5 nguyên nhân khiến ráy tai có mùi hôi và cách khắc phục
Ráy tai có mùi hôi có thể do vệ sinh không sạch sẽ, nhiễm trùng,... nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn.
Ráy tai là một phần bình thường trong tai và có vai trò giữ cho tai khỏe mạnh và sạch sẽ. Ráy tai giúp bôi trơn ống tai và giúp tai không bị khô và ngứa. Ráy tai cũng giữ lại bụi bẩn cố gắng xâm nhập vào tai của chúng ta. Và quan trọng nhất, ráy tai giúp bảo vệ tai của chúng ta khỏi bị nhiễm trùng bằng cách tạo ra một hàng rào ngăn vi khuẩn và các thứ có hại khác xâm nhập vào.
Tuy nhiên, ráy tai có mùi hôi có thể chỉ ra một số vấn đề. Dưới đây là lý do tại sao ráy tai có mùi, cách xử lý mùi hôi và cả thời điểm cần đi khám bác sĩ.
1. Nguyên nhân khiến ráy tai có mùi hôi
Ráy tai khỏe mạnh được mô tả là hơi ngọt và có mùi mốc. Nếu ráy tai hơi chua hoặc nồng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Nếu ráy tai có mùi hôi khó chịu, đây có thể là dấu hiệu của:
- Quá nhiều ráy tai
Ráy tai có tác dụng bảo vệ tai nhưng nếu quá nhiều ráy có thể gây tắc nghẽn trong tai và gây ra mùi khó chịu. Một số dấu hiệu khác cho thấy bạn đang có nhiều ráy tai:
+ Đau tai, cảm giác đầy tai
+ Khó nghe
+ Ngứa hoặc ù tai
- Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai xảy ra do vi khuẩn hoặc vi-rút, thường là do các vi khuẩn này lây lan đến tai sau khi bạn bị cảm lạnh, đau họng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Loại nhiễm trùng tai có khả năng gây ra ráy tai có mùi hôi nhất là nhiễm trùng tai ngoài (khác với nhiễm trùng tai trong hoặc tai giữa). Ngoài mùi hôi, các triệu chứng của nhiễm trùng tai ngoài thường bao gồm đau, chảy dịch từ tai và có thể là đỏ ống tai.
- Có vật lạ trong tai
Nếu có vật lạ mắc kẹt trong tai và không lấy ra được, điều này cũng có thể khiến ráy tai có mùi hôi. Nếu trong tai có vật thể lạ và chưa lấy ra được, bạn cũng có thể cảm thấy đau, mất thính lực hoặc nhiễm trùng.
- U nang cholesteatoma
U cholesteatoma là các khối u da thường là u nang. Chúng phát triển sau màng nhĩ, ở phần giữa của tai. Các khối u da này không phải là ung thư. Bạn có thể bị u nang cholesteatoma nếu bạn bị nhiễm trùng tai giữa nhiều lần. Một số cũng là dị tật bẩm sinh.
Ráy tai có mùi hôi hoặc dịch tiết có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của u nang cholesteatoma. Các triệu chứng khác bao gồm:
+ Cảm giác áp lực trong tai
+ Đau nhức trong hoặc sau tai
+ Mất thính lực
+ Khó giữ thăng bằng
+ Giảm chức năng của các cơ mặt
- Ung thư tai
Ung thư tai rất hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra ở ống tai, tai giữa hoặc tai trong. Bệnh có thể do nhiễm trùng tai thường xuyên, nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa được biết. Ung thư tế bào vảy là loại ung thư tai phổ biến nhất. Các loại khác bao gồm: ung thư tế bào đáy, u hắc tố, ung thư nang VA, ung thư tuyến.
