5 giải pháp quyết liệt trong cải cách hành chính

Nâng cao chất lượng của nền hành chính đi liền với cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao văn hóa công vụ.

Sáng 25-5, Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và chỉ số CCHC năm 2021.

 Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (trái) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại hội nghị sáng 25-5. Ảnh: NGUYỆT THU

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (trái) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại hội nghị sáng 25-5. Ảnh: NGUYỆT THU

Làm nhanh, giao ngay lại sợ nghi ngờ

Tại hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã có phát biểu rất đáng chú ý. Dù tự nhận xét Bạc Liêu là tỉnh có chỉ số CCHC cũng như chỉ số hài lòng của người dân ở mức không cao nhưng bà Vân nêu thực tế giải quyết xong hồ sơ trong thời gian ngắn nhiều khi cũng bị đặt vấn đề “sao nhanh vậy”. Bà Vân dẫn chứng có trường hợp cán bộ Sở Tư pháp giải quyết xong thủ tục đăng ký kết hôn nước ngoài nhưng... không dám trả ngay cho đương sự, vì lo ngại đưa sớm liệu có bị nghi vấn là vòi vĩnh để đưa sớm hay không.

Ở khía cạnh khác, theo phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, đụng tới vấn đề đất đai, đấu giá, giao đất... thì càng làm nhanh, tính nguy hiểm càng cao. Bà cũng cho rằng mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và giải quyết thủ tục hành chính đang là một câu chuyện đòi hỏi nhiều ở bản lĩnh của cán bộ.

“Thành tích hôm nay có thể gây hậu quả hôm sau. Do vậy chúng ta phải làm rõ điều này và bảo vệ cán bộ thì cán bộ mới mạnh dạn CCHC” - vẫn lời bà Vân.

Ngoài ra, phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng lưu ý trong CCHC sắp tới, cấp xã mới là nơi đụng đến người dân nhiều nhất, người dân không hài lòng nhiều nhất, cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn chủ yếu cũng ở đó. “Khi CCHC phải lưu ý chất lượng cán bộ cấp xã” - bà Vân đề xuất.

“Bồi dưỡng cán bộ là bồi dưỡng kỹ năng. Khi không biết cũng trở thành nhũng nhiễu chứ không phải cứ vòi tiền mới là nhũng nhiễu. Không hiểu biết pháp luật, đọc quy định mà hiểu sai cũng là nhũng nhiễu... Nhũng nhiễu này gây mất thời gian nhất, mà mất thời gian là mất tiền, mất cơ hội” - bà Vân nói và cho rằng chúng ta thường ít đánh giá việc này, “chỉ xét và xử lý khía cạnh nhũng nhiễu tiền mà không xử lý việc cán bộ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu những lớp bồi dưỡng thực chất như thế”.

Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, bà Vân nhắc tới việc “thiếu trầm trọng dữ liệu” và trầm trọng nữa là “dữ liệu của ai người đó cất vào tủ”, không cho người khác sử dụng.

Theo phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, CCHC là một trong những nội dung quan trọng, thường xuyên, liên tục, phải nhận thức, xác định CCHC luôn là khâu khởi điểm không có kết thúc. “Nếu chúng ta cho rằng nó là kết thúc thì năm sau sẽ tụt hạng. Lúc nào cũng phải nghĩ mình đang bắt đầu vào đường chạy, phải có đầy đủ sức khỏe để tham gia cuộc đua này, để từ đó chúng ta CCHC, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ hài lòng của người dân. Nếu ba việc này không dính vào nhau thì không đạt được hiệu quả thực chất” - bà Vân kết luận.

Tới đây phải chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao văn hóa công vụ để phát huy được trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cải cách hành chính: Không ngừng

“Thời gian tới, chúng ta phải xác định còn rất nhiều việc phải làm cho việc thực hiện CCHC” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói bên hành lang hội nghị.

Trao đổi về những giải pháp để đẩy mạnh công tác CCHC và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bà Trà sau đó lưu ý năm nội dung. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc tập trung một cách đồng bộ, quyết liệt cho cải cách thể chế, chính sách để tháo gỡ mọi rào cản; tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội nhanh nhất.

Cạnh đó, tiếp tục tập trung cao cho cải cách thủ tục hành chính, nhất là phát huy hơn nữa dịch vụ công trực tuyến để đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

“Hơn lúc nào hết, chúng ta phải xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với việc phát huy cao hơn nữa chất lượng của nền hành chính trong yêu cầu mới” - bà Trà nói và cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng phải quan tâm, chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao văn hóa công vụ để phát huy được trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhiệm vụ cuối cùng, rất cấp bách và quan trọng hiện nay là tập trung cao cho việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thật mạnh mẽ, thật đồng bộ, thật toàn diện từ trung ương đến cấp cơ sở.

“Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực cải cách nền hành chính quốc gia, thông qua đó thúc đẩy chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số...” - bà Trà nói.•

Bộ Tư pháp và Hải Phòng đứng đầu về cải cách hành chính năm 2021

Kết quả chỉ số CCHC 2021 các bộ, ngành có ba nhóm điểm. Nhóm có kết quả trên 90% gồm ba đơn vị: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhóm có kết quả từ trên 80% đến dưới 90% có 13 bộ gồm: Nội vụ, Ngoại giao, TN&MT, LĐ-TB&XH, Xây dựng, TT&TT, GTVT, NN&PTNT, KH&ĐT, Công Thương, VH-TT&DL, Y tế và GD&ĐT.

Nhóm có kết quả dưới 80% có một đơn vị là Bộ KH&CN với giá trị chỉ số CCHC là 78,72%.

Tương tự, kết quả chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành cũng được phân theo ba nhóm. Nhóm A đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm ba tỉnh, thành: Hải Phòng (91,8%), Quảng Ninh (91,14%), Đà Nẵng (90,25%). Nhóm B có 59 tỉnh, thành đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%.

Nhóm C có tỉnh Kiên Giang với kết quả chỉ số CCHC đạt 79,97%.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-giai-phap-quyet-liet-trong-cai-cach-hanh-chinh-post681726.html