5 nút thắt của Mỹ, Nga khi giải quyết vấn đề Ukraine
Các quan chức Mỹ sẽ lên đường tới châu Âu vào tuần này để thực hiện các cuộc đàm phán và một loạt các cam kết nhằm xoa dịu căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine.
Ba cuộc hội đàm, dự kiến diễn ra từ ngày 10-14/1 tại Geneva, Brussels và Vienna, đã nhanh chóng được lên kế hoạch để đáp lại việc Nga điều hàng chục nghìn binh lính đến biên giới giáp Ukraine. Hành động quân sự của Moscow làm dấy lên lo ngại rằng nước này đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine giống như việc sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nói rằng các cuộc đàm phán sẽ là cơ hội để Nga nêu lên những lo ngại của mình.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, đồng thời cảnh báo nếu Nga muốn các cuộc đàm phán “đạt được tiến triển thực sự” thì phải giảm leo thang căng thẳng với Ukraine.
“Rất khó để đạt được tiến triển thực tế trong bất kỳ lĩnh vực nào trong một bầu không khí leo thang và bị đe dọa với một phát súng chĩa vào đầu Ukraine”, ông Blinken nói.
Theo The Hill, dưới đây là 5 điều cần biết về các cuộc đàm phán sắp tới trong bối cảnh Mỹ và Nga đang cố gắng giải quyết vấn đề Ukraine.
Hành động của Tổng thống Putin
Việc Tổng thống Putin điều hàng chục nghìn quân đến biên giới với Ukraine vào cuối năm 2021 đã khiến các quốc gia phương Tây lo ngại.
Động thái này mang đến nhiều câu hỏi về hành động của nhà lãnh đạo Nga. Liệu Moscow có ý đồ thực hiện một cuộc xung đột quy mô lớn để kiểm soát Ukraine hay đang tạo ra một “trò chơi” để buộc các quốc gia phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán.
Elina Treyger, nhà khoa học chính trị tại tổ chức Rand Corporation, cho biết, Tổng thống Putin lo ngại về việc Kiev theo đuổi các liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với phương Tây, đặc biệt là mong muốn gia nhập NATO của nước này.
Bà Treyger cho rằng mong muốn của Điện Kremlin là có một Ukraine thân thiện hơn với chính phủ Nga. “Nếu không đạt được điều đó, Nga muốn làm suy yếu Ukraine”, chuyên gia Treyger nói.
William Taylor, phó chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ (USIP) và là cựu đại sứ tại Ukraine, nói rằng “không ai thực sự biết Tổng thống Putin đang nghĩ gì”, nhưng ông ấy có thể đang muốn di sản của mình có trong lịch sử Nga.
Mối quan hệ Nga – Mỹ
“Nga coi Mỹ là bên đối thoại ưa thích vì họ nghĩ rằng Mỹ có quyền quyết định hầu hết mọi thứ”, chuyên gia Treyger nói và đồng ý với quan điểm rằng các cuộc đàm phán ở Geneva có khả năng tạo ra tác động cho lịch trình của các sự kiện tiếp theo.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại Mỹ hôm 7/1 cảnh báo rằng Nga sẽ tìm cách sử dụng cuộc hội đàm ở Geneva để làm suy yếu sự phối hợp của Mỹ với các đồng minh.
“Chúng tôi mong đợi rằng Nga sẽ đưa ra các bình luận công khai sau cuộc họp vào ngày 10/1. Chúng tôi sẽ kêu gọi các đồng minh và đối tác xem xét những bình luận đó và tiếp tục các cuộc thảo luận đang diễn ra với Mỹ”, quan chức này nói.
Theo quan chức này, cuộc gặp ở Geneva là một “phiên họp bất thường” của Đối thoại Ổn định Chiến lược đã diễn ra hai tuần trước đó giữa Washington và Moscow, được lên kế hoạch liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ không thảo luận về Ukraine với Nga nếu không có các quan chức từ Kiev và thay vào đó sẽ tập trung giải quyết những gì Nga nói là các yêu cầu an ninh của Mỹ, được công bố trong một dự thảo hiệp ước an ninh vào tháng 12/2021.