Các triệu chứng của ung thư tai phụ thuộc vào việc ung thư nằm ở ống tai, tai giữa hay tai trong và có thể bao gồm:
+ Dịch tiết từ tai có thể bao gồm máu
+ Đau
+ Mất thính lực
+ Mặt yếu, nếu nằm ở ống tai
+ Một khối u, nếu nằm ở ống tai
+ Không thể cử động mặt ở bên có khối u, nếu ở tai giữa
+ Đau tai, nếu nằm ở tai giữa
+ Đau đầu hoặc chóng mặt, nếu nằm ở tai trong
+ Ù tai
Màu sắc của ráy tai tiết lộ điều gì về sức khỏe?
1. Ráy tai màu vàng là màu phổ biến nhất và thường có nghĩa là mọi thứ đều ổn
2. Ráy tai màu nâu thường chỉ là dấu hiệu cho thấy ráy tai đã cũ và cần được làm sạch. Đây như một lời nhắc nhở nhỏ rằng đã đến lúc bạn cần vệ sinh tai.
3. Ráy tai màu đen là dấu hiệu cho thấy ráy tai của bạn đã cũ hoặc có nhiều bụi bẩn.
4. Ráy tai màu trắng là màu hiếm nhất, nhưng không có gì đáng lo ngại, đây là dấu hiệu cho thấy ráy tai của bạn sạch.
5. Ráy tai có màu máu là dấu hiệu của một số chấn thương ở tai, như ống tai bị trầy xước hoặc thậm chí là chấn thương. Đây cũng có thể là dấu hiệu của các kỹ thuật loại bỏ ráy tai không đúng cách.
2. Cách khắc phục ráy tai có mùi hôi
Tùy vào nguyên nhân là gì thì sẽ có các cách khắc phục khác nhau để loại bỏ mùi hôi của ráy tai. Cụ thể:
- Ráy tai quá nhiều
Bạn chỉ cần lấy ráy tai đúng cách:
+ Làm mềm ráy tai bằng ống nhỏ giọt dầu em bé, hydrogen peroxide, glycerin hoặc dầu khoáng.
+ Vài ngày sau khi ráy tai mềm, hãy sử dụng ống tiêm cao su để phun nước ấm vào tai. Ngửa tai có nhiều ráy lên khi xịt nước. Sau đó, nghiêng xuống để nước chảy ra. Lưu ý, không phun nước vào tai nếu bạn bị đau tai, chảy dịch hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Trong những trường hợp này, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán.
+ Dùng khăn hoặc máy sấy tóc để nhẹ nhàng làm khô tai ngoài.
Nếu bạn bị tích tụ quá nhiều ráy tai và không thể loại bỏ tại nhà, bạn nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ nạo, ống hút, que chọc nước hoặc ống tiêm cao su để loại bỏ ráy tai.
- Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai nhẹ có thể tự khỏi. Nếu nặng hơn, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
+ Thuốc giảm đau
+ Khăn chườm ấm
+ Kháng sinh
+ Nếu có dị vật thì cần gắp ra
- Vật lạ trong tai
Nếu nhìn rõ vật lạ, bạn có thể gắp ra nhưng không nên dùng tăm bông. Nếu không nhìn thấy dị vật, bạn nên đến gặp bác sĩ.
- U nang Cholesteatoma
Phương pháp điều trị loại u nang này có thể bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ tai và vệ sinh tai cẩn thận. Nếu những phương pháp này không hiệu quả, bạn có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ u nang.
- Ung thư tai
Nếu bạn bị ung thư tai, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật. Bạn cũng có thể cần xạ trị và hóa trị.
3. Ráy tai có mùi hôi khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Ráy tai có mùi hôi do rất nhiều nguyên nhân. Nếu chỉ đơn thuần thấy ráy tai có mùi hôi, bạn nên vệ sinh tai sạch sẽ hơn.
Tuy nhiên, nếu thấy tai có mùi hôi kèm theo:
+ Chảy dịch tai, đặc biệt dịch có mủ
+ Đau và ngứa tai dữ dội
+ Mất thính lực
+ Ù tai không thuyên giảm
Bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn: Healthline