5 giai đoạn cực kỳ buồn đau xa xót khi người thân đột ngột ra đi
Tai nạn, dịch bệnh... trong cuộc sống khiến nhiều người thân ra đi, để lại cho người thân sự mất mát, cô đơn, đau khổ tận cùng với những cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể dẫn tới nguy cơ rối loạn trầm cảm, suy sụp...
Đau thương trước cái chết của người thân
Chồng chị Lê Thị An (Hà Nam) bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông khi mới 42 tuổi, nỗi đau đột ngột khiến cả nhà bàng hoàng, đau xót. Bản thân chị An cũng không biết bao giờ mới vượt qua được nỗi xót xa này. Suốt tang lễ chị đau lòng và khóc tới ngất lịm, cõi lòng chết lặng đến mức không còn cảm giác gì, thẫn thờ như người mất hồn...
Con trai chị Hoài (Hải Phòng) đột ngột ra đi. Chị vật vã, xót xa cả năm trời vì thương nhớ con. Trên facebook cá nhân chị đếm từng ngày "lá vàng khóc lá xanh", chụp ảnh từng cái áo ngày bé con thích mặc, từng món ăn con ưa thích… Con dâu, con gái biết chị quá thương xót con trai nên lo mẹ cô đơn, mẹ ốm nên đã đưa các cháu về ở cùng bà mấy tháng để chị sớm nguôi ngoai.
Rồi các con thu xếp cho chị đi du lịch, đi chơi với các hội nhóm… nên tới giỗ đầu của con trai chị Hoài đã khỏe mạnh vui vẻ lại.
Chuyên gia tâm lý Thúy Trinh (BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh) chia sẻ về một người cha có con trai bị ô tô tông chết, 20 năm qua ông luôn nghĩ về con và vẫn sốc. Ông đã vượt qua nỗi đau bằng cách thay đổi và vụt sáng bằng một một bức thư cảm động viết cho con trai và được đăng báo. Bức thư nói về những kỷ niệm hai cha con đã từng có với nhau và cảm ơn con đã đến bên cuộc đời ba mẹ. Con trai ông đã làm được nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng: Mắt con đã đem đến ánh sáng cho người không nhìn thấy, phổi của con vấn sống trong một cơ thể khác".
Nhờ vậy mà ông đã tìm thấy sức mạnh để tiếp tục sống, quyết định cách tốt nhất để tưởng nhớ con trai là phải sống một cuộc sống hạnh phúc - chắc chắn đó là điều con ông muốn.
Đàn ông, đàn bà, nam nữ, già trẻ... ai cũng bị ảnh hưởng bởi nỗi đau mất mát người thân, nhất là những cái chết đột ngột... Nỗi đau phá vỡ cảm giác an toàn, khiến ta rơi vào sốc, hỗn loạn và tuyệt vọng, cơ thể rung lên với câu hỏi: "Tại sao?", hoặc "Đó không thể là sự thật!".
Buồn nào hơn nỗi buồn sinh ly tử biệt, từ khi nghe tin dữ, dán tờ cáo phó thì thời gian như ngừng trôi, đau khổ cùng cực mà không thể chối bỏ, và dù mỗi người một số phận thì cuộc sống của ta thay đổi mãi mãi. Không ai hồi phục hoàn toàn sau cái chết của người thân, tất cả đều bị ảnh hưởng vì sự mất mát.
5 giai đoạn đau buồn tâm lý
Theo chuyên gia Tuệ An (CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hạnh phúc), thường sẽ xảy ra 5 giai đoạn diễn tiến tâm lý đau buồn có thể xảy ra khi mất người thân như sau:
1. Phủ nhận: Khi nhận tin dữ có người thường phủ nhận sự thật, "chết lặng" vì sốc, sau đó là gặm nhấm nỗi đau, thích ở một mình với nỗi buồn xa xót.
Có người lui vào sống cô độc, buồn bã.
Có người cố tình làm thật nhiều việc để luôn bận rộn, hoặc làm bất cứ việc gì có thể để cố gắng đi qua nỗi đau tuyệt vọng vì người thân đã mất.
2. Tức giận, đổ lỗi: Một số người đau đớn quá thì trút tức giận vào mọi người xung quanh (như bạn bè, vợ chồng, họ hàng, bác sĩ…), thậm chí tức giận với chính bản thân, giận dữ với người quá cố vì đã bỏ rơi mình. Cảm giác đổ lỗi có thể giúp bạn nguôi ngoai, hoặc dễ chịu một lúc, nhưng nỗi đau sẽ trở lại.
3. Hay hứa hẹn: Vì muốn giảm bớt nỗi đau mất mát nên bạn hay hứa hẹn như: "sẽ trở thành một người tốt hơn" hay "sẽ trân trọng những ký ức về anh ấy/ cô ấy". Nhưng các nhà tâm linh khuyên không nên hứa hẹn gì trong lúc đau buồn vì tuy có làm dịu nỗi đau, lấy lại bình tĩnh một chút, nhưng sẽ rất khó giữ và thực hiện lời hứa đó.
4. Mắc kẹt cảm xúc dẫn tới trầm cảm: Nỗi đau đớn về cái chết của người thân bao trùm lên cuộc sống có thể đẩy bạn gục ngã vì những cảm xúc sâu thẳm mắc kẹt cùng các cảm xúc tiêu cực, khiến mọi thứ vô nghĩa, kiệt sức, trầm cảm, buồn bã và làm bạn khổ sở, thậm chí dẫn tới tình trạng ăn quá nhiều hoặc quá ít, ngủ quá nhiều hay quá ít, thích ở một mình và sống cô lập… và thường gia tăng như một kiểu tự hủy hoại bản thân.
5. Phải tiếp tục sống: Qua 4 giai đoạn trên thì bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi, bạn sẽ phải tiếp tục sống và dần tìm thấy sự bình yên trở lại. Đôi khi bạn mơ về người mất, hay độc thoại với mình, hoặc đi tìm những mối quan hệ mới... nhưng trong ký ức bạn đã cảm thấy dễ chịu hơn.
Mỗi người sẽ tự vượt qua biến cố, khủng hoảng khác nhau, có người chỉ vài ngày, vài tuần, vài tháng là giảm bớt nỗi bi thương, nhưng có người mất nhiều năm trời vẫn đau xót... tùy tính cách từng người, kinh nghiệm sống, niềm tin tôn giáo… mà mỗi người đi qua các giai đoạn đau buồn tuy có khác nhau, nhưng không ai hồi phục hoàn toàn - nhất là những cái chết đột ngột.