Ông Blinken đã bác bỏ một số yêu cầu của dự thảo hiệp ước an ninh nhưng nhấn mạnh các vấn đề khác là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận, bao gồm kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sự minh bạch hơn giữa hai quốc gia để giảm nguy cơ xung đột.
“Nếu Nga có những lo ngại chính đáng về hành động của chúng tôi, Mỹ, các đồng minh NATO, các đối tác của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẵn sàng lắng nghe và cố gắng giải quyết nếu Điện Kremlin nói về hành vi nguy hiểm và gây bất ổn của họ”, Ngoại trưởng Blinken nói.
Một quan chức chính quyền cấp cao hôm 8/1 nói rằng Mỹ đã sẵn sàng nói chuyện với Nga về thỏa thuận liên quan đến việc triển khai tên lửa và các cuộc tập trận quân sự ở Đông Âu.
Điều bất thường
Chỉ hai ngày sau cuộc hội đàm tại Geneva, các quan chức Mỹ sẽ tham gia cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO trong ngày 12/1, vòng tiếp xúc đầu tiên kể từ tháng 7/2019. Tiếp theo là cuộc gặp giữa Nga và Ukraine trong một cuộc họp tại Vienna do OSCE tổ chức vào ngày 13/1.
Ông Taylor cho rằng đó là “điều bất thường khi có ba phiên họp liên tiếp này diễn ra”, phản ánh mức độ cấp thiết của mối đe dọa Nga đang đặt ra cho Ukraine.
Dòng chảy phương Bắc 2
Chính quyền Mỹ đã thực hiện một nỗ lực ngoại giao để đoàn kết các đồng minh trên toàn thế giới với thông điệp rằng Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tiến hành một cuộc tấn công Ukraine, đặc biệt là các lệnh trừng phạt kinh tế.
Mỹ cũng cho biết họ chuẩn bị tăng cường sự hiện diện của quân đội ở châu Âu nếu Nga có ý đồ tấn công Ukraine, như một phần nghĩa vụ của họ đối với các nước NATO tại biên giới Ukraine và Nga.
Tuy nhiên, có một sự rạn nứt nhỏ trong sự đoàn kết của các đồng minh là sự ủng hộ của Đức đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga sang Đức.
Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 nhưng đã từ bỏ các biện pháp trừng phạt vào tháng 5/2021 để duy trì quan hệ với Đức, điều đã nhận được sự chỉ trích của lưỡng đảng tại Quốc hội.
Trong những ngày gần đây, ông Blinken đã tìm cách kiềm chế sự phản đối của Mỹ đối với Dòng chảy phương Bắc 2 như một cơ hội để Berlin gây áp lực lên Moscow.
“Đường ống dẫn khí này hiện không có khí đốt chảy qua và nếu Nga tiếp tục có thái độ gây hấn với Ukraine, chắc chắc sẽ khó thấy khí đốt chảy qua đường ống này trong tương lai. Vì vậy, một số bên có thể coi Dòng chảy phương Bắc 2 là đòn bẩy Nga có thể sử dụng để chống lại châu Âu”, ông Blinken nói.
Khủng hoảng ở Kazakhstan
Chính quyền Tổng thống Biden bày tỏ lo ngại về khủng hoảng ở Kazakhstan, nơi nổ ra các cuộc biểu tình khi giá nhiên liệu tăng cao. Lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu đã được kêu gọi để giúp dập tắt bất ổn theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan.
Theo The Hill, hiện chưa rõ liệu tình hình ở Kazakhstan có ảnh hưởng đến các cuộc gặp ngoại giao trong tuần này hay không.
Hôm 7/1, Ngoại trưởng Blinken đã lên tiếng cảnh báo về việc Nga có thể can dự vào cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan./.