nhóm: Giấc ngủ REM (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh) và giấc ngủ NREM/Non-REM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh).
Trong đó, giấc ngủ NREM gồm giai đoạn ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu và ngủ rất sâu. Còn giấc ngủ REM chỉ bao gồm giai đoạn ngủ mơ.
Giai đoạn ru ngủ
Đây là giai đoạn mà bạn chuẩn bị bước vào giấc ngủ. Giai đoạn ru ngủ thường diễn ra trong khoảng 3 đến 15 phút. Trong giai đoạn này, cơ thể bạn sẽ chuyển dần sang giai đoạn ngủ nông, do đó bạn sẽ dễ dàng bị đánh thức.
Những người bị thức giấc ở giai đoạn này thường có những biểu hiện như bị co giật đột ngột, có cảm giác mình đang bị rơi hoặc nhớ những hình ảnh không rõ ràng,...
Đó chính là hiện tượng hypnic myoclonia, xảy ra tương tự như việc bạn bị giật mình khi đang tập trung suy nghĩ thì có người khác vỗ vào vai bạn.
Giai đoạn ngủ nông
Giai đoạn ngủ nông là giai đoạn chiếm đến khoảng 50% trên tổng thời gian ngủ của một người. Ở giai đoạn ngủ nông này, mắt bạn ngừng chuyển động và bộ não cũng bắt đầu hoạt động chậm hơn so với bình thường.
Đồng thời lúc này, bên trong bộ não cũng thỉnh thoảng xảy ra các đợt sóng nhanh, gọi là sleep spindle. Những đợt sóng nhanh này sẽ thưa dần khi chuyển tiếp sang giai đoạn ngủ tiếp theo.
Giai đoạn ngủ sâu
Giai đoạn này chiếm tỉ lệ khá ít trong tổng thời gian ngủ, chỉ khoảng dưới 10%. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai giai đoạn ngủ nông và ngủ rất sâu.
Sóng não sẽ diễn ra rất chậm trong giai đoạn này, và thỉnh thoảng được xen kẽ bởi những đợt sóng nhanh. Ngoài ra, khi cơ thể bạn đang ở trong giai đoạn ngủ sâu, nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của cơ thể đều giảm, đồng thời các hệ thống cơ xương khớp cũng giãn ra hơn so với thông thường.
Giai đoạn ngủ rất sâu
Ngủ rất sâu là giai đoạn quan trọng trong giấc ngủ của bạn chiếm khoảng 20% trên tổng thời gian ngủ. Bởi đây là lúc cơ thể bạn sẽ được nghỉ ngơi gần như hoàn toàn.
Nhiệt độ của cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và cả huyết áp đều giảm xuống mức thấp nhất ở giai đoạn này. Mắt và các cơ tay, cơ chân sẽ hoàn toàn không có sự chuyển động. Và sóng trong bộ não của bạn lúc này hầu hết sẽ là sóng chậm theta, tức là các đợt hoạt động điện sẽ được tạo ra liên tục trong bộ não của bạn.
Nếu bị giật mình thức giấc trong giai đoạn ngủ sâu này, bạn thường sẽ có cảm giác mất phương hướng. Sau đó một vài phút, bộ não mới trở lại hoạt động như bình thường.
Giai đoạn ngủ mơ
Khác với các giai đoạn trước, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của bạn sẽ đều tăng lên, mặc dù bạn đang ngủ và cơ chân, cơ tay tạm thời không hoạt động.
Đây cũng là giai đoạn mà những giấc mơ thường xuất hiện. Và nếu bạn bất chợt thức giấc ở giai đoạn này, bạn sẽ thường nhớ lại những câu chuyện dường như vô lý trong chính những giấc mơ vừa xảy ra với bạn.
Cuối giai đoạn ngủ mơ, cơ thể thường sẽ thức giấc tạm thời một vài phút, sau đó lại tiếp tục lặp lại các giai đoạn của giấc ngủ đến sáng.