5 hình thức đi lao động ở nước ngoài hợp pháp

'Người dân có kế hoạch đi lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có visa, giấy phép lao động, có mức lương, có thỏa thuận', đây là khuyến cáo được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019 vừa diễn ra.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những người đi lao động nước ngoài hợp pháp qua 5 hình thức: Thứ nhất, qua các doanh nghiệp (DN) Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH cấp phép; Thứ hai, hợp tác với DN, tập đoàn, Cty của 32 nước có hợp tác; Thứ ba, đi theo dạng cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn đăng ký qua Sở LĐ-TB&XH, cơ quan quản lý người lao động ở nước ngoài; Thứ tư là hợp tác đào tạo liên kết giữa 2 bên cấp phép; Thứ năm, gần đây Chính phủ cho phép trao đổi lao động hợp tác giữa các địa phương ở 2 quốc gia trong thời hạn ngắn hạn, ví dụ như hợp tác Việt-Nhật, Việt-Hàn hay lao động du lịch làm thêm tại Cộng hòa Czech.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: “Người dân không nên đi lao động nước ngoài theo đường bất hợp pháp hay qua các DN không được cấp phép”. Ảnh Vietnamnet.vn

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: “Người dân không nên đi lao động nước ngoài theo đường bất hợp pháp hay qua các DN không được cấp phép”. Ảnh Vietnamnet.vn

Bộ trưởng cho biết, hiện có gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, mỗi năm đưa trên 100.000 người đi lao động tại các nước, cao nhất năm 2018 là 143.000 lao động, chủ yếu 4 địa bàn: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia. Riêng châu Âu ký hợp tác với 2 quốc gia. Thứ nhất là Romania, năm 2018 và đầu năm 2019 đã đưa được 3.000 người sang làm việc. Thứ hai là CHLB Đức, gần đây đã ký hợp tác lao động nhưng chưa ký toàn diện, chủ yếu đưa điều dưỡng viên lao động ở Đức (1.066 người).

“Tôi đã vào nơi các lao động làm việc, kiểm tra nơi ăn ở, nói chung là cuộc sống tốt, mức thu nhập 2.600 EUR/tháng. Sau đó, tôi trao đổi thêm với tổ chức ở đây thì dự kiến mức lương sẽ được nâng lên khoảng 3.000 EUR/tháng/1 người…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, về quản lý lao động ngoài nước, có hai việc khác nhau: Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài. “Hiện nay, có hiện tượng DN không có chức năng, mượn phép, liên doanh, liên kết trá hình đưa lao động đi, hoặc không được cấp giấy phép nhưng làm “cò mồi”, làm “chui” đưa người đi nước ngoài. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo phối hợp xử lý nhiều. Có DN trái phép phải chuyển CQĐT xử lý.

Với gần 400 DN kinh doanh có điều kiện, vừa qua Bộ tiến hành thanh, kiểm tra 118 DN, thực hiện thu hồi, đình chỉ hoặc cấm vĩnh viễn một số DN vi phạm, kể cả DN truyền thống, bề dày hoạt động 25 năm nay. Với Nhật, Hàn Quốc, các bên đã thống nhất, nếu DN nào vi phạm, ở cả 2 đầu tiếp nhận và cử người đi đều bị xử lý”, Bộ trưởng cho biết.

Riêng tổ chức lao động ở nước ngoài thực hiện theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng. Các quốc gia đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam. Việc đưa người lao động đi nước ngoài, cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng DN, người được DN đưa đi đều được cấp visa, có chính sách bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội, có giấy phép lao động, có mức lương, có thỏa thuận. Cơ quan chức năng cũng hỗ trợ đứng ra thỏa thuận với các nước đến về lương, thuế phải nộp…

“Bộ LĐ-TB&XH có công khai tên, danh sách các đơn vị được phép. Do đó, người dân không nên đi theo đường bất hợp pháp hay qua các DN không được cấp phép…”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khuyến cáo.

Thanh Hải- Minh Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/5-hinh-thuc-di-lao-dong-o-nuoc-ngoai-hop-phap-168934.html