5 mặt hàng nông sản, thực phẩm thuộc diện kiểm soát của EU
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được từ Ban thư ký WTO về thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.
Liên quan đến thông báo này Việt Nam có 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm thuộc diện kiểm soát của EU khi xuất khẩu vào thị trường này.
Theo ông Ngô Xuân Nam, với mặt hàng thuộc phụ lục I là những mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: sản phẩm ớt chuông bị tần suất kiểm tra là 50%; mì ăn liền có gói gia vị, bột nêm hoặc nước sốt bị tần suất kiểm tra là 20%. Với tần suất trên thì 2 mặt hàng này vẫn giữ nguyên so với năm 2023.
Nhưng trong phụ lục 1 có bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Đối với phụ lục 2 là những mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc phải chịu tần suất kiểm tra biên giới còn phải bổ sung thêm giấy chứng nhận kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu. Việt Nam có hai mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Hai mặt hàng này cũng đã nằm trong thông báo của EU sáu tháng cuối năm 2023.
“So với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam có bốn mặt hàng là đậu bắp, mì ăn liền, ớt chuông và thanh long vẫn giữ nguyên tần suất như giai đoạn trước. Riêng mặt hàng sầu riêng là bổ sung với tần suất kiểm tra 10%”, ông Ngô Xuân Nam cho hay.
Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có ba lô hàng sầu riêng bị vi phạm quy định của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa vào diện kiểm soát mặt hàng này.
Theo ông Ngô Xuân Nam, việc sầu riêng sẽ phải chịu tần suất kiểm tra 10% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Bởi trong thương mại nông sản, việc bị kiểm soát ở biên giới đối với các mặt hàng nông sản là chuyện bình thường. Các mặt hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng chịu sự kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với mặt hàng sầu riêng, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, thời gian vừa qua chúng ta đã làm tốt về an toàn thực phẩm và đã có nhiều khuyến cáo trong sản xuất, sơ chế, đóng gói. Nông dân, hợp tác xã từ quá trình canh tác, thực hành nông nghiệp tốt đến sơ chế, đóng gói sản phẩm phải tuân thủ các quy định của thị trường.
Trong quá trình sản xuất nông dân phải nắm chắc các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật EU không cho phép sử dụng. Các hoạt chất được phép sử dụng thì phải tuân thủ “4 đúng”, đảm bảo thời gian cách ly để đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần có sự phối hợp, liên kết với nhau để kiểm soát mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sầu riêng nói riêng và nông sản khác nói chung để 6 tháng cuối năm 2024, EU có thể xem xét đưa các sản phẩm ra khỏi danh sách kiểm tra.
Tuy nhiên, nếu kiểm soát không tốt, 6 tháng sau, khi EU rà soát lại, sản phẩm có thể từ phụ lục I bị chuyển sang phụ lục II. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt Nam, ông Ngô Xuân Nam khuyến nghị.
Theo quy định của EU, định kỳ 6 tháng/lần, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sẽ họp để xem xét đưa ra các quy tắc liên quan đến việc tăng/giảm tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu đối với một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc phi động vật từ một số nước thứ ba.