Thuốc dùng trong điều trị Hội chứng Sjogren

Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn chủ yếu ảnh hưởng đến mắt và tuyến nước bọt, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Hiện nay không có cách chữa khỏi Hội chứng Sjogren, nhưng có thể được kiểm soát tình trạng này bằng nhiều cách...

Hội chứng Sjogren ảnh hưởng nhiều hơn đến những người đồng thời mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì và lupus. Ở một số ít bệnh nhân, Hội chứng Sjogren cũng có thể ảnh hưởng đến mạch máu và các cơ quan nội tạng như phổi và thận.

Tùy từng trường hợp mà có thể lựa chọn các thuốc điều trị dưới đây:

1. Các thuốc dùng trong điều trị Hội chứng Sjogren

1.1. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Tác dụng: Đây thường là liệu pháp điều trị đầu tay được sử dụng trong Hội chứng Sjogren. Thuốc làm giảm sản xuất prostaglandin thúc đẩy tình trạng viêm và đau, bao gồm các loại thuốc không kê đơn phổ biến như aspirin, ibuprofen và naproxen...

Tác dụng phụ phổ biến nhất của NSAID là đau dạ dày. Dùng liều cao trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ợ nóng, chảy máu đường tiêu hóa, tăng huyết áp, bệnh thận và bệnh tim.

Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn chủ yếu ảnh hưởng đến mắt và tuyến nước bọt.

Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn chủ yếu ảnh hưởng đến mắt và tuyến nước bọt.

1.2. Thuốc chống co giật

Tác dụng: Nếu bị đau cơ xơ hóa, bác sĩ có thể điều trị cơn đau mạn tính, lan rộng bằng thuốc chống co giật, chẳng hạn như pregabalin. Thuốc có tác dụng làm dịu các tế bào thần kinh hoạt động quá mức gửi tín hiệu đau khắp cơ thể.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, đau đầu, tăng cân, khô miệng, run cơ, phù ngoại vi...

1.3. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI)

Tác dụng: Thuốc giúp tăng nồng độ của hai chất dẫn truyền thần kinh serotonin và epinephrine trong não, có tác dụng làm giảm tín hiệu đau. Các thuốc bao gồm: Duloxetine, desvenlafaxine, levomilnacipran, venlafaxine, vortioxetine.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây khô miệng, chóng mặt, đau đầu, đổ mồ hôi quá nhiều...

1.4. Corticosteroid

Tác dụng: Corticosteroid có tác dụng nhanh và hiệu quả trong việc ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng của Hội chứng Sjogren. Sử dụng thuốc trong thời gian ngắn (đến một tháng) trước khi giảm hoàn toàn, nhưng đôi khi cần phải sử dụng trong thời gian dài (hơn một tháng), bắt đầu ở liều cao và giảm xuống liều duy trì thấp hơn. Các thuốc bao gồm prednisone, methylprednisolone.

Tác dụng phụ: Corticosteroid có nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn từ nhẹ đến nghiêm trọng như đục thủy tinh thể, loãng xương, tăng cân, tăng huyết áp, đái tháo đường...

1.5. Thuốc chống thấp khớp làm thay đổi bệnh (DMARD)

Tác dụng: DMARD thay đổi cách hệ thống miễn dịch hoạt động, điều chỉnh các phản ứng miễn dịch bất thường, giảm tình trạng viêm. Không giống như corticosteroid, thuốc này không tạo ra hiệu ứng ngay lập tức mà cần thời gian để tác động đến các triệu chứng và trước khi bệnh nhân cảm thấy sự khác biệt.

- Hydroxychloroquine: Là thuốc DMARD được kê đơn phổ biến nhất, như liệu pháp ban đầu và dài hạn trong Hội chứng Sjogren. Thuốc được coi là rất an toàn và hiệu quả, ngay cả đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh. Có thể mất tới 12 tuần để nhận thấy tác dụng của hydroxychloroquine.

Tác dụng phụ hiếm gặp có thể là tổn thương võng mạc. Do đó, liều lượng phù hợp nhất cho từng cá nhân nên được cân nhắc cẩn thận cùng với việc theo dõi thường xuyên của bác sĩ chuyên khoa mắt.

- Methotrexate: Nếu đau khớp nghiêm trọng và không đáp ứng với hydroxychloroquine, bác sĩ có thể kê đơn methotrexate. Thuốc được dung nạp tốt nhưng cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

Tác dụng phụ có thể là tổn thương gan. Thuốc không nên dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai.

