5 năm cần mẫn và vượt khó để xây dựng giáo trình cho môn học Nghiên cứu Hoa Kỳ
Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ là một tài liệu tham khảo căn bản, được xây dựng một cách hệ thống và tương đối toàn diện về Hoa Kỳ được xuất bản bằng tiếng Việt, hỗ trợ tích cực cho quá trình giảng dạy, khảo cứu các học phần liên quan đến Hoa Kỳ học.
Những ngày đầu tháng 9/2024, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành cuốn sách "Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ".
Đây là thành quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, tỉ mỉ và chuyên tâm suốt gần 5 năm của 2 nhà khoa đầu ngành của ngành Quan hệ quốc tế: PGS.TS. Lê Đình Tĩnh - Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao và Giáo sư Nguyễn Thái Yên Hương – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Giáo sư đầu tiên của Bộ Ngoại giao cùng các cộng sự.
Tiếp cận hệ thống và liên ngành về Hoa Kỳ
Với dung lượng hơn 450 trang, cuốn sách vận dụng cách tiếp cận khoa học liên ngành, nghiên cứu tổng thể về lịch sử, văn hóa, hệ thống chính trị, kinh tế, chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng về Hoa Kỳ.
Trên tinh thần mong muốn cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan nhất về Hoa Kỳ, Giáo trình được bố cục làm 5 chương, mỗi chương sẽ có các bài nhỏ, trình bày theo từng vấn đề cụ thể liên quan đến nghiên cứu Hoa Kỳ.
Chương 1: "Lịch sử và văn hóa Hoa Kỳ", đề cập lịch sử hình thành và phát triển của Hoa Kỳ cho tới giai đoạn hiện tại. Bên cạnh đó, cũng phân tích những nhân tố tạo nên đặc trưng về văn hóa – xã hội Hoa Kỳ và tác động của những đặc trưng đó tới chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.
Chương 2: "Hệ thống chính trị Hoa Kỳ", tập trung phân tích, tổng hợp và đề cập nền tảng hệ thống chính trị Hoa Kỳ, cụ thể là sự ra đời của Hiến pháp, mối quan hệ giữa các nhánh trong hệ thống chính trị dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập giữa chính quyền liên bang và chính quyền các bang; về hệ thống đảng phái chính trị và cả quy trình vận động của các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chương này cũng đề cập mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và quá trình hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.
Chương 3: "Kinh tế Hoa Kỳ", khái quát lịch sử kinh tế Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến giai đoạn hiện nay; đồng thời phân tích và đánh giá quan hệ kinh tế đối ngoại Hoa Kỳ qua các thời kỳ lịch sử quan trọng.
Chương 4: "Đối ngoại và quốc phòng Hoa Kỳ", được triển khai theo phương thức cung cấp khung phân tích, quá trình hình thành và phát triển của chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kỳ nhằm giúp người học có được tầm nhìn khái quát về chính trị, quốc phòng và an ninh của quốc gia này.
Chương 5: "Chính sách của Hoa Kỳ đối với một số đối tác, Khu vực và quốc gia", tập trung phân tích, tổng hợp và đánh giá dựa trên cơ sở về thực tiễn triển khai chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và một số đối tác như Trung Quốc, Việt Nam và thiết chế khu vực là ASEAN.
Đối tượng chính hướng đến sử dụng cuốn Giáo trình này là sinh viên đại học, học viên cao học. Bên cạnh đó, các đối tượng khác như nghiên cứu sinh các chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Quốc tế học, Khoa học chính trị, Lịch sử thế giới cận - hiện đại và một số chuyên ngành khác có liên quan có thể tiếp cận dưới góc độ tài liệu tham khảo.
Cuốn sách hứa hẹn sẽ là một tài liệu tham khảo căn bản, được xây dựng một cách hệ thống và tương đối toàn diện về Hoa Kỳ được xuất bản bằng tiếng Việt, hỗ trợ tích cực cho quá trình giảng dạy, khảo cứu học phần Nghiên cứu Hoa Kỳ và các học phần liên quan đến Hoa Kỳ học.
Điều này càng có ý nghĩa khi quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng, nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu về Hoa Kỳ trong sinh viên cũng tăng lên.
Thành quả từ quá trình nghiên cứu nghiêm túc và chuyên tâm
Chia sẻ với Người Đưa Tin, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, một trong hai đồng chủ biên cuốn sách "Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ", cho biết đây là dự án mà cô và PGS.TS. Lê Đình Tĩnh đã ấp ủ từ lâu, về cả mặt nội dung và quá trình thực hiện.
