5 nhóm nhiệm vụ về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng của Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh xác định chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, toàn cầu, phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo về triển khai Thông báo số 468/TB-VPCP ngày 15/10/2024 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận Phiên họp lần thứ năm của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Quan điểm của Thành phố Hồ Chí Minh: chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, toàn cầu. Ảnh minh họa

Quan điểm của Thành phố Hồ Chí Minh: chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, toàn cầu. Ảnh minh họa

Chuyển đổi xanh cần phải bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, hậu quả ngày càng lớn; chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, không thể thực hiện bởi một quốc gia thực hiện mà cần tiếp cận công bằng, toàn cầu và toàn dân. Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng thời gian qua là rất đáng trân trọng, khá toàn diện trên các mặt, cả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; thu hút nguồn lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; triển khai các dự án, hành động cụ thể, được cộng đồng quốc tế và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Trong thành quả chung của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, có sự đóng góp của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Từ đánh giá chung như trên, trong chỉ đạo, điều hành triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26, cần thống nhất một số quan điểm cơ bản sau đây:

Một là, chống (ứng phó) với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra nhằm thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, phải có sự quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Hai là, cần phải đa dạng hóa nguồn lực thực hiện. Ngoài việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân, từ các đối tác phát triển, nhà đầu tư nước ngoài; cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư.

Ba là, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, toàn cầu, phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Mọi chính sách đều phải hướng đến người dân, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm; người dân phải được tham gia, hưởng thụ thành quả của sự phát triển.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng của Thành phố Hồ Chí Minh

Từ các quan điểm chỉ đạo trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung vào 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn bảo đảm kịp thời và tạo sự thông thoáng.

Hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài nhà nước cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở nước ta, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh và các công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon (CCUS).

Xây dựng các phương thức quản trị mới, quản trị thông minh, quản lý chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 và chuyển đổi năng lượng công bằng; học hỏi kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thể chế, chuyển giao công nghệ.

Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện quán triệt nội dung Thông báo số 468/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai nhiệm vụ cụ thể theo Quan điểm chỉ đạo và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành.

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/5-nhom-nhiem-vu-ve-chuyen-doi-xanh-chuyen-doi-nang-luong-cua-thanh-pho-ho-chi-minh-179241117164811256.htm