5 huyệt vị giúp cải thiện táo bón hiệu quả
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân khô, cứng đi kèm với cảm giác đau và cứng... Một số huyệt vị có tác dụng cải thiện tình trạng táo bón rất hiệu quả.
1. Táo bón – Biểu hiện và biến chứng
Táo bón là triệu chứng của rối loạn vận động đại tràng, dẫn đến tình trạng đi phân khô, cứng kèm với cảm giác đau khi đại tiện, số lần đại tiện dưới 3 lần/tuần.
Triệu chứng táo bón có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Bệnh kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm sinh lý của người bệnh, dẫn đến một số biến chứng như rò, sa trực tràng, trĩ, chảy máu trực tràng và có thể gây thiếu máu…
Dấu hiệu nhận biết táo bón thường như sau: Phân rắn và số lần đại tiện giảm, thời gian đại tiện kéo dài; bụng có thể chướng hơi...
Táo bón có bệnh danh trong Y học cổ truyền là tiện bí, chia thành 5 thể theo nguyên nhân: Do vị trường thực nhiệt, can tỳ khí trệ, tỳ phế khí hư, tỳ thận dương hư, huyết hư âm khuy.
Theo lý luận Y học cổ truyền cho rằng đại tiện bí thường do người nguyên khí bạc nhược, khí bất túc.
2. Một số huyệt vị cải thiện tình trạng táo bón
2.1. Huyệt thiên khu
- Vị trí huyệt: Huyệt đạo nằm ở vùng bụng. Nằm ngửa trên mặt phẳng để xác định huyệt. Đo từ rốn sang hai bên khoảng 2 thốn (1 thốn bằng độ dài đốt giữa ngón tay trỏ) sẽ tìm được huyệt đạo này. Hoặc xác định từ rốn thẳng ngang sang hai bên, cạnh bờ ngoài cơ thẳng bụng hai bên.
Huyệt thiên khu là một trong 36 huyệt vị quan trọng. Thiên có nghĩa là trời, khu có nghĩa là nơi. Tên huyệt mang ý nghĩa đây là nơi tiếp nhận nguồn năng lượng kinh khí dồi dào nhất.
- Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
- Tác dụng: Day ấn huyệt thiên khu giúp cải thiện bệnh lý đường ruột, kích thích nhu động ruột, giảm đau bụng do đầy hơi, cải thiện tình trạng khó tiêu...
2.2. Huyệt trung quản
- Vị trí huyệt: Huyệt đạo khá dễ xác định trên cơ thể. Người bệnh nên nằm ngửa trên mặt phẳng, lấy giao điểm của đường giữa rốn và đường thẳng ngang đi qua bờ dưới sườn, đó chính là vị trí huyệt trung quản.
Huyệt trung quản là vị trí huyệt hội của mạch nhâm với ba kinh dương ở chân. Huyệt thuộc mạch nhâm, đường kinh chạy giữa dọc trước cơ thể, đóng vai trò vận hành khí huyết ở phần âm của cơ thể.
- Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
- Tác dụng: Day ấn huyệt trung quản hành khí hoạt huyết, hỗ trợ co bóp, tăng tiết dịch ruột, làm mềm phân, hạn chế tình trạng táo bón hiệu quả.
2.3. Huyệt túc tam lý
- Vị trí huyệt: Ngồi trên ghế, đặt lòng bàn chân chạm đất. Sau đó xác định chỗ lõm phía ngoài tại khớp gối bằng cách dùng ngón tay ấn nhẹ. Từ vị trí lõm đó, đo xuống 3 thốn chính là điểm huyệt đạo cần tìm.
Huyệt túc tam lý có công dụng điều hòa khí huyết khắp cơ thể, tăng sinh khí, nguyên khí và nuôi dưỡng huyết. Là huyệt được ứng dụng rất nhiều trong việc điều trị bệnh trên lâm sàng, được ví như huyệt để tăng cường sức khỏe của cơ thể.
- Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
- Tác dụng: Tác động huyệt túc tam lý giúp cân bằng hệ thống tiêu hóa, nhuận trường trong khung đại tràng, tăng co bóp cơ trơn ở đường ruột; rất hiệu quả đối với bệnh nhân táo bón cấp tính hoặc táo bón mạn tính lâu năm. Ngoài ra, huyệt giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể, hạn chế việc tà khí xâm phạm gây chứng tiện bí.
2.4. Tam âm giao
- Vị trí huyệt: Chính giữa mắt cá chân trong, đo thẳng lên 3 thốn, cách bờ sau xương chày 1 khoát ngón tay (bề ngang ngón tay trỏ).
Huyệt hội của ba kinh âm (kinh can, thận, tỳ). Bởi huyệt là nơi đi qua của ba đường kinh âm, nên sẽ tác động lên cả ba tạng can, tạng thận, tạng tỳ, dưỡng phần huyết, phần âm trong cơ thể.
- Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
- Tác dụng: Tam âm giao có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị táo bón, nhuận tràng, tăng cường lượng dịch trong ruột, hỗ trợ làm mềm khuôn phân, cải thiện bệnh tình hiệu quả... Đặc biệt với bệnh nhân mắc bệnh đã lâu năm.
Lưu ý: Không day bấm huyệt với phụ nữ có thai.
2.5. Huyệt thái khê
- Vị trí huyệt: Phần lõm của bờ sau mắt cá chân trong.
Huyệt thái khê thuộc đường kinh túc thiếu âm thận. Huyệt giữ một vai trò rất ý nghĩa đối với cơ thể vì thuộc 14 yếu huyệt, nâng cao chính khí của cơ thể.
- Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
- Tác dụng: Day ấn huyệt giúp bổ thận, tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Nên áp dụng day bấm huyệt này đối với trường hợp người bệnh cao tuổi, chính khí suy yếu, khí cơ bạc nhược, hệ thống đường ruột yếu kém, gặp khó khăn về vấn đề đại tiện.
Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống phù hợp với thể trạng, độ tuổi, giới tính. Ăn nhiều chất xơ, muối khoáng, vitamin, dầu mỡ, nước... để hỗ trợ đường tiêu hóa "làm việc" hanh thông, phòng chứng táo bón.
Nên kết hợp chế độ ăn, chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng.