5 nhóm ngành chính bị tác động mạnh nhất khi Mỹ tăng thuế, Việt Nam cần làm gì?

Chiều 2-4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Đáng nói mức thuế áp với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ).

 Nhóm ngành dệt may, da giầy sẽ chịu tác động mạnh do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao - Ảnh: Chính Phủ

Nhóm ngành dệt may, da giầy sẽ chịu tác động mạnh do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao - Ảnh: Chính Phủ

Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Trong nhận định mới nhất, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, với động thái trên, Chính phủ Mỹ thể hiện rõ quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn. Tuy nhiên, ông Lực chia sẻ còn có thể đàm phán đến ngày 9-4 nhưng Việt Nam cũng cần có kịch bản cho các mức thuế khác nhau.

Theo TS Cấn Văn Lực, những tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam.

Cụ thể tại 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024) là điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ; Dệt may, da giầy chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,6%; Nông-thủy-hải sản chiếm 3,5%; Thép và nhôm chiếm 2,7%.

Nhóm ngành dệt may, da giầy sẽ chịu tác động mạnh do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao. Việc bị áp thuế quan cao hơn tại thị trường Mỹ sẽ khiến ngành sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí và hàng rào xuất khẩu tăng lên. Hơn nữa, đây là mặt hàng có thể sử dụng lâu dài, có độ nhạy giá cả cao khi giá cả tăng lên cộng thêm kinh tế khó khăn bất định.

Nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ chịu tác động trung bình do chuỗi cung ứng khá ổn định và nhu cầu tại Mỹ ở mức cao. Song, các doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý đây là mặt hàng lâu bền và có độ nhạy giá cả khá cao (như dệt may, da giầy), nên khi kinh tế khó khăn thì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm vì vậy có thể giảm sức mua.

Đặc biệt là nhóm ngành nông-thủy-hải sản, năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông-thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 có thể đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Với mức thuế 46%, hàng thủy sản Việt Nam vào Mỹ có thể phải chịu thêm số tiền là 0,92 tỷ USD trong năm 2025.

Nhóm ngành điện tử chịu tác động hạn chế do đặc thù quy mô sản xuất và đầu tư lớn, công nghệ cao, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó mức thuế mới có thể tác động tiêu cực tới các quyết định đầu tư dự án sản xuất bán dẫn vào Việt Nam trong tương lai.

Chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ trong nước sẽ biến động nhiều hơn (như nhiều quốc gia khác đang gặp). Chính vì vậy sẽ cần đến quyết sách điều hành chính sách của Chính phủ cần nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.

Hành động của Việt Nam trong bối cảnh mới

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhìn từ cuộc họp ngày hôm qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thấy ông sẽ không áp thuế 20% với tổng hàng hóa vào Mỹ.

Trước đây trong lịch sử vào năm 1933, chính quyền Mỹ đã từng áp thuế 20% lên tổng hàng hóa vào Mỹ, gây ra cuộc đại suy thoái kinh tế Mỹ, có lẽ vì thế nên lần này chính quyền Donald Trump không áp dụng lại.

Với lần này, ông Donald Trump áp mức thuế quan riêng với từng quốc gia, như vậy có thể nói ông đang để cửa đàm phán để đạt được những thỏa thuận về thương mại của Mỹ trong tương lai. Con số mức thuế 46% có thể gây sốc, nhưng phải nhấn mạnh đến việc rằng con số này không phải con số chính thức được áp dụng và cũng không phải áp với tất cả loại hàng hóa.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn thời gian để thỏa thuận, đàm phán đáp ứng các thỏa thuận thương mại từ phía Mỹ để đôi bên cùng có lợi. Phải chờ đến ngày 15-4 mới có con số về thuế quan chính thức, thông cáo báo chí khi đó mới đưa ra cụ thể.

Với Việt Nam, trước tiên cần giảm thuế hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa Mỹ. Mức thuế quan trung bình với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hiện là 9,5% trong khi Mỹ chỉ áp dụng với Việt Nam là 3,3%, như vậy mức thuế quan trung bình này cần phải giảm xuống. Phía Việt Nam cũng đã rất nhanh nhẹn có những giải pháp ứng phó với tình hình mới.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường mua nhiều hơn nữa hàng hóa Mỹ, trong đó nổi bật có lĩnh vực hàng không. Đồng thời phía Việt Nam cũng tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với các thị trường tài sản như vàng hay cổ phiếu, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng các quỹ phòng hộ họ sẽ vẫn phòng hộ và trú ẩn vào tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu. Tuy nhiên cũng phải nhìn vào thực tế là vàng đã tăng giá lên ngưỡng rất cao, vì thế việc mua vào ở hiện tại cũng rất rủi ro.

Cũng theo ông Minh, có vẻ như nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý lo ngại về biến động chính sách của ông Donald Trump. Vì vậy từ nay đến ngày 15-4, các quốc gia đồng thuận và đưa ra giải pháp ứng phó, có khả năng rủi ro liên quan đến các chính sách thuế mới của chính quyền Mỹ sẽ giảm mạnh.

Đồng thời, có một tín hiệu tích cực là dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường trái phiếu, đây là tín hiệu tích cực của dòng tiền.

Với những nhà đầu tư mà tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục chiếm khoảng từ 30 đến 40%, họ không nên vội vã bán tháo trong thời điểm này. Với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, trong những đợt sập thị trường như thế này, có thể cân nhắc mua vào nhưng tuyệt đối không nên dùng đòn bẩy tài chính.

Cần nhớ, cho đến giờ chưa có mức thuế quan nào cuối cùng được đưa ra mà vẫn có thời gian đàm phán, chính vì vậy nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ khuyên các quốc gia nên bình tĩnh

Trong tuyên bố mới nhất sau khi các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Mỹ được công bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo các đối tác thương mại không nên đánh thuế đáp trả Mỹ bởi việc đó sẽ gây leo thang thêm.

"Lời khuyên của tôi dành cho từng nước vào lúc này là đừng trả đũa. Ngồi lại, hít thở sâu và xem mọi chuyện diễn ra thế nào. Bởi nếu các bạn trả đũa, sẽ có sự leo thang. Nếu các bạn không trả đũa, đây sẽ là giới hạn cao nhất".

Ông Bessent nói rằng bất kỳ phản ứng cứng rắn nào vào lúc này cũng sẽ là "không khôn ngoan".

Mỹ miễn trừ vàng, nhôm, thép khỏi thuế quan đối ứng

Ngày 2-4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế và có hiệu lực từ ngày 9-4, trong đó Việt Nam chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 46%. Tuy nhiên, Mỹ loại trừ các mặt hàng thép, nhôm, đồng, vàng ra khỏi thuế đối ứng. Thép và nhôm đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại thì sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Như vậy, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo mục 232.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-nhom-nganh-chinh-bi-tac-dong-manh-nhat-khi-my-tang-thue-viet-nam-can-lam-gi-post842324.html