5 giải pháp để bình đẳng giới trong doanh nghiệp
Với tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Dự án Investing in Women, Nhóm chuyên gia của Economica đã thực hiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn về vấn đề này trong Sửa đổi BLLĐ của Việt Nam với 5 giải pháp cụ thể.
Chính phủ Việt Nam đang tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012. Theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới, cần báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã đồng ý hỗ trợ kỹ thuật cho Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với UN Women nhằm thúc đẩy các nguyên tắc và chính sách bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi BLLĐ.
Thứ nhất, bất cập về bình đẳng giới tại Luật Lao động 2012. Về cơ bản, BLLĐ năm 2012 đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nam và nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, Báo cáo tổng kết thi hành BLLĐ năm 2012 cũng đã khái quát một số hạn chế: Việc BLLĐ chứa đựng nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho lao động nữ so với lao động nam, làm xuất hiện tình trạng DN hạn chế sử dụng lao động nữ vì làm tăng chi phí DN do phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ hoặc tìm kiếm người lao động thay thế trong thời gian nghỉ thai sản.
Quy định về tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo chưa được thực hiện nghiêm túc làm ảnh hưởng đến sự chuyên tâm lao động của người lao động nữ; còn những quy định hạn chế quyền làm việc của lao động nữ trong một số công việc dù là với mục đích bảo vệ sức khỏe sinh sản, nuôi con của lao động nữ nhưng trên thực tế quy định này làm ảnh hưởng tiêu cực tới cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động có gia đình….
Dự kiến Hội thảo tham vấn "Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động" sẽ diễn ra vào ngày 19/10/2018 với nhiều nội dung sẽ được đề cập để thúc đẩy việc bình đẳng giới.
Một số khái niệm quan trọng trong BLLĐ năm 2012, chưa được định nghĩa cụ thể, rõ ràng , thiếu quy định về chính sách của nhà nước trong lĩnh vực liên quan để đảm bảo tính khả thi trong thực tế, trong đó khái niệm quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc là nội dung cần cụ thể hóa được đề cập đến trong nhiều góp ý của các cơ quan, tổ chức cùng với kiến nghị về việc phải hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống QRTD tại nơi làm việc.
Thứ hai, Tờ trình của Chính phủ về Đề nghị xây dựng BLLĐ (sửa đổi) trình Quốc hội khóa 14, kỳ họp tháng 5/2018, xác định Mục tiêu xây dựng các chính sách trong BLLĐ (sửa đổi). Xác định quan điểm của Chính phủ về phạm vi, mục tiêu và giải pháp hoàn thiện các chính sách bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới nhằm khắc phục các bất cập giới trong bối cảnh mới.
Thứ ba, các giải pháp chính sách được đề xuất: Một là, người lao động có quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuôi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH.
Hai là, người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ với điều kiện được thông tin đầy đủ về các công việc đó. Giải pháp dựa trên đánh giá tác động về xã hội, kinh tế, Nhà nước, BHXH… về tổng thể Đề xuất chính sách này tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho người lao động và BHXH trong khi Nhà nước và DN chịu chi phí kinh tế khá nhỏ.
Ba là, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được khuyến khích tham gia tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động. Chi phí của NSDLĐ khi thực hiện các biện pháp này và các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới khác được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế. Những chi phí của DN hỗ trợ cho xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động được tính là chi phí hợp lý trong sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp này dựa trên rất nhiều đánh gia tác động, trong đócó tác động về xã hội, giải pháp này khuyến khích DN tích cực hỗ trợ người lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thông qua việc Nhà nước giảm thuế theo các chi phí mà DN đã chi cho việc này, bảo đảm quyền lợi của DN khi thực hiện các chính sách này đồng thời cũng thể hiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và NSDLĐ trong việc hỗ trợ lao động chăm sóc con nhỏ, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với DN… DN được giảm thuế thu nhập trên số chi phí giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động;
Thứ tư,Nhà nước có trách nhiệm, lập kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo ở nơi có nhiều người lao động với quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Để thực hiện, Nhà nước, trước hết là Chính phủ và các UBND phải có kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non tại các vùng có nhiều người lao động để bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non theo Luật Giáo dục 2006, sửa đổi 2009. Phù hợp với Luật Trẻ em 2016, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, ngành và địa phương phải đưa các mục tiêu về trẻ em thành những nội dung bắt buộc và dự kiến nguồn lực tương ứng, trong đó có kinh phí xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo… nhằm thu hút đầu tư.
Thứ năm, hoàn thiện khái niệm quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc, bổ sung, hoàn thiện các quy định, định nghĩa về “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” tại Điều 3 về Giải thích từ ngữ;... Làm rõ chủ thể thực hiện hành vi quấy rối và chủ thể bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong đó, nhận thức rõ nam giới và nữ giới đều có thể là nạn nhân hay thủ phạm của hành vi quấy rối; thủ phạm và nạn nhân có thể là khác giới hoặc cùng giới.
Cần có quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc sau khi tham vấn và được sự chấp thuận của người lao động.
Quy định các biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục hậu quả, trong đó làm rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức đại diện người lao động.
Việc chi tiết hóa sẽ do Chính phủ thực hiện với những tham vấn từ đại diện giới chủ (VCCI) và đại diện người lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam).
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/5-giai-phap-de-binh-dang-gioi-trong-doanh-nghiep-327658.html