5 lầm tưởng phổ biến về bệnh lao nên ngừng tin
Nhiều người nghĩ rằng bệnh lao chỉ ảnh hưởng đến phổi. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể gây tổn thương nhiều cơ quan khác của cơ thể như não, thận, ruột và xương.
Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này lây lan từ người này sang người khác qua những giọt nước bắn ra khi ho hoặc hắt hơi. Sau khi lây truyền, bệnh có thể tiến triển theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào phản ứng của hệ thống miễn dịch của vật chủ.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 4 người trên thế giới thì có một người bị nhiễm lao. Tuy nhiên, chỉ 5-15% người bị nhiễm trùng xuất hiện các triệu chứng trong đời. Khi ai đó bị nhiễm trùng nhưng không có triệu chứng, họ bị nhiễm lao tiềm ẩn.
Bệnh lao có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng lúc. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều quan niệm sai lầm vẫn tồn tại quanh căn bệnh này khiến việc chẩn đoán, điều trị khó khăn hơn.
Lầm tưởng 1: Bệnh lao thường chỉ xảy ra ở phổi của người bệnh
Sự thật: Mặc dù chủ yếu bắt đầu ở phổi, nó cũng gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, não và cột sống. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau, vì nó ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau.
Theo Healthshots, bệnh lao có xu hướng xảy ra bên ngoài phổi có thể được gọi là bệnh lao ngoài phổi. Do đó, người ta cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Khi không được điều trị, bệnh lao hoạt động sẽ tác động đến phổi và lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể qua đường máu.
Lầm tưởng 2: Lao là bệnh di truyền
Sự thật: Mặc dù mọi người thường tin bệnh lao truyền từ cha mẹ sang con cái, đây là chuyện hoang đường. Quan niệm sai lầm này có thể nảy sinh do những người sống trong cùng một gia đình thường mắc bệnh. Điều này có thể là do khoảng cách gần của họ khiến vi khuẩn dễ dàng lây lan từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, dường như có một thành phần di truyền đối với bệnh lao. Nhưng thay vì gene chịu trách nhiệm gây bệnh lao, có vẻ một số gene có thể ảnh hưởng đến việc một người nào đó có chuyển từ nhiễm trùng tiềm ẩn sang nhiễm trùng hoạt động hay không.
Lầm tưởng 3: Tôi không hút thuốc, tôi sẽ không bị lao
Sự thật: Hút thuốc không phải là yếu tố rủi ro duy nhất liên quan đến bệnh lao. Các yếu tố khác như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), bệnh tiểu đường và thậm chí cả bệnh thận cũng là nguyên nhân gây ra bệnh này. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng các cơ quan khác như não, khớp và xương, cột sống và mắt, ngoài phổi.
Lầm tưởng 4: Bệnh lao không thể chữa khỏi
Sự thật: Điều này là sai, bệnh lao có thể điều trị được. Phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với nhiễm trùng lao tiềm ẩn là thuốc kháng sinh isoniazid. Những người mắc bệnh lao nên dùng thuốc này dưới dạng một viên mỗi ngày trong 6-9 tháng.
Đối với những người bị nhiễm trùng đang hoạt động, các bác sĩ thường kê đơn kết hợp các loại thuốc kháng khuẩn trong 6-12 tháng. Sự kết hợp phổ biến là isoniazid với rifampin, pyrazinamide và ethambutol.
Thông thường, chẩn đoán sớm là chìa khóa để giải quyết bệnh lao. Người bệnh có thể khỏi nếu được can thiệp kịp thời, uống thuốc và tái khám định kỳ.
Lầm tưởng 5: Mọi người mắc bệnh lao đều có khả năng lây nhiễm
Sự thật: Điều này là không đúng. Theo Medical News Today, người bị bệnh lao chỉ có thể truyền bệnh nếu họ xuất hiện các triệu chứng. Điều này có nghĩa là người bị nhiễm trùng tiềm ẩn không thể truyền bệnh lao.
Ngoài ra, một người chỉ có thể truyền bệnh lao khi vi khuẩn ở trong phổi hoặc cổ họng. Nếu vi khuẩn ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn thận hoặc cột sống, người bệnh không có khả năng truyền virus. Nói chung, những người mắc bệnh lao ngừng lây nhiễm trong khoảng 2-3 tuần sau khi bắt đầu điều trị.