5 năm qua, những ngành học nào luôn có điểm chuẩn cao tại Đại học Mỏ - Địa chất?
Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.. là một trong những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất 5 năm qua.
Được thành lập năm 1966, sau chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển với nỗ lực không ngừng và vượt qua bao thử thách, đến nay Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam về khoa học trái đất, mỏ và nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác.
Trên website của nhà trường thông tin về sứ mạng như sau: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức - công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế”.
Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: Website nhà trường
Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang có những bước chuyển mình căn bản trong toàn bộ hoạt động để vượt qua thử thách, nhanh chóng hòa nhập quốc tế với mục tiêu: “Đến năm 2030, Trường Đại học Mỏ - Địa chất trở thành một trung tâm đào tạo kỹ thuật đa ngành định hướng nghiên cứu kết hợp ứng dụng chất lượng cao và có uy tín trong nước và khu vực".
Trường Đại học Mỏ - Địa chất có địa chỉ tại số 18 Phố Viên - Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Trường là Chủ tịch Hội đồng trường; Hiệu trưởng nhà trường là Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hải.
Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất từ năm 2020 – 2024, số phương thức tuyển sinh đại học chính quy của trường không có nhiều thay đổi.
Năm 2020 trường thực hiện 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo học bạ; Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo kết quả học trung học phổ thông, học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; Xét thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 450 trở lên hoặc TOEFL iBT 53 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp môn xét tuyển của trường trừ môn thi Tiếng Anh, đạt từ 10 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán.
Từ năm 2021, nhà trường sử dụng thêm phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Năm 2022, 2023 và theo đề án tuyển sinh năm 2024 nhà trường giữ ổn định 5 phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Phương thức 2: Xét tuyển theo học bạ.
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo kết quả học trung học phổ thông cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế.
Phương thức 4: Xét thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 450 trở lên hoặc TOEFL iBT 53 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 theo tổ hợp môn xét tuyển của Trường trừ môn thi Tiếng Anh, đạt từ 10 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán.
Phương thức 5: Sử dụng kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Về tổ hợp xét tuyển, nhà trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển sau: A00 (Toán, Vật lý và Hóa học); A01(Toán, Vật lý, tiếng Anh); A06 (Toán; Hóa học; Địa lí); B00 (Toán, Sinh học và Hóa học); C04 (Ngữ văn, Toán và Địa lý); D07 (tiếng Anh, Toán, Hóa học); D01(Ngữ văn, Toán, tiếng Anh); D10 (Toán, Địa lí, tiếng Anh).
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, trong 5 năm trở lại đây, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.
Năm 2019, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Địa chất học; Địa kỹ thuật xây dựng.
Năm 2020, trường tuyển sinh ngành mới là Địa tin học.
Đến năm 2021, nhà trường mở nhiều ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu; Quản lý công nghiệp; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí động lực; Xây dựng công trình ngầm thành phố và hệ thống tàu điện ngầm; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Du lịch địa chất và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường.
Năm 2022, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tuyển sinh các ngành mới gồm: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật robot và trí tuệ nhân tạo; Đá quý Đá mỹ nghệ; Kỹ thuật khí thiên nhiên; Công nghệ số trong thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Kỹ thuật tài nguyên nước; Quản lý xây dựng; Hóa dược; An toàn, Vệ sinh lao động.
Năm 2023 và 2024, nhà trường không mở thêm ngành đào tạo mới.
Để thí sinh có góc nhìn tổng quan hơn, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất từ năm 2019 đến năm 2024 qua biểu đồ sau :
Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất từ năm 2019 đến năm 2024.
Năm 2019, nhà trường có tổng chỉ tiêu là 2900 sinh viên. Năm 2020, 2021 tổng chỉ tiêu là 2230 sinh viên. Năm 2022, chỉ tiêu của trường tăng lên là 3089 sinh viên. Năm 2023 và 2024, nhà trường giữ ổn định mức chỉ tiêu là 2279.
Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, các ngành như Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật địa vật lý… là những ngành học thường nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao (theo phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Năm 2019, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có điểm trúng tuyển cao nhất là 17,5 điểm. Các ngành còn lại phổ biến ở mức 14-15 điểm.
Những ngành học có điểm chuẩn cao theo từng năm tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Năm 2020, Trường Đại học Mỏ - Địa chất lấy điểm chuẩn vào các ngành dao động từ 15 - 25 điểm. Ngành Kỹ thuật hóa học (Chương trình tiên tiến) có đầu vào cao nhất, với 25 điểm. Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa lấy 19 điểm, sau đó là Kỹ thuật địa Vật lý với 18 điểm. Các ngành còn lại chủ yếu dao động ở mức 15 - 17 điểm.
Năm 2021, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đều lấy 20 điểm, tiếp theo là ngành Kỹ thuật hóa học lấy 19 điểm.
Năm 2022, ngành Công nghệ thông tin vẫn lấy điểm chuẩn cao nhất là 23 điểm, tiếp theo là các ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kế toán; Quản trị kinh doanh; Tài chính - ngân hàng đều lấy 22 điểm.
Đến năm 2023, mức điểm chuẩn dao động từ 15 đến 24 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ thông tin lấy 24 điểm; Kỹ thuật cơ khí lấy 23,75 điểm; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa lấy 23, 5 điểm; các ngành Quản trị kinh doanh; Tài chính - ngân hàng; Kỹ thuật ô tô đều lấy 23,25 điểm.
Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2023, thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm từ khi tốt nghiệp của Trường Đại học Mỏ - Địa chất ở từng lĩnh vực/ngành đào tạo, nhìn chung đa số các ngành đều ở mức từ 90% trở lên.
Những ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Theo đó, ngành Công nghệ thông tin có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 97,35%; ngành Kỹ thuật xây dựng có tỉ lệ 94,945%; ngành Công nghệ kỹ thuật có tỉ lệ 92,86%.
Theo đề án tuyển sinh 2024 của trường, học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) cho khối kinh tế là 352.000 đồng/1 tín chỉ; Khối kỹ thuật là 389.000 đồng/1 tín chỉ.