Nếu Hội chứng Sjogren nghiêm trọng ảnh hưởng đến các cơ quan chính khác như phổi, não hoặc thận, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn để ức chế phản ứng miễn dịch, bao gồm cyclophosphamide, rituximab và azathioprine. Việc dùng các loại thuốc này cần được theo dõi chặt chẽ vì các tác dụng phụ tiềm ẩn, như giảm số lượng tế bào máu, bất thường ở thận, gan và nhiễm trùng.

1.6. Thuốc chủ vận cholinergic

Tác dụng: Thuốc giúp kích thích tiết dịch trong cơ thể, giảm tình trạng khô mắt và khô miệng. Các thuốc bao gồm: Cevimeline, pilocarpine hydrochloride.

Lưu ý: Sau khoảng hai tuần, người bệnh thường bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Những người bị tăng nhãn áp, nên trao đổi với bác sĩ nhãn khoa trước khi dùng cevimeline. Nếu các thuốc này không giúp giảm khô mắt, có thể trao đổi với bác sĩ nhãn khoa về nút chặn điểm lệ (một nút chặn nhỏ được đặt vào ống dẫn nước mắt để chặn dòng nước mắt chảy ra và tăng độ bôi trơn trong mắt). Đặt nút chặn là một thủ thuật không đau, chỉ mất vài phút, được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ nhãn khoa.

Một số người mắc Hội chứng Sjogren bị nhiễm nấm men ở miệng.

Một số người mắc Hội chứng Sjogren bị nhiễm nấm men ở miệng.

1.7. Thuốc chống nấm

Tác dụng: Một số người mắc Hội chứng Sjogren bị nhiễm nấm men ở miệng (còn gọi là bệnh tưa miệng). Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm fluconazole, clotrimazole, itraconazole hoặc nước súc miệng.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu chóng mặt, thậm chí giảm bạch cầu, tăng mỡ máu…

2. Điều trị không dùng thuốc

Đối với hầu hết những người mắc Hội chứng Sjogren, điều trị khô mắt và khô miệng là đủ.

- Để làm giảm tình trạng khô mắt: Sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc bôi trơn mắt hoặc cả hai giúp làm giảm cảm giác khó chịu. Do đặc hơn nên thuốc bôi trơn mắt có thể làm mờ mắt và đọng lại trên lông mi, chỉ sử dụng thuốc qua đêm.

- Tăng độ ẩm trong nhà và giảm tiếp xúc với luồng không khí thổi giúp mắt và miệng không bị khô. Đeo kính bảo hộ hoặc kính bảo vệ mắt khi ra ngoài trời.

- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể gây kích ứng và làm khô miệng.

- Tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể: Uống từng ngụm chất lỏng, đặc biệt là nước lọc, trong suốt cả ngày.

- Kích thích lưu lượng nước bọt: Kẹo cao su không đường hoặc kẹo cứng có hương cam quýt có thể thúc đẩy lưu lượng nước bọt.

- Dùng nước bọt nhân tạo: Các sản phẩm thay thế nước bọt thường có hiệu quả hơn nước lọc vì chúng chứa chất bôi trơn giúp miệng ẩm lâu hơn. Các sản phẩm này có dạng xịt hoặc viên ngậm.

- Sử dụng bình xịt nước muối sinh lý, giúp dưỡng ẩm và làm thông các hốc mũi, giúp thở dễ dàng bằng mũi. Mũi khô và nghẹt làm tăng tình trạng thở bằng miệng, gây khô miệng.

- Khô miệng làm tăng nguy cơ sâu răng và mất răng. Vì vậy cần đánh răng và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn, khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.

Ngoài ra, nên sử dụng các phương pháp điều trị bằng fluoride tại chỗ hàng ngày và nước súc miệng kháng khuẩn.

3. Lưu ý khi điều trị

Để điều trị Hội chứng Sjogren an toàn, hiệu quả, cần tuân thủ:

- Không tự ý điều trị bệnh khi chưa được bác sĩ thăm khám.

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Tái khám theo chỉ dẫn.

- Trong thời gian điều trị nếu có bất thường cần báo cho bác sĩ để được kịp thời xử trí.

Khô mắt : Nguyên nhân và cách phòng ngừa.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dung-trong-dieu-tri-hoi-chung-sjogren-169241118091226913.htm