Nỗi lo mù lòa mang tên Glôcôm

Glôcôm là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng, cuối cùng dẫn đến mất thị lực không hồi phục, để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Khi mắt có bất cứ biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và can thiệp kịp thời.

Khi mắt có bất cứ biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Đỗ Quang Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên: Glôcôm là nguyên nhân gây mù thứ hai (sau bệnh đục thủy tinh thể), nhưng có thể phòng tránh được tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Mặc dù không có số liệu chính thức về số bệnh nhân mắc loại bệnh này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, song trước xu hướng gia tăng các bệnh lý toàn thân và việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ nên loại bệnh này có dấu hiệu ngày một nhiều.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên khám cho khoảng 700 bệnh nhân Glôcôm, trong đó thực hiện phẫu thuật cho khoảng 50 trường hợp. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám đã mù hoàn toàn. Với bệnh nhân ở địa bàn miền núi, vùng nông thôn, thường đi khám muộn hơn người bệnh ở địa bàn thành phố. - Bác sĩ Đỗ Quang Thọ

Cho đến nay, nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau.

Trong đó, Glôcôm nguyên phát được chia làm 2 thể bệnh chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác ở mắt và thường bị bỏ qua.

Hình thái Glôcôm góc đóng, gây đau nhức dữ dội (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống), chiếm khoảng 50%. Hình thái còn lại diễn biến âm thầm, giảm thị lực từ từ, còn gọi là Glôcôm góc mở, rất khó phát hiện nên dễ nhầm lẫn với bệnh đục thủy tinh thể. Vì thế, bệnh Glôcôm còn được gọi là kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng.

Nhiều đối tượng có nguy cơ mắc Glôcôm. Theo đó, những người từ 40 tuổi trở lên và tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn. Những người có bố mẹ, chị em ruột mắc bệnh (yếu tố di truyền); bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); người bị đái tháo đường, cao huyết áp; người có nhãn cầu nhỏ bị viễn thị nặng (nguy cơ bị Glôcôm góc đóng); người bị cận thị nặng (nguy cơ bị Glôcôm góc mở); giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu… Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (khi thần kinh thị giác chưa bị tổn thương nhiều) sẽ giúp người bệnh bảo tồn được thị lực tốt hơn.

Bác sĩ Đỗ Quang Thọ khuyến cáo: Người dân không nên lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến mắt có thể bị Glôcôm do tra corticoid kéo dài. Các hiệu thuốc bán thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Những thuốc này nếu được dùng trong thời gian dài, có thể dẫn đến mắt bị Glôcôm.

Bà Nguyễn Thị Bình, 70 tuổi, ở Ao Trám, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, bệnh nhân vừa mổ Glôcôm, chia sẻ: Năm 2023, mắt trái của tôi đau liên tục 2 ngày ở đuôi mắt nên sau khi đến Bệnh viện Mắt tỉnh khám, bác sĩ kết luận tôi bị Glôcôm và phải phẫu thuật. Mới đây lại đến mắt phải đau nhức, kèm theo là hiện tượng giật giật, hoa mắt ở vùng dưới lông mày. Sau mấy ngày bị như vậy, tôi biết chắc là mắt còn lại cũng đã bị Glôcôm nên đã đến viện và cũng được mổ luôn. Sau khi mổ, mắt tôi không còn đau nhức. Kể cả mắt trái mổ năm trước đó cũng rất ổn định. Sau mổ 1 tuần, tôi được hẹn tái khám. Rồi cứ 3 tháng 1 lần, tôi sẽ lại đến viện tái khám cả 2 mắt.

TS. BS Phạm Thị Thu Hà, Bệnh viện Mắt Trung ương, mới đây tham gia tập huấn cho các bác sĩ chuyên khoa mắt của 3 tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, chia sẻ: Sau khi điều trị bằng laser hay phẫu thuật, người bệnh đều cần tuân thủ đúng các lịch tái khám để có thể theo dõi được thường xuyên thị lực và nhãn áp của mình.

Theo dõi sau điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật là yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến kết quả cuối cùng. Nhiều trường hợp, sau khi điều trị tưởng rằng đã khỏi hẳn nên không tái khám, không theo dõi tiếp khiến bệnh tiếp tục âm ỉ tiến triển nên đã mất thị lực hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân nhất thiết phải kiên trì điều trị suốt đời nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, bảo tồn thị lực cho bản thân. - TS. BS Phạm Thị Thu Hà

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên và khoa mắt của một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh có đủ nhân lực được đào tạo để quản lý bệnh Glôcôm hiệu quả. Cùng với đó, các đơn vị được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phát hiện sớm bệnh Glôcôm như: máy đo nhãn áp không tiếp xúc, đo thị trường tự động, chụp ảnh đáy mắt, chụp cắt lớp gai thị võng mạc OCT… Vì thế, khi có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và can thiệp kịp thời.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202411/noi-lo-mu-loa-mang-ten-glocom-e4b0e1f/