5 kiểu mẹ gây khiếm khuyết tâm lý suốt đời cho trẻ, rất có thể bạn là một trong số đó!
Mẹ là người gần gũi nhất với con, mọi hành động, tình cảm của mẹ đều ảnh hưởng một cách tinh tế đến con.
Một chuyên gia tâm lý kể: Ông từng tư vấn cho một vị khách là thanh niên có điều kiện kinh tế tốt. Anh ta đã yêu năm lần bảy lượt, lần nào cũng rất đậm sâu lúc đầu, nhưng sau một thời gian dài, anh cảm thấy đối phương quá mạnh mẽ và tạo nhiều áp lực cho mình, cuối cùng chọn chia tay.
Phân tích nguyên nhân từ xuất thân, chuyên gia tâm lý nhận thấy: Mẹ của nam thanh niên này cũng rất mạnh mẽ, đưa ra rất nhiều quyết định giúp con, dù có thể con không thích điều đó. Trong quá trình trưởng thành như vậy, chàng trai trẻ đã quen với kiểu bị phụ thuộc. Khi yêu, anh ta vừa say mê kiểu "yêu" này vừa muốn thoát khỏi cảnh bị kiểm soát. Cuối cùng anh vẫy vùng giữa hai trạng thái tâm lý, không một mối quan hệ nào đi đến đích.
Mẹ là người gần gũi nhất với con, mọi hành động, tình cảm của mẹ đều ảnh hưởng một cách tinh tế đến con. Trên thực tế, có những cách dạy con của người mẹ có thể gây cho con cái những khiếm khuyết tâm lý suốt đời. Hãy cùng xem mẹ bạn thuộc kiểu mẹ nào?
1. Người mẹ kiểm soát
Những người mẹ như vậy sẽ lo cho cuộc sống của con cái rất chu đáo và nghĩ rằng chỉ cần con thỏa mãn về vật chất là đủ. Họ không lắng nghe và không quan tâm đến nhu cầu thực sự của con mình, chỉ muốn sắp xếp tất cả để hy vọng con lớn lên, phát triển theo khuôn mẫu mà mình mong đợi.
Con cái trong gia đình này sẽ làm việc rất chăm chỉ để đáp ứng kỳ vọng của mẹ, hy vọng nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của mẹ. Nhưng chúng cũng thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng và không hài lòng với cuộc sống gia đình. Khi trẻ nhận được sự hỗ trợ mà mình không muốn, trẻ sẽ cảm thấy bản thân yếu kém hơn bạn cùng trang lứa và luôn thiếu tự tin.
Chuyên gia tâm lý Wendy Mogel, tác giả của những cuốn sách về nuôi dạy con, cho biết việc lớn lên trong vòng tay cha mẹ thích kiểm soát và luôn bảo vệ con thái quá sẽ khiến trẻ gặp khó khăn và thất bại trong cuộc sống.
2. Người mẹ phô trương
Bản thân những bà mẹ như vậy thường rất xuất sắc hoặc cầu toàn. Họ đã quen với việc bị người khác ghen tị, họ rất chú ý đến thể diện của mình và phải cư xử hoàn hảo trước mặt người ngoài. Vì vậy, đứa trẻ trở thành công cụ biểu diễn của mẹ. Thành tích học tập của trẻ nhất định phải tốt, dù muốn hay không cũng buộc trẻ phải học thật nhiều lớp tài năng, tham dự thật nhiều cuộc thi để lấy thành tích.
Kiểu mẹ này nhìn thì có vẻ muốn cuộc sống của con được hoàn hảo nhưng về bản chất là rất ích kỷ. Con cái là một trong những vốn liếng để họ khoe khoang. Còn nếu con cái thất bại, toàn bộ tội lỗi sẽ đổ lên đầu chúng bởi phụ lại sự kỳ vọng, đầu tư của cha mẹ, và trẻ sẽ phải cố gắng hơn nữa để "đền đáp công ơn của cha mẹ".
Trẻ lớn lên trong gia đình sĩ diện mang lại những chấn thương tâm lý vô cùng to lớn. Bởi từ rất sớm, trẻ hiểu được rằng để có được tình yêu thương của cha mẹ, trẻ phải làm theo ý họ, luôn làm cha mẹ hài lòng.
3. Người mẹ thiếu trách nhiệm
Kiểu người mẹ này hoàn toàn không có ý thức trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái hay cách hòa hợp với chúng. Thông thường họ coi con cái là "lực lượng sản xuất" trong gia đình chứ không phải là một đứa trẻ.
Điều này xảy ra trong các gia đình đông con, nơi các cô gái lớn được nuôi dưỡng để làm việc nhà, chăm sóc em và kiếm sống. Sau khi lớn lên, họ phải gánh vác trách nhiệm gia đình nặng nề và tiếp tục hỗ trợ các thành viên trong gia đình.
Những đứa trẻ lớn lên trong những hoàn cảnh như vậy thường dễ hài lòng trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, chú ý đến nhu cầu của người khác và phớt lờ nhu cầu bên trong của chính bản thân mình.
4. Người mẹ không ổn định
Thái độ và ý kiến của những bà mẹ như vậy đối với con cái của họ thường chuyển biến khó lường. Đôi khi khen ngợi, đôi khi coi thường, đôi khi nhiệt tình, đôi khi thờ ơ với trẻ. Trẻ em cần phải đối xử với mẹ một cách cẩn thận, tìm cách làm cho mẹ vui vẻ hoặc hài lòng. Trẻ hoang mang không biết làm như vậy có đúng không, có được lòng mẹ hay không.
Thái độ cảm tính như vậy sẽ khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn, bắt đầu nghi ngờ bản thân, dẫn đến thiếu tự tin và lòng tự trọng thấp.
5. Người mẹ dễ giận dữ
Áp lực cuộc sống, áp lực từ việc nuôi dạy, chăm sóc con cái khiến rất nhiều bà mẹ dễ dàng nổi cáu, quát tháo, to tiếng với con. Mặc dù, nhiều mẹ cảm thấy hối hận ngay sau đó và biết rằng điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của con nhưng vẫn rất khó để kiểm soát được cảm xúc của mình.
Hay có nhiều bà mẹ ly hôn, hoặc ghét chồng, họ chuyển sự tức giận từ người chồng sang đứa con vô tội. Những đứa trẻ lớn lên trong những hoàn cảnh như vậy thiếu cảm giác an toàn và cảm thấy rằng chúng không được yêu thương.
Nếu bạn quá mệt mỏi vì công việc, con cái thì hãy cho phép mình được nghỉ ngơi. Bạn không nên cảm thấy áy náy hay lãng phí thời gian bởi vì nghỉ ngơi sẽ giúp bạn khỏe hơn, nhiều năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt hơn. Thỉnh thoảng hãy nhờ người thân chăm sóc con để có những khoảng thời gian riêng cho mình. Điều này cũng sẽ giúp cho mối quan hệ của bé với các thành viên khác trong gia đình gắn bó và thân thiết hơn.