5 loài vật 'trường sinh bất lão', có khả năng 'cải lão hoàn đồng': 1 loài là linh vật của Việt Nam
Nếu so sánh với tuổi thọ của con người, những loài dưới đây chẳng những sống cực lâu mà có loài còn có thể 'trẻ hóa'.
Người được ghi nhận có tuổi thọ cao nhất thế giới đến thời điểm hiện tại được cho là Lý Thanh Vân, thọ 256 tuổi, người Vân Nam, Trung Quốc. Thế nhưng, nếu đưa tuổi thọ ra so sánh với 5 loài vật dưới đây, con người quả thực “không là gì”. Trái đất tồn tại những loài có thời gian sống lâu đến mức khó tin. Thậm chí có loài còn có thể “cải lão hoàn đồng”.
Tôm hùm
Tôm hùm không có khái niệm già yếu đi mà chỉ biết to lên. Tôm hùm càng to, nghĩa là tuổi đời càng lớn. Chúng không gặp vấn đề gì khi tuổi ngày một nhiều, thay vào đó là khỏe hơn. Khoa học giải thích, khi lớp vỏ ngoài quá nhỏ sẽ cản trở sự phát triển của tôm hùm, chúng sẽ lột vỏ rồi tiếp tục lớn lên.
Từng có trường hợp bắt được con tôm hùm nặng 9kg, tính ra tuổi đời của nó đã lên đến 140 tuổi. Chú tôm hùm lớn nhất được kỉ lục Guinness ghi nhận nặng đến 23kg và đến nay chúng ta vẫn chưa dám khẳng định nó bao nhiêu tuổi.
Rùa
Rùa là loài nổi tiếng có tuổi thọ cao, không có khái niệm già đi mà lúc nào cũng trong tuổi “vị thành niên”. Nói thế là bởi một chú rùa hơn trăm tuổi cũng chẳng khác gì khi mới mười mấy tuổi. Chức năng sống của chúng như nhau, các cơ quan cũng không lão hóa đi. Chỉ có điều, đến một cột mốc nhất định, rùa sẽ dừng lại và không già đi nữa. Đặc biệt, rùa có thể tự “tắt tim” đi khi chúng muốn. Nhiều lúc tim rùa không đập nhưng chúng vẫn đang sống bình thường.
Sở dĩ rùa chết đi không phải vì tuổi già mà vì bệnh tật, tai nạn hay các yếu tố bên ngoài. Nói cách khác, loài này không giới hạn tuổi tác và là một trong những loài sống thọ nhất thế giới.
Tại Việt Nam, rùa là một trong những linh vật được tôn thờ. Chúng là biểu tượng của sự bền vững, trường tồn. Trong các đình, đền, chùa thường tạc tượng rùa. Ngoài ra, loài động vật này còn xuất hiện trong những món đồ trang trí tượng trưng cho sự trường thọ.
Cá voi Bowhead
Đây là loài cá voi có miệng lớn nhất trong tất cả các loài động vật. Chúng cũng là loài động vật có vú sống lâu nhất mà con người biết đến được. Năm 2007, một con cá voi Bowhead bị bắt ở vùng Alaska gây chấn động thế giới. Nó đã bơi lội quanh đáy biển với chiếc móc neo nổ có từ thập niên 1890 suốt 117 năm hoặc có thể hơn.
Bọt biển thủy tinh
Tuổi thọ của loài này vượt xa con số 10.000 năm. Nếu mang so sánh với nó, tuổi thọ của con người quả thực chỉ là hạt cát bé nhỏ. Tuy chỉ là một sinh vật đơn giản nhưng chúng là động vật già nhất hành tinh. Một số mẫu bọt biển thủy tinh ngày nay cho thấy nó đã sống đến 15.000 năm, hơn cả nền văn minh nhân loại hay thời điểm xây kim tự tháp.
Sứa Turritopsis Nutricula
Vòng đời của sứa thường không dài, chỉ khoảng vài giờ đến vài tháng hoặc vài năm. Nhưng riêng sứa Turritopsis Nutricula thì lại rất thọ. Chúng có khả năng bất tử chứ không tuân theo vòng đời sinh học như những loài khác.
Sứa Turritopsis Nutricula trường sinh bất lão không phải vì chúng ngừng lão hóa mà vì loài này biết tự “trẻ hóa”. Mỗi khi điều kiện môi trường tự nhiên trở nên khó khăn hay bị thương, ít thức ăn, sứa Turritopsis Nutricula sẽ kích hoạt cơ chế đặc biệt. Chúng tự biến đổi các tế bào trong cơ thể thành tế bào mới, liên tục như vậy cho đến khi sứa Turritopsis Nutricula trẻ lại thành dạng polip – dạng thức trước khi hình thành cá thể sứa hoàn chỉnh. Từ đó chúng tiếp tục phát triển, sinh sôi ra những thế hệ sứa mới.
Lý thuyết thì quá trình “cải lão hoàn đồng” này sẽ lặp đi lặp lại mãi. Sứa Turritopsis Nutricula hiện được xem là loài sinh vật đa bào duy nhất có khả năng quay ngược vòng đời của mình. Nỗi ám ảnh của sứa Turritopsis Nutricula là sợ bị săn bắt hoặc mắc bệnh trong giai đoạn là sinh vật phù du. Chỉ có những điều này mới có thể khiến chúng chết đi.