5 lợi thế và 7 hành động của TPHCM để chuyển đổi công nghiệp thành công

Trong bài phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề 'Chuyển đổi công nghiệp: Động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM' tối 25/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh 5 lợi thế và 7 ưu tiên hành động để Thành phố chuyển đổi công nghiệp thành công.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu bế mạc Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu bế mạc Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng muốn chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài quyết tâm của lãnh đạo, cần có cách tiếp cận linh hoạt nhưng quyết liệt, một chiến lược bài bản, khả năng quản trị thực thi cao, một hành lang pháp lý thông thoáng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

"Cách tiếp cận linh hoạt và quyết liệt là phù hợp với TPHCM, nơi có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách tiếp cận linh hoạt giúp thích ứng với từng ngành, từng lĩnh vực và từng loại hình doanh nghiệp có trình độ phát triển khác nhau, theo sự thay đổi dần dần hoặc thay đổi chuyển tiếp. Tính quyết liệt thể hiện trong một số trường hợp khác, nhằm thay đổi triệt để và để tránh bị lạc hậu", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Đánh giá tình hình của TPHCM hiện nay, ông Mãi cho rằng Thành phố có 5 lợi thế và cơ hội nổi trội để thực hiện quá trình chuyển đổi công nghiệp.

Thứ nhất, TPHCM nhờ tạo dựng được hạ tầng cứng và hạ tầng mềm phát triển vượt trội so với cả nước nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đã có văn phòng, nhà máy, đã đầu tư và triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) tại Thành phố.

Thứ hai, TPHCM là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và thuộc tốp đầu cả nước về chuyển đổi số. Kinh tế số của Thành phố năng động và có tốc độ phát triển cao; nhiều mô hình về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch đang được triển khai hiệu quả.

Thứ ba, Thành phố là trung tâm thương mại và tài chính của cả nước. Nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, TPHCM có lợi thế chiến lược về địa lý, sức mua lớn từ hơn 10 triệu cư dân, trong đó tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.

Thứ tư, Thành phố là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, Thành phố là nơi thu hút và hội tụ nhân tài của cả nước, giới tinh hoa và những lao động tay nghề cao chọn là nơi ở và làm việc.

Thứ năm, TPHCM đang có ưu thế lớn của một địa phương đang được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển theo Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng hoa chúc mừng các thành viên sáng lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng hoa chúc mừng các thành viên sáng lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo ông Phan Văn Mãi, trong báo cáo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố đặt mục tiêu theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa, công nghiệp sạch và thân thiện với môi trường.

Hiện Thành phố đang xây dựng chiến lược cụ thể về kinh tế xanh, đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và có nhiều chính sách ưu đãi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, trong phát biểu của mình, Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu 7 ưu tiên hành động để đạt mục tiêu chuyển đổi công nghiệp thành công.

Thứ nhất là tính ưu tiên: Thành phố tập trung vào các ngành có tiềm năng và tầm quan trọng cao.

Thứ hai là về công nghệ: Thành phố khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong các ngành công nghiệp trọng điểm.

Thứ ba là về năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong nước: Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư là thực hiện chuyển đổi kép: Thành phố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Thứ năm là tăng cường hợp tác quốc tế: Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ sáu là phát triển Trung Tâm Cách mạng công nghiệp 4.0: Nâng cấp Trung tâm này thành Trung tâm nghiên cứu, tư vấn chính sách cấp vùng.

Cuối cùng thứ bảy là nâng cao nhận thức cộng đồng: Thúc đẩy truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, TPHCM đang hướng đến xây dựng nền công vụ hiện đại, đãi ngộ thỏa đáng cho công chức và viên chức để nâng cao hiệu quả quá trình thực thi. Định hướng này được thực hiện theo nguyên lý phổ rất phổ biến trong quản trị, đó là "việc gì đo lường được thì quản lý được và nơi nào đãi ngộ tốt nơi đó việc sẽ thành".

Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ tin tưởng, với cách tiếp cận linh hoạt nhưng quyết liệt, với một chiến lược bài bản có trọng tâm, một hành lang pháp lý thông thoáng dựa trên cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể và quan trọng nhất là quyết tâm lãnh đạo Thành phố, sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, TPHCM nhất định sẽ thực thi thành công quá trình chuyển đổi công nghiệp quan trọng này.

Anh Thơ

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/5-loi-the-va-7-hanh-dong-cua-tphcm-de-chuyen-doi-cong-nghiep-thanh-cong-102240925181824316.htm