5 mẫu đồng hồ định hình thị trường

Đồng hồ cổ điển, hiếm, sở hữu bộ máy phức tạp, nhiều màu sắc và đính kim cương là các món đồ phải có trong bộ sưu tập của những người theo đuổi thú chơi này.

 Audemars Piguet Code 11.59 Universelle RD#4 là mẫu đồng hồ phức tạp, được nhiều nhà sưu tầm săn đón. Ảnh: Audemars Piguet.

Audemars Piguet Code 11.59 Universelle RD#4 là mẫu đồng hồ phức tạp, được nhiều nhà sưu tầm săn đón. Ảnh: Audemars Piguet.

Không chỉ là món trang sức trên cổ tay, đồng hồ tạo ra một thú sưu tầm, trở thành khoản đầu tư với nhiều người. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu đam mê này, nhiều người chơi thường mắc sai lầm, dễ hối hận sau đó.

Dưới đây, The New York Times liệt kê 5 kiểu đồng hồ định hình thị trường. Mỗi người chơi nên sở hữu ít nhất một mẫu trong mỗi danh mục để hoàn thành bộ sưu tập cá nhân.

Khi lựa chọn đồng hồ theo tiêu chí này, khách hàng thậm chí có thể thu về lợi nhuận sau khi bán lại.

 Breitling Premier Duograph là dòng đồng hồ cổ điển, được ra mắt từ năm 1943. Ảnh: Breitling.

Breitling Premier Duograph là dòng đồng hồ cổ điển, được ra mắt từ năm 1943. Ảnh: Breitling.

Đồng hồ cổ điển

Các thiết kế cổ điển, được chế tạo từ hàng trăm năm trước tạo ra nền tảng phát triển cho lĩnh vực đồng hồ cơ. Một số mẫu nổi tiếng được điều chỉnh lại, tái giới thiệu đến giới mộ điệu. Tuy nhiên, các đặc trưng về thiết kế, bộ máy vẫn được giữ nguyên.

Phần lớn nhà sản xuất đồng hồ danh tiếng trên thế giới đều sở hữu danh mục di sản này. Đồng hồ cổ điển được chia nhỏ thành 3 loại:

Cổ điển (được sản xuất trước năm 1980).
Tân cổ điển (được chế tạo từ năm 1980 đến 2010).
Phong cách cổ điển (biến thể của các mẫu di sản, sở hữu thiết kế/bộ máy truyền thống).

Ví dụ, Breitling Premier Duograph được giới thiệu lần đầu vào năm 1943, là một trong những chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên. Fred Mandelbaum, Giám đốc di sản của Breitling, quyết định chỉnh sửa một số chi tiết và tái trình làng mẫu phụ kiện này.

Theo Mandelbaum, nếu được bảo dưỡng tốt, những chiếc đồng hồ từ năm 1940 vẫn có thể hoạt động bình thường. Trong khi đó, xe hơi cổ vẫn trông đẹp mắt nhưng liên tục gặp sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành.

 Audemars Piguet Code 11.59 Universelle RD#4 sở hữu bộ máy phức tạp, tích hợp nhiều chức năng, có mức giá cao. Ảnh: Audemars Piguet.

Audemars Piguet Code 11.59 Universelle RD#4 sở hữu bộ máy phức tạp, tích hợp nhiều chức năng, có mức giá cao. Ảnh: Audemars Piguet.

Siêu đồng hồ

Những mẫu đồng hồ phức tạp luôn đóng vai trò quan trọng trong thị trường này. Vào thập niên 90, các nhà sản xuất tạo ra một cuộc cạnh tranh ngầm, liên tục trình làng các sản phẩm với vỏ dày, mặt số nhiều lớp, bộ máy 3-D openwork.

Chủ nghĩa tối đa luôn thu hút các thương hiệu và người chơi đồng hồ. Tuy nhiên, giá thành của các mẫu phức tạp thường tương đối cao, đòi hỏi người dùng suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đầu tư.

Ví dụ, Audemars Piguet Code 11.59 Universelle RD#4 là đồng hồ đeo tay phức tạp nhất mà Audemars Piguet từng chế tạo, được bán với giá 1,56 triệu USD. Sản phẩm này tích hợp 40 chức năng, bao gồm tourbillon bay, lịch vạn niên và lịch tuần trăng.

Tuy nhiên, khác với các mẫu sở hữu bộ máy phức tạp, vỏ lớn, dày được sản xuất vào những năm 1900, món phụ kiện này chỉ có chiều rộng 42 mm và dày 15,55 mm.

“Chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm phức tạp song vẫn dễ ứng dụng, giúp người dùng thoải mái đeo trên tay mỗi ngày, phù hợp với xu hướng phụ kiện nhỏ, gọn trong thế kỷ XXI”, Lucas Raggi, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của thương hiệu, cho biết.

 Big Bang Integrated Gold Rainbow là dòng đồng hồ nhiều màu của thương hiệu Hublot. Ảnh: Hublot.

Big Bang Integrated Gold Rainbow là dòng đồng hồ nhiều màu của thương hiệu Hublot. Ảnh: Hublot.

Đồng hồ màu sắc

Những năm 1980 - 1990 là thời kỳ hoàng kim của đồng hồ thời trang được làm bằng thạch anh, có mức giá phải chăng. Điểm chung của các sản phẩm này là sở hữu màu sắc sặc sỡ.

