5 loại quy tắc mọi gia đình phải có để tốt cho trẻ
Theo trang Parents, quy tắc gia đình không chỉ giúp trẻ hiểu rõ những gì được phép mà còn giúp các em hình thành thói quen tốt, rèn luyện tính tự giác và trách nhiệm.
1. Quy tắc thúc đẩy an toàn: Quy tắc an toàn bao gồm an toàn thể chất và an toàn tinh thần. Khi trẻ em cảm thấy an toàn, chúng có thể tự do tập trung năng lượng của mình để khám phá bản thân và môi trường xung quanh. Quy tắc an toàn thể chất có thể bao gồm những điều như không mở cửa khi đang tắm; chỉ ngồi trên đồ nội thất, không đứng hoặc nhảy. Trong khi đó, an toàn cảm xúc có thể là những quy tắc như mọi người đều có thể chia sẻ cảm xúc của mình, miễn là họ thể hiện sự tôn trọng; chỉ sử dụng những lời tử tế...
2. Quy tắc thúc đẩy đạo đức: Cha mẹ hãy tạo ra các quy tắc truyền dạy giá trị và đạo đức cho con. Các loại quy tắc này có thể bao gồm những điều như xin lỗi khi thấy có lỗi; không làm tổn thương người khác; trung thực; đối xử công bằng... Tất nhiên, điều quan trọng là bạn cũng phải làm gương cho những quy tắc này. Trẻ sẽ học hỏi nhiều hơn từ những gì cha mẹ làm hơn là những gì cha mẹ nói.
3. Quy tắc phát triển thói quen lành mạnh: Thói quen tốt là nền tảng giúp trẻ hình thành kỷ luật và tự giác. Cha mẹ hãy tạo ra các quy tắc khuyến khích con phát triển các thói quen lành mạnh hàng ngày. Ví dụ như đánh răng trước khi đi ngủ; hoàn thành bài tập trong khoảng thời gian nhất định; bỏ quần áo vào giỏ sau khi thay đồ... Việc hình thành những thói quen lành mạnh và nhất quán sẽ giúp trẻ tự giác thực hiện các công việc mà không cần phải nhắc nhở nhiều, từ đó giảm thiểu những xung đột không đáng có.
4. Quy tắc chuẩn bị cho cuộc sống thực tế: Trẻ em cũng cần những quy tắc để chuẩn bị cho việc trở thành người lớn. Thiết lập các quy tắc dạy kỹ năng sống sẽ giúp con phát triển tốt hơn khi rời khỏi nhà. Ví dụ, những quy tắc liên quan đến việc nhà và quản lý tiền bạc sẽ giúp trẻ làm quen với các trách nhiệm của người lớn và hình thành những thói quen tốt. Tuy nhiên, việc lựa chọn những quy tắc cụ thể cần phù hợp với tính cách và độ tuổi của từng trẻ.
5. Quy tắc thúc đẩy kỹ năng xã hội: Trẻ em cũng cần những quy tắc dạy cho chúng kỹ năng xã hội, bao gồm cách cư xử với các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè. Ví dụ về các quy tắc dạy cách tương tác phù hợp với người khác bao gồm chia sẻ đồ chơi với anh chị em; luân phiên khi chơi trò chơi... Trẻ lớn hơn có thể cần các quy tắc khi sử dụng máy tính, điện thoại...