"Tôi và PGS.TS. Lê Đình Tĩnh đã gắn bó với công tác nghiên cứu và trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại liên quan Hoa Kỳ - đất nước có nhiều "duyên nợ" với Việt Nam từ rất lâu. Bản thân chúng tôi, cả chung và riêng, cũng đã xuất bản nhiều sách, tài liệu chuyên khảo liên quan đến vấn đề này.
Trong quá trình trực tiếp giảng dạy Nghiên cứu Hoa Kỳ ở bậc cử nhân và thạc sĩ tại Học viện Ngoại giao và một số cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng rất cần thiết phải có một giáo trình – tài liệu mang tính căn bản, nền tảng để người học có thể dễ dàng tiếp cận môn học.
Trên thực tế, trong nhiều năm, học phần này mới chỉ có tập học liệu (Reading Package) cho người học, trong đó có những bài là từ các cuốn chuyên khảo do cán bộ nghiên cứu và giảng viên của học viện viết. Do đó, tôi và PGS.TS. Lê Đình Tĩnh đã có ấp ủ từ lâu và quyết định bắt tay vào việc cách đây 5 năm", GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương nói.
Tuy nhiên, việc biên soạn Giáo trình không hề đơn giản bởi đây là một sản phẩm khoa học đặc thù, với yêu cầu rất cao và nhiều quy định khắt khe đòi hỏi người biên soạn phải tuân thủ. Ví dụ rất đơn giản là người tham gia biên soạn giáo trình ít nhất phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có nghiên cứu và tham gia "đứng lớp" liên quan đến nội dung của giáo trình và phải nắm vững các tiêu chí xây dựng giáo trình.
"Thuận lợi lớn nhất có lẽ là tôi và PGS.TS. Lê Đình Tĩnh đều thích nghiên cứu, thích viết và đã có thời gian cùng làm việc trong nhiều năm.
Khi triển khai ý tưởng viết giáo trình, chúng tôi cũng may mắn có được đội ngũ giáo viên trẻ, có trình độ và trong số đó hầu hết đều được đào tạo ở các cơ sở giáo dục có uy tín, có kinh nghiệm đối ngoại, đây là một điều mang tính chất đặc trưng của các giảng viên tham gia giảng dạy ở Học viện Ngoại giao. Chúng tôi có cùng đam mê, nhiệt huyết và ý nguyện chung là vì các thế hệ sinh viên.
Trong thuận lợi vẫn có những thách thức, đó là đòi hỏi về thời gian, cường độ làm việc, chất lượng của giáo trình; thách thức liên quan đến những nguyên tắc về thủ tục, những thực tế khác phải vượt qua… Cuối cùng chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhờ sự đồng lòng, kiên định và dám đi đến cùng", chủ biên cuốn sách chia sẻ về quá trình biên soạn.
Chia sẻ về điểm nhấn của cuốn sách này, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương cho biết, ngoài đề cập đến một lượng lớn kiến thức, Giáo trình còn được thiết kế theo hướng để sinh viên từng bước có thói quen đọc, thu thập, xử lý thông tin và tiến tới có kỹ năng tìm hiểu, phân tích, tổng hợp và xây dựng cách tiếp cận về vấn đề cần nghiên cứu.
Một điểm đặc biệt của cuốn sách này cũng đến từ nhóm tác giả và đội ngũ biên soạn. Bên cạnh các chuyên gia kỳ cựu về Hoa Kỳ, còn có sự tham gia của đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên trẻ, có năng lực nghiên cứu và tham gia giảng dạy. Đây sẽ là sự động viên, khích lệ đối với thế hệ trẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học và tham gia đóng góp vào các công việc chung.
"Hiện nay, Hoa Kỳ học đã trở thành một lĩnh vực được nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo bậc Đại học và trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Do đó, việc có một hệ thống đa dạng các tài liệu tham khảo chất lượng về Hoa Kỳ bằng tiếng Việt là điều rất quan trọng. Mặc dù được biên tập cẩn thận, chặt chẽ, tuy nhiên, do là lần xuất bản đầu tiên, chủ đề và nội dung nghiên cứu khó, chắc chắn khó tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục nâng cấp để nội dung hay hơn, có sức cuốn hơn cho lần xuất bản tới", GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương cho biết.