Tuy nhiên hiện nay, quan điểm phụ kiện nhiều màu gắn liền với phân khúc thấp dần được thay đổi. Các nhà sản xuất đồng hồ cao cấp bắt đầu tập trung phát triển các mặt hàng màu tím oải hương, neon, cầu vồng.

Hublot là thương hiệu xa xỉ đầu tiên sử dụng dây đeo cao su nhiều màu đối với những mẫu sang trọng. Nhãn hàng này cũng tiên phong giới thiệu đồng hồ gốm, sapphire màu đỏ, vàng, xanh dương và cam, thay vì 2 màu trắng, đen như nhiều nhà sản xuất khác.

“Chúng tôi là một trong những nhãn hiệu đồng hồ xa xỉ trẻ tuổi nhất trên thế giới, do đó không sở hữu danh mục di sản để tái phát hành. Vì thế, chúng tôi tự tạo ra phong cách riêng, bao gồm việc đa dạng hóa bảng màu”, Ricardo Guadalupe, Giám đốc điều hành thương hiệu, cho biết.

 Dòng Rendez-Vous Dazzling của Jaeger-LeCoultre được nạm kim cương, đính đá quý, thu hút khách hàng. Ảnh: Jaeger-LeCoultre.

Dòng Rendez-Vous Dazzling của Jaeger-LeCoultre được nạm kim cương, đính đá quý, thu hút khách hàng. Ảnh: Jaeger-LeCoultre.

Đồng hồ đính đá quý

Kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc góp phần gia tăng giá trị cho một mẫu đồng hồ. Đối với các dòng thiếu bộ máy phức tạp, không được sản xuất bởi nhà sản xuất danh tiếng, kim cương và đá quý chính là chi tiết tạo ra giá trị cao trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại).

Gần đây, phụ kiện nạm kim cương không chỉ dành riêng cho nữ giới. Các tín đồ thời trang nam cũng cho thấy sự yêu thích đặc biệt với dòng phụ kiện này.

Để đáp ứng sở thích của khách hàng, nhiều thương hiệu nỗ lực trong việc gia tăng độ sáng của những viên kim cương đính trên mặt số, khung bezel và dây đeo.

Đối với dòng Rendez-Vous Dazzling của Jaeger-LeCoultre, những viên kim cương được đính theo 3 cách khác nhau nhằm gia tăng khả năng phát sáng. Đá quý được gắn nổi trên đồng hồ, giúp ánh sáng chiếu xuyên qua, khiến món phụ kiện trở nên lấp lánh hơn.

Với vỏ vàng hồng 18K và 168 viên kim cương, sản phẩm này được bán với mức giá 54.000 USD.

“Khi tạo ra nhiều phản xạ ánh sáng hơn, chúng tôi muốn đề cao dấu ấn của trang sức trên dòng đồng hồ này”, Catherine Rénier, Giám đốc điều hành thương hiệu, nói.

 Patek Philippe's Racy Red là đồng hồ phiên bản giới hạn, chỉ được bày bán tại Singapore. Ảnh: Patek Philippe.

Patek Philippe's Racy Red là đồng hồ phiên bản giới hạn, chỉ được bày bán tại Singapore. Ảnh: Patek Philippe.

Đồng hồ hiếm

Số lượng hạn chế, phiên bản giới hạn trở thành một trong những yếu tố được người chơi đồng hồ chú ý, quan tâm. Theo Eric Wind, chủ đại lý đồng hồ Wind Vintage, số lượng ít của một số mẫu phụ kiện gia tăng khao khát sở hữu từ phía khách hàng.

Sự hiếm có là một chiêu thức tiếp thị hiệu quả. Hiện nay, nhu cầu về đồng hồ tinh xảo, được chế tác thủ công vượt quá khả năng cung cấp.

Theo The New York Times, Patek Philippe chỉ sản xuất 60.000 chiếc đồng hồ mỗi năm. Số lượng sản phẩm của Audemars Piguet là khoảng 40.000.

Một số thương hiệu nhỏ hơn chỉ sản xuất 100-200 sản phẩm hàng năm. Số lượng giới hạn đẩy cao giá trị mặt hàng này.

Tuy nhiên, các nhãn hàng có khả năng kiểm soát sản phẩm sau khi bán, luôn biết đồng hồ đến tay ai. Vì thế, nếu lập tức bán lại món phụ kiện phiên bản giới hạn sau 2 tuần kể từ thời điểm mua hàng, người dùng có thể gặp khó khi mong muốn sở hữu các mẫu tương tự trong tương lai.

Một số người chơi còn đưa ra yêu cầu cá nhân hóa sản phẩm cho các nhãn hàng. Họ sẵn sàng chi trả một khoản tiền khổng lồ cho Cartier, Patek Philippe để sở hữu những chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị.

Tuy vậy, mức độ hiếm của một mẫu phụ kiện không phải yếu tố duy nhất tạo ra giá trị cho món đồ trên thị trường thứ cấp. Nếu muốn đầu tư, người chơi cần tự trang bị kiến thức, cân nhắc nhiều tiêu chí khác.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/5-mau-dong-ho-dinh-hinh-thi-truong-post1441268.html