5 kiểu hội trường nghị viện và ý nghĩa chính trị

Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nhận xét: 'Chúng ta định hình các tòa nhà của mình và sau đó các tòa nhà định hình chúng ta'. Tòa nhà nghị viện thường là nơi thể hiện tầm nhìn, truyền thống và văn hóa của một quốc gia.

Hội trường bán nguyệt của Quốc hội Pháp

Hội trường bán nguyệt của Quốc hội Pháp

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiến trúc có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. Phong cách kiến trúc cổ điển hay hiện đại, kích thước và hình dạng của không gian, vật liệu được sử dụng và cách tổ chức không gian đều ảnh hưởng đến cách mọi người cảm nhận, tương tác và làm việc trong tòa nhà. Đặc biệt kiến trúc thường được xây dựng dựa trên ý tưởng và chính trị được phán ánh ở một thời điểm cụ thể. Ví dụ: một không gian được thiết kế mở, rộng rãi và dễ tiếp cận có thể phản ánh một tổ chức cam kết hợp tác và minh bạch. Ngược lại, phòng họp khép kín và cách bố trí chỗ ngồi theo thứ bậc giúp nhấn mạnh quyền lực và sự tôn trọng.

Điều này càng chính xác với các nghị viện. Các nhà khoa học chính trị từ lâu đã thừa nhận rằng kiến trúc của tòa nhà nghị viện có thể phản ánh các giá trị chính trị, văn hóa và các ưu tiên của đất nước. Dưới đây là năm loại hội trường nghị viện và ý nghĩa chính trị của chúng.

Các kiến trúc sư đã nghiên cứu tất cả 193 nghị viện của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và phát hiện của họ cho thấy một mô hình rõ ràng. Tất cả các hội trường toàn thể trên khắp các châu lục, bất kể văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử khác nhau đều có thể được xác định là một trong năm loại hình chính: hình bán nguyệt, các băng ghế đối diện, hình móng ngựa, mô hình lớp học và vòng tròn - mỗi loại phản ánh các khía cạnh của hệ thống nghị viện của quốc gia đó.

Hội trường hình bán nguyệt là hình dạng phổ biến nhất của các phòng họp toàn thể của nghị viện trên thế giới. Hình dạng này bảo đảm một không gian hội trường vẫn mở một phần, đồng thời lại giúp gắn kết các thành viên nghị viện thành một thực thể duy nhất, khuyến khích sự cởi mở và hợp tác.

Kiến trúc bán nguyệt dựa trên kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại, mang lại cho quốc gia sơ khai ý thức về lịch sử và sự trang nghiêm. Kiểu hội trường nghị viện này rất phổ biến ở các quốc gia châu Âu, nơi có nền quân chủ lâu đời. Chúng ta cũng có thể bắt găp kiến trúc bán nguyệt ở hội trường nhiều quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mexico hay Thái Lan.

Kiểu hội trường gồm các băng ghế đối diện là kiểu thứ hai khá phổ biến, và đặc biệt phổ biến ở Hạ viện các nước theo mô hình đại nghị Westminster. Hội trường này phản ánh chính xác mô hình chính trị mà quốc gia nó theo đuổi. Chẳng hạn ở mô hìnhWestminster, Thủ tướng và toàn bộ thành viên Nội các đều là thành viên của Viện Thứ dân (Hạ viện) và ngồi ở các băng ghế phía tay phải. Trong khi đó, toàn bộ các nghị sĩ thuộc phe đối lập và Nội các bóng (Nội các do phe đối lập thành lập) ngồi ở băng ghế đối diện. Kiểu ngồi đối mặt này khuyến khích tranh luận. Hội trường Hạ viện ở Westminster ở London nổi tiếng với những cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra trên băng ghế nghị viện. Kiểu kiến trúc cũng được áp dụng ở một số thuộc địa cũ của Anh và có thể được nhìn thấy ở các quốc gia bao gồm Bahamas, Canada và Singapore.

Kiểu hội trường thứ ba, móng ngựa, là sự kết hợp giữa thiết kế hình bán nguyệt và băng ghế đối lập. Cũng phổ biến ở các quốc gia Khối thịnh vượng chung, các tòa nhà nghị viện khác có cách bố trí này bao gồm Kazakhstan và Peru.

Kiểu hội trường được thiết kế như lớp học, đúng như tên gọi của nó, tập trung sự chú ý vào một hoặc nhiều diễn giả ở phía trước. Điều này có xu hướng được thấy ở những quốc gia có sự phân định rõ ràng về cấp bậc, trật tự. Cách bố trí này có thể được nhìn thấy ở Brazil, Trung Quốc…

Cuối cùng, hình dạng thứ năm, một hình tròn, được lấy cảm hứng từ Quốc hội Iceland (Althing). Althing được cho là Quốc hội hoạt lâu nhất trên thế giới. Cơ quan này được thành lập thông qua một cuộc họp ngoài trời được tổ chức trên vùng đồng bằng Þingvellir từ khoảng năm 930, đã đặt nền móng cho sự tồn tại của một quốc gia độc lập ở Iceland. Tượng trưng cho cam kết về bình đẳng và dân chủ, đây là loại hội trường ít phổ biến nhất. Chưa đầy 10 nghị viện trên có kiểu hội trường này, trong đó bao gồm Đức và Senegal.

Năm kiểu hội trường nghị viện trên chỉ là điểm khởi đầu và có nhiều biến thể trong mỗi hình dạng. Tuy nhiên, chúng cung cấp cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về cách cấu trúc quyền lực ở các quốc gia khác nhau.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/5-kieu-hoi-truong-nghi-vien-va-y-nghia-chinh-tri-i341278/